Dưới bóng hoàng lan (Thạch Lam): Đánh thức những cảm xúc kỳ diệu trong tâm hồn

GD&TĐ - Tài năng và tầm ảnh hưởng của Thạch Lam vẫn sáng mãi giữa cõi nhân gian...

Dưới bóng hoàng lan (Thạch Lam): Đánh thức những cảm xúc kỳ diệu trong tâm hồn

Như ánh sao băng vụt qua bầu trời, Thạch Lam chỉ có mặt trong cuộc đời 32 năm và vẻn vẹn mười năm nghiệp bút, nhưng tài năng và tầm ảnh hưởng của ông vẫn sáng mãi giữa cõi nhân gian. “Dưới bóng hoàng lan” của ông là một trong những truyện ngắn tiêu biểu, xứng đáng được đưa vào giảng dạy ở chương trình Ngữ văn THPT.

Dưới bóng hoàng lan được in trong tập Sợi tóc (1942), gồm 5 truyện: Tối ba mươi, Cô hàng xén, Tình xưa, Dưới bóng hoàng lan, Sợi tóc. Câu chuyện xoay quanh một lần về thăm nhà của nhân vật Thanh sau mấy năm làm ăn trên tỉnh.

Tại ngôi nhà thân thương, mảnh vườn xưa có cây hoàng lan tỏa bóng mát và hương thơm dịu ngọt, kí ức ùa về trong tâm trí chàng trai trẻ, kỉ niệm những ngày thơ bé bên bà, bên cô hàng xóm tên Nga tưởng như vừa mới hôm qua... Sau vài ngày ở nhà, chàng trở lại tỉnh để tiếp tục công việc.

Vào ngày đi, Thanh tự nhủ lòng sẽ trở về thường xuyên. Truyện chỉ có thế trong vẻn vẹn vài ba trang giấy, nhưng vì sao lại có sức quyến rũ, mê hoặc đến vậy? Bằng cách nào Thạch Lam đã “kéo” bao thế hệ độc giả đến với những trang viết tưởng chừng như rất đơn giản, dễ dàng của mình?

Là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm Tự lực văn đoàn song văn Thạch Lam vẫn mang một dòng chảy riêng. Không quá cầu kì trong việc tạo dựng cốt truyện với những tình huống éo le, gay cấn, cũng không dụng công xây dựng những hình tượng nhân vật mang tính điển hình như văn xuôi Hiện thực phê phán, Thạch Lam chọn đời sống nội tâm con người làm đối tượng phản ánh.

Ngòi bút của ông “có xu hướng hướng nội, đi sâu vào thế giới bên trong với những cảm xúc, cảm giác” (Nguyễn Hoành Khung) để khám phá, nắm bắt những xúc cảm sâu lắng trong tâm hồn con người. Bởi vậy, truyện của Thạch Lam dù không có cốt truyện, hoặc cốt truyện rất đơn giản vẫn luôn hấp dẫn, lay động trái tim người đọc. Sử dụng ngôi kể thứ 3 với điểm nhìn hạn tri - gắn liền với nhân vật chính cũng là một dạng thức quen thuộc của truyện ngắn Thạch Lam.

Có thể nói đây là sự lựa chọn lí tưởng giúp nhà văn dễ dàng chạm được đến những vi mạch thầm kín, những rung động thẳm sâu trong cõi lòng con người mà không phải ai cũng thấy, cũng cảm nhận được. Dưới bóng hoàng lan tiêu biểu cho cho lối viết ấy. Bằng quyền năng của người kể chuyện, nhà văn dẫn độc giả thực hiện một cuộc hồi hương cùng nhân vật Thanh để trải nghiệm, để cảm nhận và thức tỉnh từ những điều vốn vô cùng giản dị, gần gũi.

* * *

Thanh về thăm bà sau hai năm làm ăn trên tỉnh. Có lẽ chính sự xô bồ, tất bật của cuộc sống thị thành cùng với nỗi nhớ nhà, nhớ bà đã thôi thúc chàng trở về dù tranh thủ được vài ngày ít ỏi. Chỉ cần “lách cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào” là Thanh có thể cảm nhận được một thế giới rất khác, rất đặc biệt.

Khu vườn thân thương hiện lên trong mắt chàng là con đường gạch Bát Tràng mát rượi rêu phủ, là những vòng ánh sáng lọt xuống vòm cây, là mùi lá tươi non lan tỏa trong không khí… sự thanh bình, tĩnh lặng làm Thanh “mát hẳn cả người”, tâm hồn dịu lại bởi “bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bực cửa”. Trong khung cảnh êm đềm, trong sự lặng yên trầm tịch ấy, Thanh chợt nhận ra căn nhà vẫn thế, vẹn nguyên như những ngày chàng còn nhỏ.

Bìa tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” do NXB Văn học phát hành. Ảnh minh họa: ITN

Bìa tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” do NXB Văn học phát hành. Ảnh minh họa: ITN

Qua ngòi bút tinh tế, cách quan sát tỉ mỉ của nhà văn, mọi cảnh vật của ngôi nhà hiện lên một cách chân thực, cụ thể như những thước phim quay cận cảnh, gợi bao niềm xúc động âm thầm! Thanh “trở nên nghẹn họng” bởi tất cả những gì thuộc về thế giới tuổi thơ của mình vẫn còn đó, tưởng như chỉ cần khẽ chạm tay thôi là chàng có thể trở về với kỷ niệm của những tháng năm xưa...

Căn nhà, mảnh vườn tựa như một nhân chứng chứng kiến sự trưởng thành của Thanh, là chốn yên bình, là người thân luôn giang rộng vòng tay chờ đón anh trở về, là nơi chở che, vỗ về khi trong lòng cảm thấy chông chênh, mệt mỏi sau những guồng quay xô bồ của cuộc sống.

Thanh yêu quý và trân trọng tất cả những gì thuộc về thế giới ấy, bởi nơi đó có bà, người quan trọng nhất của cuộc đời chàng. Thanh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bà là người nuôi nấng, chăm sóc, ở bên cạnh suốt những năm tháng tuổi thơ. Có thể nói, với Thanh, bà vừa là cha, là mẹ là người thân duy nhất của mình.

Chính sự chở che, tình yêu thương vô bờ bến của bà đã bù đắp những mất mát, thiệt thòi ấy, sự ấm áp, nhân từ của bà đã xoa dịu tuổi thơ không trọn vẹn và giúp chàng lớn lên, trưởng thành như bao đứa trẻ khác. Từ khi Thanh lên tỉnh làm việc, căn nhà của bà cháu vốn neo người càng trở nên vắng vẻ, hiu quạnh. Vậy nên mỗi lần về thăm, chàng không thể tránh khỏi được cảm giác bồi hồi, xúc động, đó là thứ tình cảm của một người con đi xa trở về quê hương, trở về nơi mình được sinh ra và lớn lên.

Và với hoàn cảnh của bà cháu Thanh, tình cảm ấy càng đặc biệt. Trong giây phút gặp lại bà, “người bà hiền từ với mái tóc bạc phơ”, Thanh như vỡ òa cảm xúc, “cảm động và mừng rỡ chạy lại gần”. Ở bên bà, chàng thanh niên ấy vẫn thấy mình thật bé nhỏ, “cảm thấy chính bà che chở cho chàng”.

Dẫu biết bà đang “săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi”, Thanh “nằm yên giả vờ ngủ”, “không dám động đậy”, bởi chàng không muốn phá tan khoảnh khắc giản dị mà rất đỗi thiêng liêng của hai bà cháu. Những hành động chan chứa biết bao yêu thương ấy của bà khiến chàng “cảm động gần ứa nước mắt”, ngỡ như mình đang được sống lại những năm tháng tuổi thơ, “một bà một cháu quấn quýt nhau”.

Được trở về trong vòng tay yêu thương của bà nơi gian nhà xưa tịch mịch, được thả mình giữa khu vườn ngập tràn ánh sáng, lá cây rung động dưới làn gió nhẹ mang theo hương hoàng lan thoang thoảng… Thanh thấy những ngày bận rộn ở tỉnh giờ xa quá, thay vào đó là sự “nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối”.

Phải chăng đó chính là suối nguồn của yêu thương, là giá trị của gia đình, tình thân! Thạch Lam không dụng công khắc họa nhân vật một cách chi tiết, tỉ mỉ, ông để nhân vật tự giãi bày tâm trạng, nỗi lòng của mình. Vẻ đẹp, tính cách của họ qua đó sẽ sáng lên trong cảm nhận của người đọc.

Dòng cảm xúc miên man đan xen giữa quá khứ và hiện tại của Thanh cho thấy đây không chỉ là một chàng trai nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc mà còn là một người cháu hiếu đạo với tình yêu thương, lòng kính trọng và biết ơn bà vô bờ bến. Vẻ đẹp tâm hồn ấy đã lay động đến trái tim độc giả, đánh thức trong mỗi người những xúc cảm kì diệu, tâm hồn dường như được gột rửa, thanh lọc, trở nên trong sạch, tinh khiết hơn.

* * *

Dưới bóng hoàng lan không chỉ xúc động người đọc bởi tình cảm bà cháu ấm áp, thiêng liêng, tình cảm gia đình sâu sắc, bền vững mà còn vương vấn bởi câu chuyện tình vừa chớm nở trong trẻo như nắng sớm ban mai của Thanh và Nga. Trong lần về quê này Thanh gặp lại Nga, người bạn thân thiết từ thuở nhỏ.

Cô bé hàng xóm năm nào cùng chơi đùa, cùng rong ruổi trên con đường gạch Bát Tràng nhặt từng cánh hoa hoàng lan rơi nay đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng. Sau những phút giây đầu bỡ ngỡ, hai người lại thân thiết, vui vẻ, cùng nhặt rau, nấu cơm bên bà như ngày xưa, thậm chí có lúc Thanh “còn lầm tưởng Nga chính là em gái ruột của mình”.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Khi nhìn ra ngoài vườn, hương hoa hoàng lan thoang thoảng bay, con đường gạch mát và phủ rêu, Thanh nhớ lại hai bàn chân xinh xắn, lấm tấm cát của Nga ngày nào đi trên đó và bất giác mỉm cười. Trong Thanh đã có những xao xuyến, rung động của một chàng trai lần đầu biết yêu, đặc biệt lúc bắt gặp cái nhìn chứa chan âu yếm, dù rất kín đáo, ý nhị của Nga.

Khi cùng Nga đi dạo dưới cây hoàng lan, nghe nàng khẽ bày tỏ những lời đã ấp ủ từ lâu “Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá”, Thanh yên lặng cầm tay cô gái, thấy quả tim mình đập nhẹ nhàng và có chút gì dịu ngọt trong tâm hồn. Cả hai người dường như đã nhận ra cảm xúc rất đặc biệt của mình dành cho nhau.

Tình yêu đầu đời chớm nở cùng lời hứa hẹn “mai kia, tôi sẽ về ở đây lâu hơn” cũng như niềm tin “Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước” đã gói lại câu chuyện về thăm nhà của Thanh. Thạch Lam không nói nhiều về đoạn kết cho mối tình giữa hai người trẻ tuổi ấy, thay vào đó, ông trao quyền cho độc giả. Với quyền năng đồng sáng tạo, họ sẽ lắng nghe tiếng nói từ trong sâu thẳm nội tâm nhân vật và tin vào những điều tốt đẹp nhất.

Với Dưới bóng hoàng lan, Thạch Lam dù chỉ mang đến cho bạn đọc một khoảnh khắc thời gian, một mảnh chuyện đời nhỏ nhoi, bình thường nhưng ẩn sâu trong đó là những xúc cảm đẹp, những giá trị lớn lao. Đó là vẻ đẹp lấp lánh của tình người, của lòng yêu thương, vị tha được cất lên từ thứ ngôn ngữ nhẹ nhàng, giản dị với những câu văn giàu hình ảnh, nhịp điệu. “Cái ngữ điệu nhỏ nhẹ và man mác thi vị, những cảm xúc tinh tế của một tâm hồn dễ rung động” đã làm nên một phong cách ngôn ngữ rất riêng, độc đáo và đặc sắc.

Đọc văn Thạch Lam, ta càng thêm yêu và nâng niu, trân trọng mọi giá trị xung quanh, dù nhỏ bé; ta nhận ra tình cảm gia đình, tình quê hương, đất nước thật thiêng liêng, cao cả. Và, điều quan trọng nữa, ta thấy mình như sống chậm lại, thật chậm giữa dòng đời xô bồ, hối hả.

Không phải là người mở đường ở địa hạt truyện ngắn Việt Nam hiện đại nói chung cũng như văn xuôi Tự lực văn đoàn nói riêng, thế nhưng trong vai trò của người kế thừa và phát triển, Thạch Lam đã thể hiện thật xuất sắc bằng một thế giới nghệ thuật độc đáo, riêng có của mình.

Đến với những trang viết của ông, người đọc không chỉ xúc động, ám ảnh bởi bức tranh nhân gian với sự hiện diện đầy đủ mọi hạng người, nhất là những kiếp người nghèo khổ, lam lũ qua tình yêu thương đến khắc khoải, buốt nhức của tác giả, mà còn được đắm mình giữa những khung cảnh yên bình, thân thuộc của làng quê cùng “một cái gì đó nhẹ nhàng, thơm tho và mát dịu” (Nguyễn Tuân), để rồi lắng lại trong tim những dư vị ngọt ngào, những xúc cảm sâu lắng, thuần khiết giữa cuộc sống bộn bề, tấp nập.

______________________

1. Ngữ văn 10, Kết nối tri thức với cuộc sống Tập 2. NXB Giáo dục (2022)

2. Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 11 (Nguyễn Đăng Mạnh, NXB Giáo dục Việt Nam)

3. Phân tích tác phẩm ngữ văn 11 (Trần Nho Thìn, NXB Giáo dục Việt Nam)

4. Dưới bóng hoàng lan là áng văn bàng bạc chất thơ của Thạch Lam (Hạ Miên, Chuyên trang nghệ thuật cho người trẻ Việt)

5. Dưới bóng hoàng lan: Truyện ngắn gợi nghĩ (Vũ Hà Minh, tuoitre.vn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ