Khi CEO Facebook Mark Zuckerberg lên sân khấu sự kiện F8 hồi tuần trước để thực hiện bài phát biểu lớn nhất năm, anh đã làm một thứ mà có lẽ không hề mong đợi vài ngày trước đó: thừa nhận vai trò của Facebook trong một video ghê tởm được đăng trên mạng xã hội.
2 ngày trước bài phát biểu của Zuckerberg, một người đàn ông chia sẻ video quay cảnh hắn bắn chết một cụ ông tại Cleveland (Mỹ). Vài phút sau, hắn lại lên Facebook Live để thú tội. Khoảng 1 tiếng trước khi Mark lên sân khấu F8, cảnh sát nói tên sát nhân đã tự tử.
“Chúng tôi có nhiều việc phải làm và sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn các bi kịch như thế này diễn ra”, Zuckerberg nói.
Facebook cam kết đánh giá lại công cụ báo cáo mà mọi người sử dụng để “gắn cờ” những video bạo lực cũng như tiếp tục phát triển trí tuệ nhân tạo để hạn chế lan tràn các video tương tự. Tuy nhiên, rõ ràng các thay đổi đó không thể đến đủ nhanh.
Chưa đầy 2 tuần sau, bi kịch lại bắt đầu. Chiều thứ Hai tuần này, một ông bố người Thái Lan đã dùng Facebook Live để quay cảnh tự tử cùng con gái. Video còn lưu trên Facebook gần 24 giờ mới được gỡ xuống.
Các sự cố Facebook Live ngày một tăng cho thấy mạng xã hội thiếu khả năng kiểm soát triệt để dịch vụ của mình. Facebook đang có gần 2 tỷ người dùng mỗi tháng, tức là gần 2 tỷ người có khả năng bấm một nút, chĩa camera vào gì đó và phát trực tiếp cho bạn bè nhìn thấy.
Peter Csathy - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Creatv Media, doanh nghiệp tư vấn cho các hãng công nghệ và truyền thông - nhận xét: Không như các bài đăng truyền thống, livestream quy mô lớn khiến việc kiểm soát là bất khả thi. Như một hệ quả, chúng ta chứng kiến nhiều điều kinh khủng.
Facebook không phải hãng công nghệ duy nhất phải giải quyết các vết thương từ video bạo lực gây ra. Twitter và YouTube cũng gặp vấn đề như vậy song Facebook, với nền tảng người dùng khổng lồ và danh xưng “vua mạng xã hội”, đã trở thành kẻ hứng bão.
Facebook không bình luận gì về vụ tự sát tại Thái Lan hay các câu hỏi về tương lai của Facebook Live hay làm thế nào để bảo đảm an toàn. Đây thực sự là tình huống khó xử.
Zuckerberg đặt cược tương lai vào các video đăng trên trang. Khi mở rộng tính năng livestream năm ngoái, ông chủ trẻ tuổi nói chúng ta đang bước vào “kỷ nguyên vàng của video”.
“Tôi không ngạc nhiên nếu 5 năm sau, phần lớn nội dung mọi người nhìn thấy trên Facebook và chia sẻ hàng ngày là video”, Zuckerberg đã nói như vậy khi ấy.
Facebook Live quả thực đã gây nhiều phiền toái cho mạng xã hội. Công ty bị chỉ trích vì gỡ video nhưng đồng thời cũng bị phàn nàn vì không kịp thời gỡ video.
Đối với các video có thể bị chê trách, Justin Osofsky, Phó Chủ tịch phụ trách Điều hành toàn cầu của Facebook, cho biết công ty phụ thuộc vào “hàng ngàn” người trên thế giới để xem xét các nội dung bị đánh dấu. Người dùng Facebook báo cáo “hàng triệu” nội dung hàng tuần với hơn 40 ngôn ngữ.
Tuy nhiên, ngay cả khi Facebook phát triển trí tuệ nhân tạo tốt hơn và quản lý tốt hơn quy trình báo cáo video phản cảm, không có gì bảo đảm các vụ như Cleveland hay Thái Lan không xảy ra lần nữa.
“Không có gì chắc chắn 100%. Bất kể bao nhiêu nguồn lực được đổ vào để chống lại vấn nạn này, luôn có thứ bị để lọt” - Csathy nói.