Bên cạnh việc bổ sung tài liệu, giáo trình chuẩn cần có khóa tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên dạy.
Nhiều khó khăn
Bà Ngô Phẩm Trân - Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài Việt thông tin: Chính quyền Đài Loan cho phép phổ cập tiếng Việt trong cấp tiểu học từ năm 2017. Hiện học sinh các lớp 1, 2, 3 ở Đài Loan đều học tiếng Việt. Lớp tiếng Việt cũng được ban, ngành, tổ chức mở cho người dân có nhu cầu học, kinh phí do chính quyền tài trợ.
Tuy nhiên, khó khăn khi triển khai giảng dạy tiếng Việt tại Đài Loan là thiếu giáo viên để dạy cho thế hệ thứ 2 kiều bào hoặc các doanh nghiệp. Tiếng Việt có nhiều từ địa phương và vùng miền. Do đó, cần có nhiều giáo trình tổng hợp cũng như chú thích vùng miền để người học có thể hiểu biết sâu hơn về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.
Cô Vũ Thị Thái Linh, dạy tiếng Việt tại Hàn Quốc chia sẻ: Tiếng Việt được đưa vào trường học, là ngoại ngữ 2 ở Hàn Quốc cách đây mấy năm. Trước đây, tiếng Việt chưa phổ biến, người dân học tự phát. Do đó, nhiều giáo viên chưa có kinh nghiệm giảng dạy, không có chuyên môn.
Phụ trách giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, theo cô Nguyễn Thị Thu Minh, số lượng giáo trình rất nhiều. Tuy nhiên, giáo trình tiếng Việt dành cho người Hàn được xuất bản tại Hàn Quốc chủ yếu do các thầy cô Hàn Quốc học tiếng Việt viết.
Do không có người Việt hiệu đính nên trong sách có nhiều từ vựng, biểu hiện theo đúng kiểu người nước ngoài nói, ngôn ngữ không tự nhiên, có lỗi sai về mặt từ vựng, cấu trúc câu. Do đó, giáo viên mong Bộ GD&ĐT phát triển giáo trình chính thống dành riêng cho người nước ngoài. Sách cũng cần chia theo đối tượng người lớn và trẻ em, giáo trình chia theo các cấp độ.
Hoàn thiện bộ tài liệu học tiếng Việt
Bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong những năm vừa qua, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhiều khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài. Đến nay, hơn 200 lượt giáo viên kiều bào đã về nước tham gia các khóa tập huấn với sự hỗ trợ của giảng viên là những chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu của Bộ GD&ĐT trực tiếp lên lớp, giảng dạy.
Năm nay, khóa tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến, bao gồm: Lớp học dành cho địa bàn châu Á - Úc; Lớp học thứ hai dành cho địa bàn châu Âu - Bắc Mỹ. Lớp học thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 9/10 - 7/11/2021 với 258 học viên đến từ quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia) và Úc.
Qua các thông tin chia sẻ từ thầy cô giáo giảng dạy tiếng Việt tại nước ngoài, mối quan tâm tập trung vào 3 vấn đề: Tài liệu học liệu; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy; đặc thù dạy tiếng Việt ở mỗi địa bàn.
Với tài liệu, theo bà Vũ Thị Tú Anh, hiện có 2 bộ giáo trình tiếng Việt được số hóa, cung cấp miễn phí trên mạng. Bên cạnh đó, bộ giáo trình song ngữ dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài được hoàn thiện. Bộ GD&ĐT đã chuyển thể bộ tài liệu này thành chương trình Bống bống bang bang phát trên kênh VTV4 để các thầy cô có thể sử dụng.
Về vấn đề đội ngũ, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện 2 bộ tài liệu tập huấn bồi dưỡng giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, cùng với đó là bộ tài liệu cung cấp kiến thức về văn hóa, tôn giáo nghệ thuật. Bộ GD&ĐT cũng tổ chức cuộc thi xây dựng giáo trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài để có nhiều bộ tài liệu hay, phù hợp.
Việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài rất đa dạng, dạy nhiều đối tượng, không chỉ có người Việt Nam mà còn cả người nước ngoài. Do đó đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo, chất nghề của người dạy. Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ các thầy cô trong quá trình giảng dạy. Bộ GD&ĐT cũng xây dựng đề án dạy học tiếng Việt trực tuyến, giúp thầy cô được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy trực tuyến, cấp chứng chỉ.
Bộ cũng phối hợp với đơn vị liên quan đa dạng hóa các kênh dạy tiếng Việt. Bên cạnh tài liệu, giáo trình có trên truyền hình còn có trên các kênh khác như báo điện tử, Internet. Đó là các chương trình dạy tiếng Việt trên VTV4, VTV2, VTC10, cùng với đó có nhiều kênh thông tin trên Báo Giáo dục Thời đại, Báo Thế giới Việt Nam, giúp thầy cô nâng cao kiến thức, kỹ năng dạy tiếng Việt.
Đại sứ Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Năm 2020 và 2021, do đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài không tổ chức được các khóa tập huấn tại Việt Nam; giáo viên cũng không thể tham dự trực tiếp như thường lệ.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2021 theo hình thức trực tuyến.