Duy trì thành quả phổ cập và xóa mù chữ tại Bến Tre

GD&TĐ - Ngành GD&ĐT tỉnh Bến Tre tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm duy trì thành quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ.

HS Trường THPT Lạc Long Quân (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đến trường. Ảnh: B.Phú.
HS Trường THPT Lạc Long Quân (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đến trường. Ảnh: B.Phú.

Nâng chất giáo dục và xóa mù chữ

Ngành GD&ĐT tỉnh Bến Tre đang tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm chỉ đạo duy trì thành quả phổ cập. Đặc biệt là duy trì phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi; được Bộ GD&ĐT công nhận đạt Phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; Phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2; xóa mù chữ mức độ 2.

Theo Sở GD&ĐT Bến Tre, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được thực hiện thống nhất, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 179 trường Mầm non, mẫu giáo; 187 trường Tiểu học; 134 trường THCS. Công tác huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; người trong độ tuổi từ 15 - 60 biết chữ mức độ 1 chiếm 98,04%, biết chữ mức độ 2 chiếm 93,21%.

Cụ thể, tỉnh Bến Tre huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt tỉ lệ 100% (tiêu chuẩn đạt ít nhất 95%). Trẻ 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt tỉ lệ 99,99% (tiêu chuẩn đạt ít nhất 85%). Thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi 15 đến 18 tốt nghiệp THCS chiếm tỉ lệ 97,2%.

Thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc GDTX cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp chiếm tỉ lệ 90,4%. Toàn tỉnh huy động được 234/240 người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục, chiếm tỉ lệ 97,5% (chuẩn quy định 60%)…

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương, chất lượng, hiệu quả GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Bến Tre được nâng lên theo hướng toàn diện, đảm bảo thực chất. Trong 10 năm (2014 - 2023), tỉnh đã đầu tư 5.352 tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trường học và mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Theo bà La Thị Thúy - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre, năm học 2022 - 2023, ngành có nhiều thay đổi tích cực trong dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quy mô mạng lưới trường, lớp từ mầm non đến phổ thông tiếp tục được điều chỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và nhu cầu học tập của nhân dân. Trường lớp ngoài công lập được quan tâm phát triển. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường tăng khoảng 2%.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục tiếp tục tham mưu, tập trung triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới. Trong đó, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu các kế hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch phát triển Giáo dục năm học 2023 - 2024; tiếp tục thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Trường THCS Châu Hòa (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: B.Phú.

Trường THCS Châu Hòa (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: B.Phú.

Duy trì thành quả phổ cập giáo dục

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Bến Tre, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp; chỉ đạo kiểm tra đánh giá thường xuyên công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; công tác phân luồng học sinh THCS, sau THPT…

Tăng cường sự phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính trị xã hội trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và có năng lực chuyên môn tốt nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT 2018.

Đẩy mạnh thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát huy công tác xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và nâng chất cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho cơ sở giáo dục.

Trao đổi tại buổi kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Bộ GD&ĐT tại tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Bé Mười - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở các mức độ. Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn và tạo nền tảng vững chắc, là tiền đề quan trọng trong việc nâng cao dân trí tại địa phương.

Trong đó, tỉnh tập trung nâng cao hoạt động Ban Chỉ đạo các cấp trong thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn ngày càng đi vào chiều sâu, thống nhất. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các vấn đề vướng mắc theo đúng định hướng; chú trọng cập nhật, lưu trữ hồ sơ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.