Thủ tướng Hungary thăm Nga: Châu Âu chỉ phát triển trong thời bình

GD&TĐ -Thủ tướng Hungary Viktor Orban gặp Tổng thống Putin tìm cách kết thúc hoàn toàn xung đột Ukraine.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow.

RT đưa tin từ cuộc họp báo ngắn sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 6/6 cho thấy các tín hiệu tích cực cho cuộc xung đột Ukraine.

Theo hai nhà lãnh đạo, cuộc hội đàm xoay quanh việc tìm ra "con đường ngắn nhất" thoát khỏi cuộc xung đột ở Ukraine.

Thủ tướng Hungary thừa nhận rằng, lập trường của Moscow và Kiev vẫn còn "rất xa cách" sau chuyến đi của ông tới Kiev để gặp gỡ giới lãnh đạo Ukraine.

“Rất nhiều bước phải được thực hiện để tiến gần hơn đến giải pháp cho cuộc chiến. Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện bước quan trọng nhất - thiết lập liên lạc, và tôi sẽ tiếp tục làm việc về vấn đề này trong tương lai” - Thủ tướng Orban tuyên bố.

Thủ tướng Orban lưu ý rằng cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine đang ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực châu Âu. Ông Orban khẳng định rằng lục địa này chỉ phát triển nhanh chóng và bền vững nhất trong thời bình.

“Như tôi đã nói với ngài Tổng thống, châu Âu cần hòa bình. Tuy nhiên, hòa bình này sẽ không tự nhiên xuất hiện, chúng ta phải nỗ lực để đạt được nó” - Thủ tướng Hungary nhấn mạnh.

Về phần mình, Tổng thống Nga đã tái khẳng định sự sẵn sàng của Moscow trong việc giải quyết sự thù địch thông qua đàm phán. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Ukraine dường như vẫn không thể từ bỏ ý định tiến hành một cuộc chiến tranh "cho đến cùng", ông Putin lưu ý.

Tổng thống Nga cảnh báo rằng Moscow đang tìm cách đạt được hòa bình lâu dài, bền vững thay vì lựa chọn lệnh ngừng bắn tạm thời hoặc "đóng băng xung đột" dưới bất kỳ hình thức nào.

Không nên có "lệnh ngừng bắn hoặc một số loại tạm dừng mà chế độ Kiev có thể sử dụng để phục hồi tổn thất, tập hợp lại và tái vũ trang", theo nhà lãnh đạo Nga.

"Nga ủng hộ một kết thúc hoàn toàn và cuối cùng cho cuộc xung đột" - Tổng thống Putin khẳng định.

Trong các tuyên bố trước đó, Thủ tướng Hungary khẳng định chuyến đi của ông là bước đầu tiên để khôi phục đối thoại. Là người chỉ trích viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, thủ tướng Hungary cho biết ông thừa nhận rằng ông không có nhiệm vụ của EU đối với các chuyến đi nhưng hòa bình không thể đạt được "từ một chiếc ghế bành thoải mái ở Brussels".

Ông Orban đã đến thăm Kiev vào đầu tuần nhằm thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tìm kiếm hòa bình với Nga. Tại đây, ông lập luận rằng lệnh ngừng bắn có thể là bước đầu tiên đi đúng hướng. Nhà lãnh đạo Ukraine đã không chấp nhận đề xuất của ông Orban. Kiev nhấn mạnh rằng chỉ có chiến thắng quân sự mới có thể dẫn đến "hòa bình công bằng".

Thủ tướng Hungary cho biết ông muốn trực tiếp nghe Putin nói về cách Nga nhìn nhận các sáng kiến hòa bình khác nhau, gọi đây là một bước đi quan trọng.

“Chúng ta không thể ngồi yên và chờ chiến tranh kết thúc một cách kỳ diệu” - Thủ tướng Hungary viết trên nền tảng mạng xã hội X trước chuyến cuộc gặp Tổng thống Nga.

Chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Hungary đã nhận được chỉ trích mạnh mẽ từ khối liên minh châu Âu, cho rằng dù Hungary là Chủ tịch luân phiên của EU nhưng không đại diện cho tiếng nói của liên minh.

Chỉ có một nhà lãnh đạo châu Âu đặc biệt ủng hộ chuyến thăm của ông Orban tới Moscow. Đó là Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Trong lần xuất hiện trước công chúng sau vụ ám sát, ông Fico ca ngợi những sáng kiến hòa bình mới nhất của người đồng cấp Hungary Viktor Orban.

“Tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với thủ tướng Hungary vì đã không ngần ngại tới Kiev và Moscow" - ông Fico nói và được mọi người đứng dậy hoan nghênh.

“Không bao giờ có đủ các cuộc đàm phán và sáng kiến hòa bình. Nếu tình trạng sức khỏe của tôi cho phép, tôi rất muốn tham gia cùng ông ấy” - Thủ tướng Slovakia nhấn mạnh.

Ông Fico nhận định rằng, cuộc xung đột ở Ukraine đã được EU và NATO đánh tráo khái niệm về một quan điểm duy nhất: "Cuộc chiến ở Ukraine phải tiếp tục bằng mọi giá để làm suy yếu Liên bang Nga". Ông nói: “Bất kỳ ai không đồng nhất với ý kiến bắt buộc này ngay lập tức bị dán nhãn là điệp viên Nga và bị gạt ra ngoài lề về mặt chính trị trên trường quốc tế.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.