Sau khi được biết qua thực trạng, những thuận lợi và khó khăn mà Bộ môn Tiếng Việt Trường ĐH Champasak đang gặp phải, ông Nguyễn Hải Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Việt Nam đã chia sẻ nhiều giải pháp hữu ích và thiết thực.
Ông mong muốn đơn vị cần nhanh chóng hoàn thiện nội dung chương trình khung đào tạo; nhà trường đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông giúp phụ huynh, học sinh, sinh viên hiểu rõ chương trình đào tạo 2+1+1, mục đích đào tạo Tiếng Việt và lợi ích của ngành Tiếng Việt trong xã hội hiện nay. Lãnh đạo khoa cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng đào tạo giúp sinh viên đạt chuẩn năng lực Tiếng Việt theo khung 6 bậc đáp ứng được nhu cầu công việc tại địa phương.
Ông Nguyễn Hải Thanh cho biết: Định hướng Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030 vẫn duy trì hỗ trợ giáo viên Việt Nam giảng dạy Tiếng Việt tại Lào, hợp tác chặt chẽ hơn nữa chương trình liên kết đào tạo cử nhân Tiếng Việt, cử nhân chuyên ngành Việt Nam học. Chính phủ Việt Nam tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu đào tạo Tiếng Việt tại các trường đại học và trường phổ thông trong cả nước, duy trì chuẩn tối thiểu và nhiều chương trình đãi ngộ dành cho sinh viên sang học tại Việt Nam.
Bà ThoongMy DuonSakDa, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác sinh viên Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã bày tỏ sự vui mừng và cảm ơn sâu sắc chuyến thăm và làm việc của Cục hợp tác quốc tế Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Những chia sẻ của đoàn đã mở ra nhiều định hướng tốt đẹp cho ngành Tiếng Việt tại đơn vị nói riêng và cả nước nói chung. Bà cũng đánh giá cao sự nỗ lực của đội ngũ thầy cô giáo Bộ môn Tiếng Việt đã vượt qua khó khăn để xây dựng chương trình, hoàn thành mục tiêu giáo dục mà ngành giao phó.
Ông BuonLay, Trưởng khoa Giáo dục Trường ĐH Champasak tiếp thu những ý kiến đóng góp, những chia sẻ của lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế hai Bộ và các thành viên trong đoàn. Ông hứa sẽ phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thiện chương trình, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt quan tâm sâu sắc đến chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu mà lãnh đạo ngành mong muốn.
Ông BuonLay đồng thời cho biết sẽ đề xuất với lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo địa phương tăng cường công tác truyền thông để thu hút sinh viên tham gia học Tiếng Việt. Hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực-người Lào thạo Tiếng Việt-tại các công ty, doanh nghiệp các cơ quan ban ngành rất cao. Nhà trường sẽ tăng cường liên kết, phối hợp để giới thiệu việc làm tạo đầu ra vững chắc, tạo việc làm ổn định cho sinh viên tốt nghiệp ngành Tiếng Việt.
Chuyến thăm và làm việc của Cục hợp tác quốc tế hai Bộ không chỉ làm tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa ngành Giáo dục hai nước, mà còn là động lựclớn tác động tích cực đến công tác quản lí, điều hành cũng như việc giảng dạy Tiếng Việt của trường. Sự quan tâm sâu sắc của các lãnh đạo đã giúp ngành Tiếng Việt của các trường đại học Lào nói chung, Trường Đại học Champasak nói riêng có những hướng đi thiết thực và hiệu quả trong thời gian tới.