Ga Huế - nghệ thuật & hoài niệm

GD&TĐ - Theo lịch sử truyền thống ngành Đường sắt Việt Nam, ga Sài Gòn (TPHCM) khởi công xây dựng sớm nhất (1881-1885), nhưng mãi đến năm 1906 mới đi vào hoạt động cục bộ.

Ga Huế - nghệ thuật & hoài niệm

Cũng vào năm 1906, ga Huế được vua Thành Thái cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng. Riêng ga Hàng Cỏ (Hà Nội) được xây dựng từ năm 1902 nhưng mãi đến năm 1936, tuyến đường sắt Bắc Nam mới hoạt động.

Lịch sử hình thành

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, lần đầu tiên dân ta trông thấy cái đầu máy hơi nước đốt bằng than củi, phun khói mù mịt, khi nó chạy qua vùng dân cư thường bắn ra vô số tia lửa, tàn lửa bay theo gió dễ làm cho những ngôi nhà tranh tre ven đường sắt bốc cháy; thế là mọi người gọi nó là “xe hỏa”, “hỏa xa”, “xe lửa” hay “tàu lửa”.

Căn cứ vào sách Triều Nguyễn và lịch sử của chúng ta (NXB Hồng Đức) thì tuổi trong giấy “khai sinh” của ga Huế ngang bằng với cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, trường Quốc Học và bệnh viện Trung ương Huế. Ban đầu, dân chúng gọi nó là ga “Trường Súng”, lấy từ tên khu đất xây nhà ga, trước đây vốn là nơi binh lính nhà Nguyễn tập bắn súng. Trước ngõ vào sân ga có một bến đò ngang nối liền đôi bờ sông Hương cũng gọi là bến “Trường Súng”.

Nhà ga Huế mọc lên ở đây trong bối cảnh đặc biệt bất ngờ. Không ai dám nghĩ vua Thành Thái nhà Nguyễn đồng ý phế bỏ ngôi miếu Lịch Đợi Đế Vương để làm nhà ga. Tên ngôi miếu linh thiêng còn được đặt cho khu dân cư nghèo sống bên phía Bắc đường ray (phố Lịch Đợi và đường Lịch Đợi). Dân bản địa ở đây mưu sinh trên sân ga bằng các dịch vụ: bán thức ăn uống, bốc vác thuê trong nhà ga.

 

Trên sân ga xanh rêu, hiu quạnh này từng lưu dấu giày của biết bao danh nhân ra đi tìm đường cứu nước (Nguyễn Tất Thành, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh) hay ba vị khách “ngoại hạng” đặc biệt (vua Khải Định, Bảo Đại, Thành Thái) vào ba nghịch cảnh lịch sử khác nhau. Vua Khải Định, Bảo Đại đến đây, hào hứng lên tàu lửa vào Sài Gòn đi Pháp, sau đó còn cho in 2 cuốn hồi ký ngắn Ngự Giá Như Tân KýCon Rồng An Nam.

Riêng vua Thành Thái, người vừa năm trước (năm 1906) đường bệ cắt băng khánh thành nhà ga thì năm sau (năm 1907) bị Pháp bắt lên xe lửa đi vào Vũng Tàu, lưu đày sang đảo Reunion.

Muốn khẳng định vị trí lãnh đạo chủ chốt của mình, Paul Doumer khi vừa mới nhận chức quan Toàn quyền Đông Dương (năm 1897) yêu cầu chính phủ Pháp cấp 200.000 francs để xây dựng tuyến đường sắt Đông Dương và để thông tuyến đường sắt Bắc Nam (Hà Nội - Sài Gòn). Xe lửa phải “chui” qua hầm Hải Vân Sơn hiểm trở. Hầm Hải Vân được khảo sát vào năm 1899, khởi công đào vào năm 1902 và hoàn thành năm 1903.

Trong lịch sử ngành đường sắt, vào ngày 15/12/1906, từ Đà Nẵng, con tàu đầu tiên đã “chui” qua hầm Hải Vân ra đến Huế và thẳng tiến đến ga Hà Nội. Hệ thống 8 căn hầm đường sắt nối liền nhau nằm dưới Hải Vân Sơn - Thiên hạ đệ nhất hùng quan - được công nhận là một công trình giao thông hiện đại bậc nhất Đông Dương vào đầu thế kỷ XX. 

Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, ga Huế còn ghi một mốc son chói lọi của ngành Đường sắt Việt Nam: đó là vào ngày 25/2/1946, 20 đại biểu của tổ chức công nhân “Hỏa xa cứu quốc” cả ba miền Bắc - Trung - Nam về họp và thống nhất bầu Ban Chấp hành lâm thời của “Việt Nam Công nhân Hỏa xa cứu quốc”.

Đây là hội nghị đại biểu công nhân Đường sắt toàn quốc lần đầu tiên, do ông Nguyễn Duy Trinh - Ủy viên thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ chủ trì. Hiện nay, ngày 25/2/1946 chính thức là ngày thành lập Công đoàn ngành Đường sắt Việt Nam.

Năm 1975, hòa bình trở lại, non sông thống nhất, ga Huế một lần nữa trở thành chứng nhân lịch sử Nối vòng tay lớn. Ngày 14/11/1975, khôi phục hoàn toàn tuyến đường sắt thống nhất Hà Nội - Sài Gòn. Đúng 12 giờ ngày 31/12/1976 (Bính Thìn), sau tiếng súng lệnh báo hiệu xuất phát, hai đoàn tàu Thống Nhất cùng rời ga Hà Nội và ga Sài Gòn hướng về Huế.

Bước sang năm mới 1977 (Đinh Tị), đoàn tàu đi từ Hà Nội đến ga Huế lúc 7 giờ 20 phút sáng ngày 2/1/1977. Cùng ngày, chuyến tàu đi từ TPHCM đến Huế lúc 17 giờ 06 phút chiều. Ga Huế chính là nơi “gặp nhau” giữa hai đoàn tàu lịch sử.

Hành lang đợi tàu thoáng mát dành cho kẻ đón, người đưa
 Hành lang đợi tàu thoáng mát dành cho kẻ đón, người đưa

Nơi chia ly trong Thơ Mới

Ga Huế đã được hai nhà thơ tài danh tiền chiến (Tế Hanh và Nguyễn Bính) đưa tên vào trong kho tàng thi ca Việt Nam. Vào năm 1938, Tế Hanh - chàng học sinh Trường Quốc Học Huế - thích đến ga Huế ngắm những đoàn tàu Bắc Nam đến rồi đi, bỗng ngẫu hứng làm bài thơ đầu tay Những ngày nghỉ học, lúc ấy ông mới 17 tuổi. Chàng thi sĩ vốn đa cảm, đa sầu muốn gửi nỗi buồn thương, u ẩn của mình theo những chuyến tàu, hòa cùng nỗi đau chung của những phận người ngang tái, trắc trở, chia ly: Những ngày nghỉ học tôi hay tới/ Đón chuyến tàu đi đến những ga/ Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt/ Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.

Với nhà thơ “chân quê” lừng danh là Nguyễn Bính, trên bước đường phiêu bạt giang hồ từ Bắc vào Nam, khi dừng chân tại Huế, ông đã để lại cho đời hai bài thơ không dễ nào quên: Xóm Ngự ViênNhững bóng người trên sân ga. Chính ga Huế đã khơi gợi cảm xúc cho ông viết nên thơ, mà thơ thật hay, thật trữ tình: Có lần tôi thấy một người đi/ Không biết về đâu nghĩ ngợi gì/ Chân bước hững hờ theo bóng lẻ/ Một mình làm cả cuộc chia ly.

Và trong kho tàng ca dao, hò ru con, dân ca Huế cũng có một số tác phẩm khuyết danh ra đời vào đầu thế kỷ XX, lấy cảm hứng từ cái nhà ga Trường Súng - Huế ấy, chẳng hạn như tâm sự của cô gái Huế “khuê các” e lệ, thẹn thùng, nhớ nhung “một nửa” mà không dám nói: “Giả đò buôn hẹ bán hành/ Vô ga Trường Súng thăm anh kẻo buồn” (ca dao Huế).

Hiện nay, theo nguồn tin của Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế: Khách du lịch nước ngoài đến Huế hàng năm đều tăng hơn 66,7%, trong số đó, nhiều nhất là khách Hàn Quốc; lượng khách Mỹ, Pháp, Anh, Nhật vẫn ổn định. Đặc biệt, tour giữa hai cố đô (Huế và Tràng An - Ninh Bình) luôn được khách nước ngoài lựa chọn và hơn 90% trong số đó đều chọn phương tiện đường sắt Nam Bắc hay ngược lại.

Xích lô “ga Huế” cũng là một “đặc sản”
Xích lô “ga Huế” cũng là một “đặc sản”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.