Nhận định được tờ Izvestia dẫn lời Earl Rasmussen, cố vấn quốc tế và là Trung tá đã nghỉ hưu với hơn 20 năm kinh nghiệm trong Quân đội Mỹ, đưa ra sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky sa thải chỉ huy Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk ngay khi Kiev mất chiếc F-16 đầu tiên do Mỹ sản xuất.
"Quyết định sa thải Mykola Oleshchuk có thể là sản phẩm của 'trò đổ lỗi' trong giới lãnh đạo cấp cao của Kiev", ông Rasmussen nói và cho biết thêm:
"Còn nhiều yếu tố khác liên quan đến vấn đề này… Tôi nghĩ việc loại bỏ quyền lãnh đạo có thể làm phức tạp thêm việc giải quyết một số vấn đề này".
Bình luận về quyết định không cử nhân sự tới Ukraine để bảo dưỡng máy bay phản lực F-16 do Mỹ sản xuất, ông Rasmussen cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do Lầu Năm Góc cho rằng quyết định này quá rủi ro.
"Có lẽ Mỹ sẽ vội vã đào tạo các kỹ sư bảo trì thông qua khóa đào tạo rất nhanh mà có thể không đủ trình độ. Hoặc sẽ cố gắng thuê người từ bên ngoài với chi phí khá cao. Tất cả những khả năng đó đều mang đến rủi ro rất cao.
Không thể cung cấp mức độ bảo trì cần thiết có thể gây bất lợi cho khả năng sử dụng và triển khai hiệu quả các máy bay phản lực F-16 của Ukraine", chuyên gia Mỹ cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, dù F-16 có tốt đến đâu thì máy bay này vẫn có những nhược điểm, chẳng hạn như phạm vi hoạt động khá hạn chế. Chúng chỉ có thể hoạt động trong bốn giờ nếu được cung cấp tối đa nhiên liệu, tải trọng tương đối thấp" và dễ bị tấn công điện tử.
Ông nói thêm rằng việc thiếu khả năng tàng hình, thiếu phụ tùng sửa chữa và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng phi công được đào tạo sẽ càng hạn chế tính hữu dụng của F-16 khi hoạt động tại Ukraine.
Về cách Nga có thể chống lại mối đe dọa tiềm tàng từ máy bay phản lực F-16, ông Rasmussen lập luận rằng hệ thống tên lửa đất đối không S-300 và S-400, cũng như máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35, có thể không khó để hoàn thành nhiệm vụ.
"Tiêm kích F-16 là sự bổ sung cho rất tốt cho Ukraine, nhưng nó không phải là vũ khí kỳ diệu, nó sẽ không tác động đến kết quả của cuộc xung đột và lực lượng phòng thủ Nga giữa máy bay và lực lượng phòng không của họ sẽ dễ dàng chống lại mọi mối đe dọa từ F-16", ông nhấn mạnh.
Trong tuyên bố hôm 30 tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: "Tôi quyết định thay tư lệnh không quân Mykola Oleshchuk. Tôi vô cùng biết ơn các phi công quân sự của chúng ta".
Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho hay, việc sa thải ông Oleshchuk không liên quan tới vụ F-16 rơi mà chỉ là "vấn đề luân chuyển nhân sự", nhưng không nói rõ thêm.
Đây là chiếc F-16 đầu tiên của Ukraine bị phá hủy kể từ khi nước này tiếp nhận lô tiêm kích do đối tác phương Tây viện trợ hồi đầu tháng. Trung tá Oleksiy Mes, một trong những phi công tiêm kích giỏi nhất Ukraine, là người thiệt mạng trong vụ việc.
Trong khi giới lãnh đạo Ukraine bảo mật thông tin về nguyên nhân chiếc máy bay rơi thì Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Ukraine Mariana Bezugla cho rằng: "Tiêm kích F-16 đã bị tên lửa phòng không Patriot bắn hạ do sự thiếu hiệp đồng giữa các đơn vị".
Tướng Oleshchuk sau đó chỉ trích Bezugla, khẳng định quân đội đang điều tra nguyên nhân và "không che giấu bất kỳ điều gì".
Trong khi đó, Reuters dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ nói vụ rơi F-16 dường như không phải do hỏa lực từ Nga, mà có thể là lỗi phi công hoặc sự cố kỹ thuật.