EU có thể kết thúc sớm nhiệm kỳ Hungary vì một chuyến thăm

GD&TĐ - Thủ tướng Viktor Orban sau chuyến thăm Nga đã gặp những chỉ trích từ Brussels và Kiev, EU có thể kết thúc sớm nhiệm kỳ Chủ tịch của Hungary.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban
Thủ tướng Hungary Viktor Orban

Tờ Politico EU dẫn nguồn tin ngoại giao cho thấy, Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ thu hồi chức Chủ tịch EU của Hungary sau chuyến thăm của Thủ tướng Viktor Orban đến Moscow.

Sau khi đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu và tuyên thệ sẽ "làm cho châu Âu vĩ đại trở lại (MEGA)”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đến thăm Ukraine và gặp Tổng thống Volodymir Zelensky.

Sau đó, ông đến Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin để tìm hiểu về những điều kiện của Nga trong cuộc xung đột Ukraine. Chuyến thăm Moscow của ông Orban đã gây ra ý kiến trái chiều ở Kiev và Brussels.

Politico trích dẫn lời một nhà ngoại giao EU giấu tên cho rằng: “Các quốc gia thành viên đã khó chịu với khẩu hiệu 'MEGA'. Nhưng một cuộc gặp với ông Putin sẽ mãi mãi làm lu mờ nhiệm kỳ tổng thống của Hungary. Với một cuộc gặp như vậy, nhiệm kỳ Chủ tịch sẽ kết thúc trước khi thực sự bắt đầu.”

Nhà ngoại giao này mô tả Thủ tướng Orban đã trở nên trái ngược và gợi ý rằng các đại sứ EU "có thể chuyển từ việc chỉ lên án công khai sang hành động cụ thể để kiềm chế" Budapest tại cuộc họp của khối vào ngày 10/7 này.

Một nhà ngoại giao giấu tên khác cho biết, "có một sự phản đối chính trị rất rõ ràng" đối với ông Orban tại Brussels, đồng thời nói thêm rằng các đại sứ "hiện đang thảo luận về việc chính xác phải làm gì trong cuộc họp tới".

Theo ông Daniel Hegedus, một thành viên cấp cao tại nhóm nghiên cứu German Marshall Fund, khối liên minh này “có thể loại bỏ chức chủ tịch Hungary trong vòng vài tuần”. Ông đã vạch ra một loạt các bước mà Brussels có thể thực hiện để chuyển thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch của Ba Lan sang ngày 1 tháng 9, rút ngắn nhiệm kỳ của Hungary, để “gắn những hậu quả tiêu cực vào hành vi của ông Orban”.

Tất nhiên, để làm được như vậy cũng cần có điều kiện. Điều này đòi hỏi phải có đa số bốn phần năm trong Hội đồng châu Âu.

Về phần mình, Thủ tướng Orban đã bác bỏ lời chỉ trích rằng ông không có nhiệm vụ đại diện cho EU bằng cách nói các sứ mệnh hòa bình của ông không phải là các cuộc đàm phán cổ điển và do đó không cần phải có. Các cường quốc lớn hơn có thể chấm dứt xung đột, nhưng Hungary có thể là "một công cụ tốt trong tay Chúa" để thúc đẩy hòa bình, nhà lãnh đạo Hungary nói trên truyền hình quốc gia vào cuối tuần trước.

Hungary từ lâu đã là một trong số ít thành viên EU chỉ trích sự ủng hộ vô điều kiện của khối này đối với Ukraine, thay vào đó thúc giục Brussels thúc đẩy hòa bình. Budapest đã chặn các kế hoạch tài trợ cho việc mua vũ khí của Kiev, từ chối tham gia chương trình huấn luyện quân đội Ukraine và từ chối vận chuyển vũ khí và thiết bị đến Ukraine qua lãnh thổ của mình.

Trong chuyến thăm Nga vừa qua, ông Orban đã nói với Tổng thống Nga rằng, cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine đang ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực châu Âu. Lục địa này chỉ phát triển nhanh chóng và bền vững nhất trong thời bình. Ông đã thảo luận với Tổng thống Putin về "con đường ngắn nhất thoát khỏi cuộc xung đột ở Ukraine".

Ông Orban cho biết, chuyến đi của ông là bước đầu tiên để khôi phục đối thoại và thừa nhận chuyến thăm không phải là một nhiệm vụ của EU mà ông phải thực hiện. Tuy nhiên, ông Orban lo ngại rằng quyết tâm leo thang xung đột Ukraine của phương Tây có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga, có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho tất cả những bên liên quan.

Chuyến thăm đã khiến Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhanh chóng lên tiếng chỉ trích. Bà cáo buộc Thủ tướng Hungary có hành động "xoa dịu" ông Putin. "Chỉ có sự thống nhất và quyết tâm mới mở đường cho một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine" - bà tuyên bố.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết chuyến thăm Nga của Orban không liên quan gì đến EU và lập trường của khối này về cuộc xung đột vẫn không thay đổi.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, người ủng hộ nhiệt thành Kiev, đã chỉ trích ông Orban và tuyên bố ông không thể tin rằng một chuyến thăm như vậy có thể diễn ra.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, người được lên kế hoạch trở thành người đứng đầu chính sách đối ngoại và an ninh tiếp theo của EU đã nói ông Orban có ý định "gieo rắc sự nhầm lẫn" về tư cách Chủ tịch luân phiên EU trong chuyến đi này.

Ngược lại, Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người vừa trải qua cuộc ám sát bất thành đã ủng hộ quan điểm và chuyến thăm của Thủ tướng Hungary. Ông Fico có chung quan điểm đàm phán cho cuộc xung đột ở Ukraine và mong muốn có thể cùng chung bước với ông Orban trong chuyến thăm Nga này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ