(GD&TĐ) - Hội nghị Thượng đỉnh G-8 diễn ra từ 17 -18/6 ở Lough Erne (Bắc Ireland) đã kết thúc. Tuyên bố chung về Syria đã được ký kết bởi tất cả các nhà lãnh đạo của các nước G-8, trái với những lo ngại trước đó về bất đồng của Nga với các nước còn lại. Tuy nhiên, trên thực tế tình hình ở Syria vô cùng căng thẳng. Iran vừa gửi 4.000 quân tinh nhuệ đến Syria nhằm đối phó với đặc nhiệm Mỹ ở miền Nam nước này. Barack Obama vừa quyết định cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria. Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria, kêu gọi thiết lập vùng cấm bay và bật đèn xanh cho quân tình nguyện đến Syria chống lại Bashar Assad.... Liệu những quyết định của G-8 có tháo gỡ được “ngòi nổ Syria” đang quá nóng?
Các nhà lãnh đạo G-8 thảo luận về Syria |
Syria trên bàn hội nghị G-8
Mặc dù có những lo ngại rằng Nga sẽ chơi kiểu “một mình một chiếu” tại Hội nghị Thượng đỉnh G-8, rằng 7 nước còn lại sẽ đưa ra quyết định về vấn đề Syria mà không có Nga. Các cuộc thảo luận về Syria đã kết thúc bằng việc đưa ra một tuyên bố chung có chữ ký của lãnh đạo 8 nước, trong đó có Tổng thống Nga V.Putin.
Trước đó, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã lớn tiếng tuyên bố rằng Nga không có chỗ ở G-8 bởi họ ủng hộ “những tên côn đồ Syria”, rằng tại Hội nghị Thượng đỉnh G-8 ở Lough Erner lần này chỉ có thể gọi là G7+1. Với quan điểm có vẻ mềm mỏng hơn, Thủ tướng Đức Angela Merkel hy vọng vẫn còn thời gian để Nga thay đổi quan điểm, rằng không thể bỏ qua Nga bởi không có Moskva, xung đột ở Syria khó có thể giải quyết.
Trên thực tế, những gì diễn ra tại hội nghị không như ngài Harper tưởng tượng. Tuy nhiên, không phủ nhận có những căng thẳng khó tránh. Theo nguồn tin từ đoàn ngoại giao Nga thì tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G-8 về Syria được ký vào nửa đêm thứ Ba. Về nội dung, khái niệm “chính phủ chuyển tiếp” xem ra không được người Nga hài lòng. Chuyện đơn giản bởi trong chính phủ này sẽ không có chỗ cho chính phủ của đương kim Tổng thống Bashar Assad. Kết quả là trong tuyên bố chung phải đổi thành cụm từ “thành lập một cơ quan chuyển tiếp...”.
Trả lời các câu hỏi của báo giới tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng các chuyên gia Nga không có bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Bashar Assad. Trả lời câu hỏi có phải một mình ông chống lại 7 người còn lại trong cuộc tranh luận về Syria, V.Putin trả lời: Hoàn toàn không phải như vậy. Theo V.Putin, Nga chưa bao giờ bảo vệ quan điểm của mình một cách đơn độc. Vẫn còn những người nghi ngờ, vẫn còn những người muốn tìm hiểu về Syria sâu hơn. Điều đó có nghĩa rằng lợi ích của nước Nga đã được tôn trọng, bảo vệ trong cuộc tranh luận. Quan điểm của V.Putin được Thủ tướng Anh Cameron - người cũng tổ chức họp báo nhưng ở một chỗ khác đồng tình.
Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng, tuyên bố chung về Syria là rất mạnh mẽ. “Tôi không tin rằng chúng ta phải trả bất cứ giá nào. Chúng ta đã đạt được một tuyên bố rất mạnh mẽ đối với Syria, trong đó có quy định mà trước đó 2 - 3 ngày tôi không hy vọng sẽ được V.Putin chấp nhận”- David Cameron thông báo với giới truyền thông.
Thủ tướng Anh David Cameron đã công bố một một chương trình gồm 7 bước, trong đó có việc tăng cường áp lực ngoại giao lên cả hai bên xung đột để bắt đầu tiến trình đàm phán, đồng thời chi 1,5 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho người dân Syria - Itar -TASS đưa tin.
Trước đó, kênh truyền hình Ả Rập Al Arabia đề cập đến bản dự thảo tuyên bố chung và khẳng định hội nghị hòa bình về Syria (Geneva-2) khó có thể diễn ra trong tháng 7 này như dự kiến của Nga và Mỹ. Tuy nhiên, với tinh thần của tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Lough Erner, các nhà phân tích tin rằng dứt khoát “Geneva-2” sẽ diễn ra.
Và một Syria sặc mùi thuốc súng
Căng thẳng ở Syria đang leo thang đến mức ranh giới cho cuộc chiến quân sự có sự tham gia của nước ngoài chỉ còn là gang tấc. Theo các nguồn tin, sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố Syria đã vượt qua “giới hạn đỏ” - sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ chính thức cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy Syria. Những loại vũ khí tối tân như tên lửa Patriot, máy bay chiến đấu F-16 vừa tham gia cuộc tập trận chung với Jordan cũng được Washington “cài cắm” lại. Tình hình Syria có những diễn biến phức tạp hơn bởi Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi vừa ra tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Damascus, yêu cầu thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Syria và “bật đèn xanh” cho những ai tham gia đội quân tình nguyện chống lại Bashar Assad. Nên nhớ, Ai Cập từng giữ vai trò trung gian trong việc giải quyết những xung đột ở khu vực.
Ngay lập tức, Tehran gửi đến Syria 4.000 binh sĩ tinh nhuệ thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo nhằm trợ giúp cho Bashar Assad. Theo các nhà phân tích, lực lượng này được chuẩn bị để đối đầu với đặc nhiệm Mỹ tại miền Nam Syria. Theo các phương tiện truyền thông, 4.000 quân tinh nhuệ Iran chỉ là “đội ngũ đầu tiên” đến Syria. Trong tương lai, tùy theo tình hình chiến sự Tehran có thể bổ sung quân tiếp. Sự tham gia trực tiếp của Iran chứng tỏ cuộc chiến ở Syria đã bước sang giai đoạn mới, căng thẳng hơn, nguy hiểm hơn. Hy vọng rằng những quyết sách của G-8, những nỗ lực của các cường quốc đủ mạnh để dập tắt ngòi nổ chiến tranh có nguy cơ lan rộng.
Duy Long (TH)