Hungary muốn làm Châu Âu vĩ đại trở lại

GD&TĐ - Hungary đã chọn khẩu hiệu "Make Europe Great Again" khi giữ chức Chủ tịch EU trong 6 tháng cuối năm nay.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban có quan điểm bất đồng với EU.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban có quan điểm bất đồng với EU.

RT đưa tin, Hungary đã tiết lộ về khẩu hiệu cho vị trí Chủ tịch Liên minh châu Âu luân phiên trong vòng 6 tháng cuối năm nay.

Khẩu hiệu được Hungary công bố là "Make Europe Great Again", tạm dịch "Làm châu Âu vĩ đại trở lại", viết tắt MEGA.

Khẩu hiệu này khiến giới quan sát lập tức liên hệ với khẩu hiệu được ông Donald Trump công bố khi tranh cử thành công chức Tổng thống Mỹ năm 2016: "Make American Great Again" (tạm dịch "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", viết tắt MAGA).

Hungary dự kiến sẽ đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu vào ngày 1 tháng 7 và sẽ giữ chức vụ này cho đến cuối năm nay. Trong thời gian sáu tháng, các nhà ngoại giao Hungary sẽ chủ trì các cuộc họp tại Brussels và định hình chương trình nghị sự chính trị của EU.

Bộ trưởng Hungary phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu, Janos Boka, phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng khẩu hiệu này đề cập đến một nhiệm kỳ tổng thống chủ động và nhằm mục đích chứng tỏ rằng “cùng nhau, chúng ta mạnh mẽ hơn là tách rời".

Ông Boka nhắc đến sự giống nhau trong khẩu hiệu của Hungary với khẩu hiệu của ông Trump và nói đùa rằng: “Tôi không biết rằng Donald Trump đã từng muốn làm cho châu Âu trở nên vĩ đại."

Ông nói thêm Hungary đang tiếp quản EU trong “một môi trường rất khó khăn”, với "một cuộc chiến ở khu vực lân cận của chúng tôi”, hàm ý nhắc tới cuộc xung đột ở Ukraine. Ông cũng cho rằng nhập cư bất hợp pháp là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà khu vực phải giải quyết.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phải đối mặt với sự chỉ trích ở EU vì theo đuổi các chính sách đi ngược lại với Brussels.

Kể từ khi bắt đầu xung đột Ukraine vào năm 2022, Budapest đã từ chối cung cấp vũ khí cho Kiev, thay vào đó kêu gọi giải pháp ngoại giao và duy trì quan hệ kinh tế với Nga.

Đầu năm nay, Thủ tướng Orban đã bay tới Mỹ để gặp ứng cử viên tổng thống đang dẫn đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump. Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Hungary tuyên bố rằng ông Trump đã thể hiện mình là người “ủng hộ hòa bình”.

Khi đó, ông Orban nói thêm: "Lập trường đó khiến ông có quan điểm phù hợp với Hungary, không giống như chính quyền Mỹ hiện tại và nhiều thành viên EU."

Chính sách nhập cư của Hungary liên quan đến việc xử lý người di cư và người xin tị nạn ở biên giới đã phải chịu lệnh phạt 200 triệu euro (216 triệu USD) từ Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu (ECJ).

Năm 2020, Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) đã đưa ra một phán quyết liên quan đến hai vấn đề ở Hungary.

Thứ nhất, đó là quyền của người nộp đơn xin tị nạn được ở lại Hungary trong khi chờ quyết định cuối cùng về việc kháng cáo sau khi đơn xin tị nạn của họ bị từ chối. Thứ hai, đó là việc trục xuất những người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hungary.

Phán quyết của tòa án năm 2020 yêu cầu nước này phải nộp phạt hằng ngày 1 triệu euro cho đến khi thực hiện đầy đủ các biện pháp.

Chính phủ Thủ tướng Orban lập luận rằng, phán quyết năm 2020 là không cần thiết vì nước này đã đóng cửa "khu vực quá cảnh", đồng thời thắt chặt các quy định nhằm hạn chế người xin tị nạn trong tương lai. Theo luật pháp hiện hành, người dân chỉ có thể gửi yêu cầu xin tị nạn bên ngoài biên giới Hungary, tại các đại sứ quán của nước này ở nước láng giềng Serbia hoặc Ukraine.

Thủ tướng Orban tuyên bố vào năm 2021 sẽ “duy trì chế độ hiện tại ngay cả khi Tòa án châu Âu ra lệnh cho chúng tôi thay đổi".

Sau đó, Ủy ban châu Âu (EC) còn nộp đơn 2 lần lên tòa án để yêu cầu Hungary thay đổi các biện pháp về chính sách nhập cư.

Sự bất đồng ngày càng gia tăng thêm khi Budapest có nhiều động thái đối với người Ukraine xin tị nạn ở Hungary không trở về nước để phục vụ quân ngũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ