Ép buộc trẻ em đi xin ăn sẽ bị xử phạt 15 triệu đồng

Ép buộc trẻ em đi xin ăn sẽ bị xử phạt 15 triệu đồng
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 144/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Theo đó, hành vi đưa hình ảnh của trẻ em vào sản phẩm văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung khiêu dâm, bạo lực, kinh dị sẽ bị xử phạt mức cao nhất từ 40-50 triệu đồng, kèm theo xử phạt hành chính là bắt buộc tiêu hủy các sản phẩm này.

Đối với xử phạt về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nghị định này quy định về các mức xử phạt hành chính đối với các hành vi ngược đãi, lợi dụng, dụ dỗ trẻ em thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, không khám chữa bệnh cho trẻ em, bỏ rơi trẻ em, vi phạm chăm sóc trẻ em…

Nghị định quy định, các hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; cho thuê, mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn sẽ bị phạt tiền từ 5 - 15 triệu đồng. Hành vi bắt buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống cũng bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Hành vi lăng nhục, chửi, mắng và bắt trẻ em làm những việc có tính chất xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm trẻ em sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Đối với khám chữa bệnh cho trẻ em, hành vi từ chối khám chữa bệnh cho trẻ em theo quy định hoặc trong trường hợp cấp cứu sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng và bị tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề 3 - 6 tháng.

Hành vi không xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh cũng sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Đối với các hành vi vi phạm quy định về hoạt động của cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật cũng sẽ bị xử phạt từ 5 - 20 triệu đồng.

Những cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm độc hại đặt trong phạm vi ảnh hưởng đến các cơ sở nuôi dưỡng, giáo dục, vui chơi của trẻ em sẽ bị phạt 20 - 25 triệu đồng, phạt tước giấy phép hoạt động 3-6 tháng và phải thay đổi hoặc tháo dỡ công trình.

Những hành vi không đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh, giao thông vận tải dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ em như: Không đặt biển báo, rào chắn chỉ dẫn kịp thời về những nơi nguy hiểm… sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

Nghị định số 144 cũng quy định các mức xử phạt cụ thể đối với các hành vi giả mạo hồ sơ đối tượng hưởng chính sách, gian lận, chiếm đoạt tiền và hàng cứu trợ, ngược đãi đối tượng chính sách, người khuyết tật, người cao tuổi…

Các hành vi gian đối, giả mạo hồ sơ để được hưởng chính sách dành cho người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng.

Vi phạm quy định về các chính sách giáo dục, lao động, việc làm, giao thông vận tải dành cho người cao tuổi và người khuyết tật cũng sẽ bị xử phạt từ 5 - 20 triệu đồng.

Đối với quản lý tiền, hàng cứu trợ, nếu làm thất thoát, hư hỏng hoặc sử dụng không đúng đối tượng, đúng mục đích sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Nghị đinh này có hiệu lực từ 15/12/2013 và được giao cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành.

Theo Vietnam+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ