“Êm” Nguyệt của cậu bé mầm non Lò Văn Trung

GD&TĐ - Lò Văn Trung nhất mực theo cô Nguyệt. Cô đi dự giờ, bé đi theo. Mọi sinh hoạt cũng phải cô Nguyệt hỗ trợ. Cuối mỗi ngày học, Trung đều khóc đòi theo cô Nguyệt về nhà và gọi cô là “êm” (mẹ).

Hơn 30 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, cô Nguyệt vẫn nhớ như in cậu học trò dân tộc và “bài học” đầu tiên trong hành trình theo đuổi nghề giáo.
Hơn 30 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, cô Nguyệt vẫn nhớ như in cậu học trò dân tộc và “bài học” đầu tiên trong hành trình theo đuổi nghề giáo.

Hơn 33 năm công tác trong ngành Giáo dục, cũng bằng đó thời gian cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt gắn bó với vùng cao. “Tài sản” vô giá mà cô luôn tự hào khoe chính là kỉ niệm gắn liền với những đứa trẻ “lấm lem”…

Gặp con, mẹ vui, mẹ khóc à?

Sinh ra và lớn lên trong gia đình bố mẹ làm công nhân cầu đường, kỷ niệm về thời ấu thơ của cô giáo Nguyệt là những cung đường đã đi qua suốt từ mảnh đất Phù Yên (Sơn La), cho đến Than Uyên (Lai Châu) bây giờ.

Cô Nguyệt tâm sự, vì yêu những đứa trẻ vùng cao “lấm lem” nên cô đã chọn nghề giáo viên mầm non. Hơn 30 năm qua, không biết bao nụ cười, ánh mắt về bọn trẻ dọc khắp các vùng, miền ở Lai Châu đã chất chồng trong kí ức. Thế nhưng, “bài học” đầu tiên luôn là điều cô mang theo suốt hành trình.

“Tôi vẫn còn nhớ như in ngày mới vào nghề. Tôi nhận dạy lớp 5 tuổi ở trường mầm non thị trấn. Trong lớp có một cậu bé dân tộc Thái tên là Lò Văn Trung, ở xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên bây giờ. Ngày đầu, con không theo ai, không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông, cũng không chịu ăn, ngủ. Cả ngày chỉ ngồi thu mình ở một góc”, cô Nguyệt nhớ lại.

Bị ám ảnh bởi ảnh mắt của cậu học trò nhỏ, cô Nguyệt tìm cách phá vỡ “khoảng cách” để Trung hòa nhập với môi trường ở lớp. Từ hôm đó, ngày nào cô cũng trực trưa. Tranh thủ khi trẻ đã ngủ, cô Nguyệt dành thời gian bế ẵm, dỗ dành và bón cơm cho Trung.

Cô trò Trường Mầm non Phúc Than trải nghiệm học mà chơi, chơi mà học.
Cô trò Trường Mầm non Phúc Than trải nghiệm học mà chơi, chơi mà học.

Như cảm nhận được tình cảm của cô giáo, sau một tuần học, bé Trung đã có những chuyển biến rõ rệt, không còn khóc nhè và biết tham gia hoạt động cùng bạn bè trong lớp. Nhưng cũng từ đó, Trung nhất mực theo cô Nguyệt. Cô đi dự giờ, bé đi theo, mọi sinh hoạt cũng phải cô Nguyệt hỗ trợ. Đặc biệt, cuối mỗi ngày học, Trung đều khóc đòi theo cô Nguyệt về nhà và gọi cô là “êm” (mẹ).

“Sau đó, khi tôi tìm hiểu sâu hơn về hoàn cảnh của con thì mới thấy thắt lòng. Trung mất mẹ từ sớm. Bố thì bận công tác xã hội, lại là đàn ông không biết cách quan tâm, chăm sóc nên con rất cô đơn. Lúc ấy tôi thực sự thấy mình có lỗi vì chưa gần gũi, tìm hiểu về hoàn cảnh con ngay từ đầu. Đây là kỉ niệm song cũng là bài học mà tôi luôn ghi nhớ để tự nhắc bản thân và đồng nghiệp trong suốt quá trình công tác về sau”, cô Nguyệt trải lòng.

Bẵng đi một thời gian khá dài, trong lần đi công tác tại xã Nậm Sỏ, cô Nguyệt tình cờ gặp lại học trò cũ khi cậu bé đang theo học lớp 5. Nhìn thấy cô Nguyệt, Trung kéo tay cô đi khắp lớp, khoe với các bạn về “mẹ” của mình.

“Lúc ấy, tôi thật sự cảm động, nước mắt cứ rơi. Trung thấy vậy liền hỏi tôi là: Gặp con, mẹ vui, mẹ khóc à?”. Tôi chỉ biết gật đầu. Cho đến bây giờ con đã là chàng trai 25 tuổi. Hễ có dịp lại về thăm tôi. Đời giáo viên thì còn gì hạnh phúc hơn thế?!”, cô Nguyệt nói.

Cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (bên trái) nhận Cờ thi đua do UBND tỉnh Lai Châu tặng.
Cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (bên trái) nhận Cờ thi đua do UBND tỉnh Lai Châu tặng.

Dám nghĩ, dám làm...

Hơn 33 năm công tác trong ngành Giáo dục, thì cũng bằng đó thời gian cô Nguyệt gắn bó với vùng cao. Trong đó, 15 năm cô trực tiếp đứng lớp, 18 năm làm cán bộ quản lý (tại 3 trường). Và hiện giờ cô đang đảm nhiệm vai trò là Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phúc Than, huyện Than Uyên.

Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Hải, thì cô Nguyệt chính là người “thuyền trưởng” để các giáo viên khác có thêm động lực, định hướng và tâm huyết gắn bó với nghề.

“Cô Nguyệt luôn đề cao, khuyến khích việc ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực, khoa học để giúp trẻ dễ tiếp thu, tạo cảm giác học mà chơi, chơi mà học. Chính vì vậy, cô luôn tạo điều kiện và hướng dẫn chúng tôi tìm tòi cái mới, cái hay, lồng ghép vào bài giảng để có kết quả giáo dục tốt nhất”, cô Hải bộc bạch.

Năm học 2020 - 2021, cô Nguyệt đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tập thể giáo viên nhà trường thực hiện 9 nhóm giải pháp giáo dục. Trong đó, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, xây dựng môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn – thân thiện được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Kết thúc năm học, nhà trường được UBND tỉnh Lai Châu tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Theo cô Nguyệt, nhiệm vụ của mỗi người quản lý là nâng cao chất lượng giáo dục và tạo sự thống nhất, đoàn kết trong tập thể để cùng hướng đến một mục tiêu chung. Đặc biệt, người quản lý phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Dù trong hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi đều phải sáng tạo, tìm tòi biện pháp, cách làm tốt nhất để ứng dụng vào thực tiễn và dốc hết tâm huyết thì sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ.

“Đối với tôi, cô Nguyệt không chỉ bản lĩnh, mà còn là tấm gương để mỗi giáo viên trong trường học tập, nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa cho giáo dục vùng cao”, cô giáo Lò Thị Hưởng, Trường Mầm non Phúc Than tâm sự.

“Trên cương vị cán bộ quản lý, cô Nguyệt luôn thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ được giao. Điều đặc biệt là cô luôn chủ động, sáng tạo đổi mới công tác quản lý. Cô Nguyệt cùng giáo viên Trường Mầm non Phúc Than đã áp dụng nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến, như: Dạy học phù hợp vùng miền, lấy trẻ làm trung tâm, lồng ghép giáo dục STEM. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với bối cảnh địa phương, ứng phó với đại dịch Covid-19”, ông Vũ Minh Khuynh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên cho hay. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ