(GD&TĐ)- Sáng nay, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); Tổ chức cứu trợ Hoàng gia Australia tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện cam kết giảm tỷ lệ đuối nước ở trẻ em tại 15 tỉnh có có trẻ em bị tử vong do đuối nước cao.
15 tỉnh có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao nhất là: Thái Bình, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Bắc Giang, An Giang, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Ninh Thuận, Cần Thơ.
|
Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện cam kết giảm tỷ lệ đuối nước ở trẻ em được tổ chức sáng nay tại Hà Nội. Ảnh, gdtd.vn |
Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích dẫn đến tử vong cho trẻ em và vị thành niên ở nước ta và Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực.
Theo báo cáo của Bộ Y tế tỷ xuất đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trong đó hơn 53% các trường hợp bị đuối nước xảy ra trong các hoạt động ngoài trời khi trẻ chơi gần nhà và khoảng 17% được trẻ khác trông nom. Trẻ em ở nông thôn chết đuối nhiều hơn ở khu vực thành thị.
Gánh nặng về tử vong do đuối nước gây ra đã tác động đến từng gia đình, từng cá nhân mỗi người và toàn xã hội. Đã đến lúc toàn thể xã hội, các ngành, các cấp phải có những hành động quyết liệt, cụ thể để ngăn chặn thảm hoạ này, bảo vệ an toàn cho trẻ em.
Thực hiện chỉ thị 1408 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đó có hoạt động phòng chống đuối nước, các Bộ ngành và địa phương tăng cường các biện pháp can thiệp chống đuối nước cho trẻ em toàn quốc. Trong đó chú trọng vào giáo dục và phát triển các kỹ năng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho các đối tượng chăm sóc trẻ; Cải tạo môi trường, giảm đến mức thấp nhất các nguy cơ gây đuối nước trong gia đình và công đồng; nâng cao năng lực cho cán bộ và các tổ chức và tăng cường hệ thống giám sát và nghiên cứu về tai nạn thương tích cho trẻ em; tăng cường hoàn thiện và thực thi pháp luật về an toàn phòng chống tai nạn thương tích.
Bà Ngô Thị Minh. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội đề nghị: Công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung và phòng chống đuối nước cho trẻ em nói riêng rất cần có sự phối hợp liên ngành và nỗ lực của toàn xã hội. Trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và xã hội và các bộ ngành trung ương tiếp tục thực hiện chính sách và pháp luật đối với phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Đinh Thúy