Duy trì tuyến đường để phục vụ vài hành khách là quá hoang phí!

GD&TĐ - Câu chuyện có thật ở Nhật Bản về đoàn tàu chỉ phục vụ một hành khách duy nhất để lại nhiều ý nghĩa về cách hành xử nhân văn của đất nước Mặt Trời mọc. Hành khách duy nhất đó là em học sinh và tuyến đường sắt này đóng cửa khi cô bé tốt nghiệp trung học, sau 3 năm phục vụ.

Nhiều toa vắng khách khi tàu đã chuyển bánh. Ảnh: Báo Lào Cai
Nhiều toa vắng khách khi tàu đã chuyển bánh. Ảnh: Báo Lào Cai

Khác với câu chuyện đã gây tiếng vang trên toàn thế giới, thể hiện rõ nét chất "người Nhật" và cách mà họ xử sự với mầm non tương lai đất nước thì thông tin về việc ở Việt Nam chúng ta có những đoàn tàu chạy liên tỉnh, nhưng chỉ phục vụ một vài hành khách để lại cho nhiều người, trong đó có tôi ấn tượng hoàn toàn trái ngược, bởi đó là sự hoang phí!

Trở lại câu chuyện ở Nhật, tuyến đường sắt đó đã có từ lâu nhưng là phương tiện giao thông công cộng duy nhất ở vùng đó. Vì thế nếu không có đoàn tàu thì cô bé sẽ không thể đến trường nên nó phải tiếp tục phục vụ cho đến khi cô bé tốt nghiệp là như vậy.

Điều này hoàn toàn khác với tình huống vận chuyển hành khách bằng đường sắt liên tỉnh như Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hạ Long. Đó là giao thông đến các nơi này giờ khá thuận tiện, ngoài đường sắt còn có thêm đường bộ, đường cao tốc... Bên cạnh đó, thời gian đi lại bằng đường bộ nhanh hơn nhiều so với đường sắt nên rất khó cạnh tranh. Việc đi lại khá thuận tiện, người dân có thể lựa chọn nhiều cách để di chuyển, vận chuyển.

Việc duy trì các tuyến đường sắt kém hiệu quả, gây thua lỗ, thậm chí phải nhờ trợ giá từ ngân sách chỉ vì lý do an sinh xã hội là không cần thiết, cần sớm chấm dứt. Bởi lẽ, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội khi và chỉ khi tuyến đường sắt này là duy nhất, giá cả rẻ nhất và thời gian đi lại ngắn nhất. Tuy nhiên, xét cả 3 khía cạnh trên so với đường bộ thì 3 tuyến đường sắt chưa đáp ứng được.

Trong khi tình hình kinh tế - xã hội ở nhiều nơi còn nhiều khó khăn, thậm chí nhiều địa phương chưa có đường giao thông đi lại mà phải chi đến 12 tỷ đồng bù lỗ cho các tuyến đường sắt chỉ trong 6 tháng là quá vô lý, bất cập. Tiếp tục duy trì các tuyến đường sắt này không chỉ là việc làm kém hiệu quả, không cần thiết mà còn quá hoang phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.