Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình đã trao đổi xung quanh vấn đề triển khai dạy học trong bối cảnh đặc biệt và duy trì chất lượng giáo dục.
Linh hoạt dạy học Chương trình mới
Trao đổi về việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết: Ở lớp 1, 2 Sở đã chỉ đạo các trường thực hiện theo các văn bản hướng dẫn chuyên môn cấp tiểu học của Bộ GD&ĐT.
Theo đó các trường đảm bảo tỷ lệ 1phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục.
Các trường đang tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần; kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp HS hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình...
Đối với lớp 6, Ngành GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn Hiệu trưởng căn cứ yêu cầu các môn học, hoạt động giáo dục để điều chỉnh kế hoạch thời gian thực hiện chương trình, phân công GV giảng dạy hợp lý.
Cụ thể, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo từng tuần học, không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên của nhà trường.
Phân công dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với chuyên môn của GV: đối với mỗi môn học, hoạt động giáo dục có thể do nhiều GV tham gia giảng dạy, mỗi GV có thể giảng dạy các chủ đề phù hợp ở những môn học.
Chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn căn cứ chương trình môn học, hoạt động giáo dục để xây dựng kế hoạch dạy học và kế hoạch giáo dục đảm bảo hiệu quả, tạo điều kiện để HS được tham gia các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường…
Đặc biệt theo ông Nguyễn Viết Hiển, năm học đầu tiên triển khai dạy học tích hợp, ở môn Khoa học tự nhiên, ngành GD&ĐT yêu cầu thực hiện giảng dạy theo logic của môn học (trường hợp đặc biệt mới thực hiện tiến hành dạy các chủ đề trong từng học kỳ).
Môn Lịch sử và Địa lý phải đảm bảo tỉ lệ về nội dung từng phân môn; khuyến khích các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tỉ lệ 1:1 cho từng nửa học kỳ; các môn học, hoạt động giáo dục xây dựng kế hoạch dạy học và kế hoạch giáo dục đảm bảo hiệu quả. Thưc hiện giải pháp đã triển khai để khắc phục khó khăn về xây dựng kế hoạch giảng dạy các môn học.
Trong trường hợp, môn Khoa học tự nhiên khi chưa có GV dạy được toàn bộ chương trình môn học thì những tuần đầu bố trí GV Hóa học dạy. Nếu GV Hóa nhiều tiết có thể chưa thực hiện dạy Hóa học lớp 8, lớp 9 hoặc tạm thời giảm số tiết Hóa học lớp 8, lớp 9. Tiếp đó, bố trí GV Sinh học, Vật lý dạy các nội dung theo chuyên môn.
Ở môn Lịch sử và Địa lý, bố trí GV dạy học các phân môn trên với số tiết theo từng tuần để đảm bảo số tiết theo từng nửa học kỳ/học kỳ (ví dụ 4 tuần đầu dạy 2 tiết Lịch sử/tuần; 1 tiết Địa lý/tuần thì 4 tuần tiếp theo dạy 2 tiết Địa lý/tuần; 1 tiết Lịch sử/tuần…).
Môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp các trường căn cứ chương trình môn học, yêu cầu cần đạt, tham khảo SGK, sách GV, các văn bản hướng dẫn của ngành để xây dựng kế hoạch phù hợp. Không yêu cầu chia đều 3 tiết/tuần…
Trao quyền chủ động triển khai Chương trình Giáo dục hiện hành
Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết, hiện tại đối với lớp 3, 4, 5 trên cơ sở CT GDPT 2006, Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT giao quyền chủ động cho trường tiểu học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS để chủ động tiếp cận với CT GDPT 2018.
Cụ thể như thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, phù hợp với đối tượng HS, đồng thời từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của HS trên nguyên tắc đảm bảo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng và phù hợp điều kiện thực tế.
Cùng đó rà soát, tinh giản những nội dung chồng chéo, trùng lặp giữa các môn học, giữa các khối lớp trong cấp học và các nội dung quá khó, chưa thực sự cấp thiết đối với học sinh tiểu học;
Sắp xếp, điều chỉnh nội dung dạy học theo các chủ đề học tập phù hợp với đối tượng HS; không cắt xén cơ học mà tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục sao cho nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS...
Đối với các lớp 7, 8, 9 các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình thực tế của đơn vị triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giảng dạy, giáo dục của tổ/nhóm chuyên môn; kế hoạch giáo dục, bài dạy của GV phù hợp...
Sẵn sàng dạy học trong dịch bệnh
Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình chia sẻ, theo chỉ đạo của Sở, các nhà trường đã chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường; xây dựng tối thiểu 3 phương án dạy học ứng phó với tình hình dịch bệnh.
Đối với mỗi phương án chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, học liệu và bố trí thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện của nhà trường.
Tranh thủ tối đa thời gian an toàn về dịch bệnh để tổ chức dạy học trực tiếp, khuyến khích tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần; ưu tiên giảng dạy trực tiếp các nội dung cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ.
Sở GD&ĐT đã triển khai Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong các trường; hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CNTT và thống kê giáo dục năm học.
Nhiều trường đã chủ động trong việc tập huấn giáo viên xây dựng bài giảng điện tử, thực hiện một số chuyên đề thông qua môi trường mạng, tổ chức kiểm tra thử theo hình thức trực tuyến để sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Một số trường khuyến khích động viên GV xây dựng Kế hoạch bài dạy theo 2 hình thức (trực tiếp và trực tuyến) để sẵn sàng chuyển ngay hình thức dạy học khi học sinh không thể đến trường…
Thực hiện CT GDPT 2018, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh bổ trí kinh phí mua sắm thiết bị dạy học lớp 1, 2, 6 và thiết bị dạy học tin học, ngoại ngữ: 100,73 tỷ đồng; mua SGK, sách GV, tài liện giảng dạy, tài liệu địa phương 4,23 tỷ đồng; bồi dưỡng GV: 8,16 tỷ đồng; Cải tạo, nâng cấp, trang bị sách, thiết bị cho thư viện: 12,19 tỷ đồng…