Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được chi gần 2.300 tỉ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, với tổng mức đầu tư dự án là gần 2.300 tỉ đồng.

Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được chi gần 2.300 tỉ

Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong năm 2023 và hoàn thành năm 2025.

Dự án có tổng chiều dài gần 73km (không bao gồm cầu vượt và nút giao với quốc lộ 22 đã được đầu tư).

Ở giai đoạn phân kỳ, dự án có quy mô 2 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường hơn 32m.

Điểm đầu dự án tại Km 10+00 tại xã Trừ Văn Thố thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Điểm cuối tại Km 82+750 giao với quốc lộ N2 (nay là đường Hồ Chí Minh) thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Tổng mức đầu tư dự án là gần 2.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.178 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030 khoảng 115 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên tuyến sẽ có 14 công trình cầu, trong đó, 11 cầu tiếp tục thi công hoàn thiện và 3 cầu xây dựng mới (Trảng Bàng, An Hòa, Rạch Nhum).

Theo đó, dự án nhằm từng bước nối thông toàn tuyến từ Pắc Bó (tỉnh Cao Bằng) đến Đất Mũi (tỉnh Cà Mau), góp phần chia sẻ lưu lượng với các trục dọc vùng Đông Nam Bộ.

Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa với tổng mức đầu tư dự án là gần 2.300 tỉ đồng. (Ảnh minh họa)

Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa với tổng mức đầu tư dự án là gần 2.300 tỉ đồng. (Ảnh minh họa)

Được biết, đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 năm 2004, dự kiến hoàn thành vào năm 2010.

Tuy nhiên, đến năm 2013, Quốc hội thông qua Nghị quyết 66 điều chỉnh một số nội dung, lùi thời điểm thông xe toàn tuyến tới năm 2020. Giai đoạn sau năm 2020 sẽ nâng cấp một số đoạn theo chuẩn cao tốc. Như vậy, so với nghị quyết điều chỉnh, thời điểm thông toàn tuyến bị trễ thêm 5 năm.

Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (tỉnh Cà Mau), dài 3.183km, tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía tây dài 684km; đi qua 28 tỉnh, thành phố.

Với tổng vốn đầu tư toàn dự án 99.170 tỉ đồng, đến năm 2025 cơ bản hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) đến Đất Mũi (tỉnh Cà Mau), quy mô tối thiểu 2 làn xe trên cơ sở sử dụng quốc lộ 32 và quốc lộ 21.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, tới cuối tháng 2/2023, dự án đã hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác 2.465km (đạt gần 90% độ dài toàn tuyến), tổng mức đầu tư hơn 88.400 tỷ đồng.

Trong đó, đoạn Đoan Hùng - Phú Thọ đang được thi công; đoạn Hòa Liên - Túy Loan (đi qua địa phận TP. Đà Nẵng) đang được lập hồ sơ thiết kế, dự toán; đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (đi qua địa phận các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An) đang hoàn thiện dự án đầu tư.

Để cân đối vốn đầu tư hoàn thiện các đoạn tuyến còn lại để nối thông đường Hồ Chí Minh, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát, cân đối lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của bộ, để ưu tiên vốn cho đường Hồ Chí Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ