Đường đến thành công của chàng trai đam mê tin học

GD&TĐ - Từng là một sinh viên tài năng của Trường ĐH FPT, Hồ Vĩnh Thịnh (sinh năm 1992) hiện đang theo học Tiến sĩ tại Trường ĐH Saarland (Đức) và làm việc cho Google.

Đường đến thành công của chàng trai đam mê tin học

Chàng trai 26 tuổi cho hay, ngoài nỗ lực học tập của bản thân cùng sự chỉ bảo tận tình của thầy cô giáo, một trong những yếu tố giúp cậu có mặt tại “đại bản doanh” Google chính là khả năng ngoại ngữ tốt cộng với niềm đam mê bất tận dành cho khoa học máy tính.

Sở hữu nhiều giải thưởng

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hồ Vĩnh Thịnh đã giành được rất nhiều giải thưởng liên quan đến bộ môn Tin học. Cụ thể, Thịnh giành giải Ba HAOI (Olympic Tin học mở rộng dành cho các khối chuyên), tiếp đó là giải Nhì Tin học TP Hà Nội trong hai năm 2008, 2009; giải Nhì Olympic Tin học Quốc gia 2010. Bước vào môi trường ĐH, Thịnh cũng tham gia và đã giành những giải thưởng: cúp bạc các năm 2010-2011, cúp đồng năm 2013, cúp vàng năm 2014 tại cuộc thi Siêu cúp Tin học.

Tại cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC, Thịnh và đồng đội cũng liên tiếp gặt hái những thành công: đạt giải nhất quy mô toàn quốc các năm 2011-2014; năm 2013 đạt giải nhì khu vực châu Á; năm 2014, Thịnh góp mặt tại vòng chung kết thế giới được tổ chức tại Yekaterinburg, Nga.

Sau khi tốt nghiệp tại Đại học FPT, Thịnh lại lên kế hoạch tìm kiếm suất học bổng cao học tại nước ngoài. Với bảng thành tích đáng nể cùng với khả năng ngoại ngữ tốt, Trường ĐH Saarland của Đức đã quyết định cấp học bổng 100% cho chàng tân cử nhân ĐH FPT vào học ngành Khoa học máy tính.

Chia sẻ “bí kíp” để có được thành tích nói trên, Hồ Vĩnh Thịnh cho rằng, đam mê chính là bước đệm ban đầu dẫn đến thành công. Và với Thịnh, con đường để đi đến thành công như hiện tại chính là học tập dưới mái trường FPT được sự chỉ bảo tận tình của các giảng viên, được tận hưởng môi trường, phương pháp giáo dục sáng tạo, hiệu quả.

Thịnh bật mí, hồi học cấp 3, tiếng Anh là một điểm yếu, nên khi vào học ĐH, Thịnh nỗ lực gấp bội, đặc biệt tham gia vào CLB tiếng Anh của trường. Sinh hoạt CLB tiếng Anh giúp Thịnh tăng thêm vốn ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng mềm. Thịnh cũng đọc nhiều sách báo, tài liệu bằng tiếng Anh để trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình, nhờ đó tiếng Anh đã tốt dần lên.

Thịnh chia sẻ: “Bản thân mình thấy, để học ngoại ngữ tốt thì điều quan trọng nhất là có một môi trường để được luyện tập và trau dồi. Nói nhiều thành quen miệng. Viết nhiều thành quen tay. Nghe nhiều sẽ quen tai".

 

Và “bén duyên” với Google

Để được làm việc cho Google, Vĩnh Thịnh đã trải qua nhiều vòng xét tuyển. Ở vòng sơ loại, nhờ những thành tích đạt được khi còn học phổ thông và đại học, Thịnh đã nhanh chóng vượt qua. Sau đó là các vòng phỏng vấn kĩ thuật khác và cuối cùng Vĩnh Thịnh đã trúng tuyển vào làm cho dự án Youtube. “Làm việc cho Google đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Quả thực, môi trường làm việc của Google rất thoải mái, năng động và luôn tạo cảm hứng cho các ý tưởng sáng tạo của nhân viên”, Thịnh phấn khởi cho biết.

Tháng 6/2018, Vĩnh Thịnh hoàn thành chương trình thạc sĩ tại ĐH Saarland. Trong thời gian làm bài luận tốt nghiệp, chàng kĩ sư tranh thủ nghiên cứu về “Knowledge Graphs” (Thuật toán hiển thị). Luận văn của Thịnh được bảo vệ thành công ở hội nghị International Semantic Web Conference (ISWC) và chính thức được xuất bản, đánh dấu những bước đi đầu tiên trên con đường nghiên cứu của Vĩnh Thịnh.

Thịnh “bật mí” thêm, nhờ kết quả đạt được trong quá trình học, giáo sư ở trường đã giới thiệu cho cậu làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Max Planck nằm trong trường và hiện tại Thịnh đang tiếp tục theo học tiến sĩ tại đây.

Thịnh cũng chia sẻ với các bạn trẻ đang theo đuổi công nghệ thông tin, mong muốn được làm việc ở những công ty, doanh nghiệp lớn rằng, bản thân cần trau dồi, nắm chắc kỹ năng về chuyên ngành: khả năng thiết kế kiến trúc phần mềm, viết mã nguồn phần mềm, khả năng về thuật toán, khả năng học nhanh các công nghệ mới, kỹ năng về đồ họa, kỹ năng viết tài liệu… Song song với đó là cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết: khả năng thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian, khả năng chịu áp lực, giải quyết stress...

Đặc biệt, ngôn ngữ chính là một công cụ. Vì vậy, các bạn nên rèn luyện để khiến ngôn ngữ là một trợ thủ đắc lực của mình chứ không phải là một rào cản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ