Đường gờ dọc trán trẻ có nguy hiểm?

GD&TĐ - Sinh ra vài tháng, trán trẻ nổi lên một đường gờ rất rõ và cứng. Điều này khiến nhiều phụ huynh hoang mang. Liệu sự xuất hiện của “con đường bí ẩn” này có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ?

Đường gờ dọc trán trẻ có nguy hiểm?
Đường gờ dọc trán trẻ có nguy hiểm? - Ảnh 1.

Phần lớn đường gờ chạy dọc đường khớp sọ không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhưng phụ huynh phải đưa trẻ đi khám

Có trường hợp đường gờ bất bình thường nhưng cha mẹ không biết, gây ra nhiều biến chứng...

Cha mẹ lo lắng, hoang mang

Gần đây, trên các diễn đàn dành cho mẹ và bé, nhiều bà mẹ lo lắng tâm sự về trán của con họ xuất hiện đường gờ rất rõ, sờ vào cứng ngắc. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra...

Chị B.A. tâm sự: "Sau khi sinh bé được một tháng, tôi thấy đường nối các khớp sọ của bé gờ lên. Bây giờ bé gần 14 tháng, các đường gờ có giảm đi nhưng rất ít. Vợ chồng tôi rất lo lắng...".

Các bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh nhi cho biết từ khi còn là phôi thai, não bộ phát triển dần dần theo "chương trình" riêng biệt của nó. Có bộ phận thay đổi về mặt kích thước, có bộ phận thay đổi về mặt cấu trúc, hay cả hai. Sự thay đổi này làm nhiều phụ huynh lo lắng, hoang mang, trong đó có đường gờ, còn gọi là hiện tượng chồng khớp sọ.

Gắn đường khớp sọ với nhau

BS Lê Hữu Phước, khoa hồi sức cấp cứu - phỏng và phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho rằng chỉ bằng mắt thường, phụ huynh cũng thấy được đường gờ ở trán trẻ, đó là một đường nhô lên và chạy dọc theo đường khớp sọ.

TS.BS Lê Thị Khánh Vân - giảng viên chính bộ môn nhi Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nguyên trưởng khoa thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM - cho biết hộp sọ trẻ không phải là một khối tròn có sẵn để chứa não, mà đó là sự gắn kết giữa nhiều mảnh xương với nhau, còn gọi là đường khớp sọ.

Khi trẻ mới sinh ra, chúng ta dễ dàng thấy đầu trẻ có hai chỗ phập phồng (thóp trước và thóp sau). Đây là kết quả của quá trình các đường khớp sọ gắn lại với nhau, tạo ra khoảng trống. Thông thường, khi bé được 2-3 tháng tuổi thì thóp sau sẽ đóng và khoảng 14-15 tháng thì thóp trước đóng.

Theo BS Vân, ngoài hai khoảng trống mà các đường khớp sọ gắn lại thì những đường khớp sọ khác chỉ là hai mảnh xương gắn lại với nhau. Nếu đường khớp sọ khéo kéo thì đầu bé không có đường gờ. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít bên cạnh các đường khớp sọ gắn kết không khéo léo. Thường thì mảnh xương bên này chồng lên mảnh xương còn lại, tạo ra đường gờ.

Lưu ý trường hợp não không phát triển

Đại đa số đường gờ không ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, vẫn có số ít trường hợp đường gờ bất bình thường, gây ra nhiều biến chứng - BS Lê Hữu Phước cho biết.

Theo BS Vân, đối với số ít đường gờ là bệnh lý thì liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó dị tật đóng khớp sọ sớm và não không phát triển là thường gặp nhất.

Thông thường thể tích não của trẻ tăng 1,5-2 lần trong vòng 12 tháng đầu đời, việc đóng khớp sọ sớm sẽ làm hình dạng hộp sọ trẻ bất thường vì xương không mở rộng bình thường theo sự phát triển của não bộ.

Não bị chèn ép lâu dễ gây ra các biến chứng như thiểu năng trí tuệ, nhức đầu, giảm thị lực... Còn việc não không phát triển nên các khớp sọ bị đóng sớm gây tật đầu nhỏ.

Về khả năng đầu trẻ xuất hiện đường gờ là do thiếu canxi và vitamin D, BS Vân cho rằng đây là một yếu tố có thể liên quan, chứ không rõ ràng.

Để xác định đường gờ nằm trong số lớn bình thường hay số nhỏ bệnh lý, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại chuyên khoa thần kinh nhi để được chẩn đoán và điều trị - các bác sĩ khuyến cáo.

Đường gờ có tự "biến mất"?

TS.BS Lê Thị Khánh Vân cho rằng đường gờ sẽ không mất hoàn toàn mà chỉ tiêu giảm tương đối, vì đây là một cấu trúc được cấu tạo từ nhiều đường khớp sọ.

Có thể vì da đầu trẻ dày lên, tóc mọc ra theo thời gian nên các phụ huynh cảm thấy đường gờ không còn xuất hiện.

Theo Tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ