Nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ cho trẻ dân tộc thiểu số và miền núi

GD&TĐ - Ông Lò Trung Kiên - Phó Trưởng Ban Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ.

Ảnh minh họa/internet.
Ảnh minh họa/internet.

Cần có những chính sách đồng bộ, thiết thực

Trong tham luận của mình tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2030”, ông Lò Trung Kiên - Phó Trưởng Ban Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - khẳng định, thời gian qua, công tác xóa mù chữ cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành.

Cùng với hoạt động xã hội hóa giáo dục được lan rộng, chế độ, chính sách và cơ sở hạ tầng cho người dân được chú trọng, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Do đó, hoạt động phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt được những kết quả quan trọng, tạo nền tảng thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định về sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục của trẻ em giữa các vùng, đặc biệt là với trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.

Vì vậy, ông Lò Trung Kiên cho rằng, cần có những chính sách đồng bộ, thiết thực, phù hợp, từng bước xóa bỏ nạn mù chữ trong trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ thấp nhất trong mặt bằng dân cư cả nước nói chung, nhưng được coi là "phên giậu" của Tổ quốc; đồng thời, giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.

Viện dẫn, ngày 19/6/2020 Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ông Lò Trung Kiên nhấn mạnh, đây là căn cứ pháp lý có ý nghĩa thiết thực trong công tác xóa mù chữ cho trẻ em.

Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

Chính sách ưu việt

Theo kết quả điều tra, Việt Nam có trên 1,4 triệu trẻ em vùng dân tộc thiểu số trong độ tuổi học tiểu học - cấp học phổ cập xóa nạn mù chữ, tương đương độ tuổi từ 5-9 tuổi.

Ông Lò Trung Kiên cho hay, những năm qua, công tác giáo dục, xóa nạn mù chữ cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Cụ thể, tỷ lệ trường học kiên cố tăng từ 77,1% (năm 2015) lên 91,3% (năm 2019);

Tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi ở các cấp học đều tăng, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi đi học phổ thông nhưng không đi học đã giảm gần 2 lần, từ 26,4% (năm 2009), xuống còn 15,5% (năm 2019).

Theo thống kê, tình trạng trẻ em trong độ tuổi nhưng không được đi học còn tồn tại ở tất cả các cấp học (tiểu học 3,1%, THCS 18,4%, THPT 53%). Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông đạt 80,9%.

Để từng bước xóa bỏ nạn mù chữ trong trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi, ông Lò Trung Kiên nhấn mạnh, cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo được đề cập trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng là: Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số có nguy cơ suy giảm giống nòi. Trên cơ sở đó, đòi hỏi phải có hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, thiết thực, phù hợp.

Ông Lò Trung Kiên - Phó Trưởng Ban Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Internet.

Ông Lò Trung Kiên - Phó Trưởng Ban Xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Internet.

Trước mắt, ông Lò Trung Kiên cho rằng, cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể như: giải pháp xóa mù chữ tiếng mẹ đẻ (tiếng dân tộc thiểu số bản địa), ngành giáo dục cần xây dựng chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học của từng dân tộc, từng vùng trên cơ sở 2 ngôn ngữ (ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ phổ thông).

Đây cũng là một phần nội dung về bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số thuộc dự án 5, tiểu dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo ông Lò Trung Kiên, ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước, Hiến pháp 1946 đã quy định, việc học tiếng dân tộc là một quyền của người dân tộc thiểu số. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đó, Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản dưới luật quy định cụ thể và chi tiết về việc dạy và học dân tộc thiểu số.

Nhờ vậy, một số dân tộc thiểu số có tiếng nói, chữ viết đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông, mang lại hiệu quả giáo dục to lớn; đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số. Dạy và học tiếng dân tộc thiểu số là chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta.

Việc thực hiện nhiệm vụ này trong mấy chục năm qua đạt được những kết quả đáng ghi nhận; đóng góp lớn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số; góp phần giúp những thế hệ con em đồng bào tăng cường ý thức tộc người, tạo niềm tự hào, tự tin để hòa nhập trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Bên cạnh đó, việc được học tiếng dân tộc thiểu số đã giúp những cán bộ, công chức đang công tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi hơn trong công việc của mình.

Ông Lò Trung Kiên cho hay, hiện một số tiếng dân tộc đang được dạy thực nghiệm, những địa phương có nhu cầu dạy tiếng dân tộc tiếp tục được Bộ GD&ĐT nghiên cứu ban hành chương trình và sách giáo khoa trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.