Từng bước hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã chỉ ra những chậm trễ trong mục tiêu thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Từng bước hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh

Đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên bày tỏ: Dự án đường Hồ Chí Minh lần đầu được Quốc hội khóa XI thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2004 bằng Nghị quyết số 38/2004/NQ-QH11.

Năm 2013, sau khi kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Dự án và theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 66/2013/QH13 về kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh với mục tiêu đến năm 2020 thông xe toàn tuyến.

Như vậy, trải dài suốt 5 khóa Quốc hội, mặc dù đã thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tuy nhiên, mục tiêu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe vào năm 2020 đã không thực hiện được, vẫn còn tới 6 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai.

Đại biểu cho rằng, nếu tuyến đường sớm thông suốt như thiết kế ban đầu vào thời hạn đã định, chắc chắn sẽ phát huy được tối đa hiệu quả như các nghị quyết của Quốc hội đã nêu về tuyến đường chiến lược huyết mạch xuyên Việt phía Tây.

Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh, cần phân tích làm rõ, sự chậm trễ trong việc thực hiện Dự án đã làm giảm bao nhiêu phần trăm hiệu quả, ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước cũng như các địa phương, vùng miền mà dự án đi qua.

Đối với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Dự án giai đoạn tiếp theo, đại biểu băn khoăn: “Tại sao trong giai đoạn 2021-2025 Chính phủ chỉ đề xuất bố trí vốn cho 3 đoạn tuyến với tổng chiều dài 108 km? Vậy đoạn đường 171 km còn lại là những vùng mà lẽ ra phải ưu tiên để bố trí vốn, nhưng lại chưa bố trí được vốn? Cơ quan chủ trì Dự án nên có giải trình thêm với Quốc hội về việc không ưu tiên này, có phải sẽ để lại cho giai đoạn 2025-2030 không?

Đại biểu Tạ Thị Yên.

Đại biểu Tạ Thị Yên.

Đại biểu tỉnh Điện Biên đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến, trong khi Nghị quyết của Quốc hội không quy định tổng mức đầu tư của toàn bộ Dự án.

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, kể cả phải sử dụng dự phòng để hoàn thành toàn bộ 171 km còn lại để thông tuyến vào năm 2025. Mục đích để Dự án quan trọng quốc gia mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy tối đa hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án đi qua cũng như cả nước.

Đây cũng là cách thức để chúng ta thực hiện công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa nhưng có ý nhĩa quan trọng đối với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đối với các địa phương có dự án đi qua hiện đang thi công hay chuẩn bị thi công cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì Dự án. Cần có giải pháp đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, đồng thời quản lý tốt hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện dự án này.

Trong đó cần đánh giá kỹ lưỡng việc tổ chức thực hiện dự án, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Đồng thời, cần quán triệt tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử sâu sắc của dự án này và dồn những nguồn lực đặc biệt để hoàn thành dự án, nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cùng một số đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng việc xác định thời hạn hoàn thành các dự án thành phần trong báo cáo để đảm bảo phù hợp với quy hoạch, với nguồn lực hiện nay, bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Hơn nữa, về chuyển đổi hình thức đầu tư dự án, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, báo cáo rõ việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án ở đoạn La Sơn – Túy Loan có đúng theo quy định của Luật Đầu tư công hay không?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.