Trên hành trình chinh phục tri thức, ngoài ý chí và nghị lực của bản thân, những hỗ trợ, động viên của thầy cô, bạn bè… đã tiếp thêm sức mạnh để các em hướng đến tương lai tươi sáng.
Vượt qua hủ tục
Hoàng Thị Mỹ Linh (Khoa Y sinh, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng) là SV đại học đầu tiên của làng Tu và cũng là nữ sinh đầu tiên dám vượt qua tục lệ của làng, bước ra thế giới rộng lớn hơn. Làng Tu – quê nhà của Linh thuộc xã Ia Ga (huyện Chư Prông, Gia Lai), cách biên giới Campuchia chưa đầy 20 km. “Ở làng em, dù khó khăn đến mấy con trai vẫn được bố mẹ ưu tiên cho đi học, còn con gái học cao nhất cũng chỉ đến lớp 9, rồi ở nhà đi rẫy và… lấy chồng. Làng em giờ vẫn còn tục lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, Linh kể mà mắt buồn xo.
Linh cũng từng khóc hết nước mắt khi bố mẹ bắt em phải nghỉ học, dù em đang học lớp 11. “Bố mẹ bảo con gái học nhiều càng khó lấy chồng, nhà lại thiếu người làm rẫy, trước sau gì cũng phải nghỉ học. Thấy em không có ý định nghỉ học, bố em còn dọa nếu cứ tiếp tục đi học thì tự lo mọi chi phí. Lúc đó, em đã nghĩ đến tình huống nếu bố em làm thật, em sẽ nhờ Đoàn thanh niên giới thiệu để tìm nguồn học bổng. May mắn là nhờ em kiên trì thuyết phục mấy tháng trời, gia đình thay đổi ý định bắt em nghỉ học”.
Con đường học vấn của Linh cũng nhiều nhọc nhằn, vất vả hơn các bạn cùng trang lứa. Từ khi học mẫu giáo cho đến hết lớp 9, cô bé được bố mẹ gửi ra trung tâm xã Ia Ga ở cùng bà ngoại để có thể đến trường học chữ. Ba năm học THPT, một buổi đến trường, một buổi Linh theo cha mẹ lên rẫy cách nhà gần 20km đến tối mịt mới về. “Em tự học chứ không có thời gian đi học thêm. Để có thể phụ giúp công việc nương rẫy cho bố mẹ, năm học lớp 12, gần như mỗi đêm em chỉ có khoảng 4 tiếng đồng hồ để ngủ”, Linh chia sẻ.
Năm học 2018 – 2019, khi đang học lớp 12, Linh đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Gia Lai với Đề tài về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở địa phương. “Em phải tự thu xếp thời gian để xin số liệu thống kê ở trung tâm kế hoạch hóa gia đình huyện, số liệu ở xã rồi đi tìm hiểu thực tế ở một số bản làng ở gần nơi em ở”.
Quá trình thực hiện đề tài càng thôi thúc Linh phải bước chân vào giảng đường đại học. “Nhưng để được tiếp tục theo học lên cao, em phải thuyết phục bố mẹ sẽ tìm được học bổng tự nuôi sống bản thân trong 4 năm đại học. Bố em đồng ý. Việc còn lại của em là vừa tự học tiếng Anh vừa làm đơn gửi một số tổ chức để xin trợ cấp học bổng. May mắn, em nhận được học bổng Tate and Lyle để có thể thực hiện đúng cam kết với bố em và bắt đầu con đường ước mơ trở thành một nhà khoa học để có thể làm gì đó giúp ích cho bản làng sau này”, Mỹ Linh chia sẻ.
Thay cha mẹ nuôi em ăn học
Hồ Văn Trí (SV năm cuối Khoa Giáo dục thể chất, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế) đếm ngược từng ngày để mong sớm tốt nghiệp ra trường. Nhà Trí nằm ngay ở vị trí sạt lở, thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trong 11 căn nhà quây quần ở Nóc Ông Đề (xã Trà Leng, Nam Trà My) giờ chỉ còn là một đống đổ nát đầy ám ảnh, hoang tàn, có ngôi nhà của Trí.
Trong phút chốc, 4 anh em của Trí trở thành những đứa trẻ mồ côi, không một mái nhà để hương khói cho cha mẹ. Em trai kế của Trí là Hồ Văn Trung đang học nghề tại Nhà máy ô tô Trường Hải. Em gái Hồ Thị Điệp – trong những ngày Trà Leng đang là điểm nóng – được nhắc đến nhiều với hình ảnh cô học sinh ngồi sụp bên nấm mồ được đắp vội của bố mẹ. Điệp đang học lớp 11 Trường THPT Nam Trà My. Em út Hồ Văn Đề đang học Tại trường THCS Trà Leng. Nuốt nước mắt vào trong, Trí phải cứng cỏi để đứng ra lo hậu sự cho bố mẹ theo phong tục của làng; để trở thành chỗ dựa cho 3 đứa em côi cút đang tuổi ăn tuổi học…
Trí vừa khuyên em Trung nghỉ học việc tại Nhà máy ô tô Trường Hải. “Trung còn nhỏ, thể lực lại yếu nên không theo nổi cường độ công việc vì vừa phải làm ca vừa học. Chắc hai anh em sẽ bàn bạc để tìm một công việc khác phù hợp với sức khỏe của Trung hơn”, Trí kể.
Thầy Trần Thanh Quốc – Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trà My cho biết: Mặc dù có nhiều cá nhân nhận nuôi dưỡng em Hồ Thị Điệp mấy anh em không đồng ý. Hồ Văn Trí chia sẻ: “Bố mẹ mất cả rồi, giờ chỉ có 4 anh em côi cút. Nếu cho Điệp đi xa, em không đành lòng. Em gần tốt nghiệp ra trường rồi nên có thể chăm lo cho các em học hành. Sức mình đến đâu, em sẽ cố gắng đến đấy. Chi phí học tập của chúng em thì đã có chế độ của Nhà nước hỗ trợ nên không quá nặng gánh”.