Mỹ sẽ làm gì sau khi chiếc F-16 đầu tiên rơi?

GD&TĐ - Trung tá Không quân Mỹ Karen Kwiatkowski, cho rằng, việc Ukraine mất chiếc F-16 đầu tiên có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch của NATO.

Tiêm kích F-16.
Tiêm kích F-16.

Nhận định được cựu chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ và là Trung tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski đưa ra khi trả lời hãng thông tấn RIA.

"Mỹ và NATO biết rằng một số ít máy bay F-16 cũ không được triển khai và vận hành theo chiến lược sẽ không thể giành được lợi thế trong cuộc chiến.

Vụ F-16 bị rơi khi tham chiến và khả năng về những thất bại tương tự trong tương lai sẽ làm chậm lại và giảm mong muốn gửi thêm F-16 và một số vũ khí khác của phương Tây đến Ukraine.

Bởi chúng (F-16) sẽ kết thúc ảo tưởng của những nhà lãnh đạo phương Tây về sự có mặt của dòng chiến đấu cơ này sẽ khiến xung đột kết thúc nhanh với phần thắng thuộc về Ukraine", bà Kwiatkowski, nói.

Ngoài ra, Trung tá Mỹ còn lưu ý rằng viện trợ quân sự và tài chính của phương Tây cho Ukraine thực ra có mục đích bảo thủ so với giá trị thực tế ​​và khả năng đạt được mục tiêu.

Với mục đích là loại bỏ vũ khí cũ, làm mới trang bị của chính mình để biện minh cho chi tiêu quốc phòng và quân sự tăng cao. Thông qua viện trợ, Mỹ và phương Tây còn muốn quyền kiểm soát sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên của Ukraine.

Liên quan đến những nỗ lực của Mỹ và Ukraine khi nói về việc chiếc F-16 rơi không hề liên quan đến hoạt động chiến đấu, bà Kwiatkowski cho rằng không thể coi như vậy bởi đã xuất hiện thông tin máy bay do Mỹ sản xuất này đã bị Nga bắn hạ bằng tên lửa đất đối không.

"Nếu tổn thất này xảy ra trong tình huống của Mỹ hoặc NATO, nó sẽ được phân loại là tổn thất chiến đấu, và bất kỳ cuộc điều tra nào cũng sẽ không thay đổi suy nghĩ đó.

Tuy nhiên, nếu Kiev muốn nhận được nhiều thiết bị và công nghệ cao cấp hơn, và thậm chí là sự cho phép của Mỹ để tấn công sâu vào Nga thì họ phải tránh mọi lời đổ lỗi cho những tổn thất đang diễn ra đối với quân đội của chính mình, hoặc ưu thế chiến đấu/hậu cần/chiến lược của Nga", bà Kwiatkowski, nói.

Trung tá Mỹ cũng cân nhắc đến tuyên bố rằng máy bay F-16 bị hệ thống phòng không Patriot bắn hạ trong một vụ đánh chặn nhầm, lưu ý rằng cả Mỹ và Anh trước đây đều mất một máy bay do bắn nhầm của hệ thống Patriot trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Mặc dù vấn đề gây ra những tổn thất này đã được khắc phục vào năm 2003, bà Kwiatkowski lưu ý rằng các hệ thống Patriot cung cấp cho Ukraine có thể là những hệ thống cũ hơn và vẫn có thể gây ra sự nhầm lẫn đáng tiếc này.

"Tất cả những người quan sát trung thực bên trong và bên ngoài cuộc xung đột này đều biết rằng Ukraine đang chiến đấu với một loạt các thiết bị cũ của Mỹ và từ thời Liên Xô.

Chúng thường không tương thích về mặt công nghệ, được vận hành bởi những người thường không quen thuộc với các hệ thống này và trong một không gian chiến đấu hỗn loạn, không được hỗ trợ hậu cần tốt, sự nhầm lẫn hoàn toàn có thể xảy ra.

Hỏa lực thân thiện là một vấn đề lớn trong mọi cuộc chiến tranh, và đặc biệt là đối với Ukraine vì các hệ thống thông tin liên lạc và kiểm soát không được tích hợp tốt, các trung tâm điều hành mặt đất ít được đào tạo bài bản", bà nói thêm.

Hôm 29 tháng 8, bà Mariana Bezugla, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Ukraine, tuyên bố rằng "tiêm kích F-16 do phi công Oleksiy Mes điều khiển đã bị tên lửa phòng không Patriot bắn hạ do sự thiếu hiệp đồng giữa các đơn vị".

Bezugla cho rằng bắn nhầm đồng đội là điều không thể tránh khỏi trong xung đột, nhưng chỉ trích giới lãnh đạo không quân Ukraine "thiếu phối hợp" nên để xảy ra sự việc.

"Bộ máy ra quyết định không ngừng xuống cấp, thậm chí là sụp đổ như tình hình đang diễn ra ở mặt trận Pokrovsk. Chưa có tướng lĩnh nào bị trừng phạt, tư lệnh không quân Mykola Oleschuk vẫn nắm quyền", bà Bezugla nói thêm.

Nghị sĩ Bezugla từng nhiều lần chỉ trích quân đội Ukraine. Hồi tháng 7, bà thông báo đã bị cách chức chủ tịch Tiểu ban Kiểm soát Dân sự vì "nói sự thật về các vấn đề trong quân đội".

Giới chức Ukraine hôm 29 tháng 8 xác nhận một tiêm kích F-16 bị rơi khi ứng phó đợt tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga trước đó ba ngày, khiến phi công thiệt mạng.

Đây là chiếc F-16 đầu tiên của Ukraine bị phá hủy kể từ khi nước này tiếp nhận lô tiêm kích do đồng minh phương Tây viện trợ hồi đầu tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...