Được sống trong yêu thương

GD&TĐ - Mỗi ngày qua đi, chúng ta lại bắt gặp những câu chuyện chỉ đơn thuần trong đời sống gia đình và xã hội nhưng lại hàm chứa ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Sống trong sẻ chia và yêu thương là cách giáo dục tốt nhất cho thế hệ tương lai. Ảnh minh họa
Sống trong sẻ chia và yêu thương là cách giáo dục tốt nhất cho thế hệ tương lai. Ảnh minh họa

Ngoài những con chữ bên ngoài lớp học là đầy ắp những mẩu chuyện về kỹ năng, về cách mà cha mẹ dạy dỗ, chỉ bảo, chia sẻ cùng con cái. Nói rộng hơn, đó cũng là những kinh nghiệm để chúng ta cùng chia sẻ cách giáo dục con cái trong xã hội hiện tại…

Những câu chuyện trong chuyên mục này được chúng tôi giới thiệu từ trải nghiệm thực tế của những phụ huynh, thầy cô giáo… có tư tưởng giáo dục kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như vậy.

Chúng ta nói nhiều về sự vô cảm đang tồn tại trong thế giới này. Chúng ta cảm thấy đó là bất hạnh từ sự trống vắng của trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng của mình.

Chúng ta đổ lỗi cho những bài học đạo đức, giáo dục công dân, cho những tệ nạn xã hội đang xảy ra. Mà từ đó, chúng ta kết luận rằng: Xã hội đầy rẫy cái xấu, con người thiếu niềm tin, vì thế con người ích kỉ hơn, vô tâm hơn, hưởng thụ hơn.

Tôi nhớ bà ngoại tôi. Cho phép tôi viết về bà: Người phụ nữ góa bụa từ 28 tuổi. Bà tôi, trải qua những đau khổ của người phụ nữ của cải cách ruộng đất, đúng vào lúc đơn độc trong cõi đời và nuôi 4 đứa con thơ. Khi mất hết tài sản, mất chồng, mất con, bà tôi còn mất đi niềm tin vào cả những người trong gia đình khi bị chính người thân tố ngược.

Tôi không được chứng kiến nên không rõ bà tôi đã làm thế nào để sống, để nuôi con. Nhưng khi tôi được sinh ra, được hiểu về thế giới này thì bà tôi đã có 4 người con lớn lên, được học hành. Khi nhỏ, tôi vùng vằng ra khỏi tay bà, cười to khi bà kể những câu chuyện rất buồn cười, trong một giọng kể ngây ngô không truyền cảm. Bà tôi kể chuyện cây táo, cây nhãn… bà kể như những đồ vật trong nhà đều là bạn cả. Tôi không hiểu được điều đó. Vì tôi, khi đó là cô bé có nhiều nét đặc biệt, không thích gần gũi mọi người, thích tự quan sát, tự làm, tự biết.

Tôi không tin những vật vô tri cũng xứng đáng làm bạn của con người, có cảm xúc. Khi lớn lên rồi, tôi mới thấy những câu chuyện của bà, những lời kể của bố, những câu hát của mẹ đã ảnh hưởng đến tôi thế nào. Tôi có thể buồn cùng đám mây bay, rồi vui khi nhìn thấy một con ong chạm vào cánh hoa trước mặt… tôi có thể quan sát những thay đổi khác rất chậm, rất nhanh. Bà tôi, là minh chứng cho thấy rằng dù bất hạnh đến đâu, dù bị cuộc đời bội bạc đến đâu thì nếu có đủ yêu thương, bà vẫn sống và tiếp tục truyền yêu thương cho người khác.

Chúng ta, những người lớn có thể rút ra kết luận về cuộc đời, nhưng chúng ta không được quyền áp đặt điều đó lên con cái. Đấy không phải là truyền đạt kinh nghiệm. Vì cuộc đời của chúng ta không phải là sự trả phí để lấy những kinh nghiệm sống, mà là sự phát triển, trải nghiệm làm con người một cách tự nhiên nhất: Làm chủ.

Vì sao chúng ta cần chuẩn bị cho con sự yêu thương và quan tâm đến người khác. Tôi nghĩ đó chính là niềm hạnh phúc của con người. Những đứa trẻ được sống trong yêu thương có định nghĩa về niềm vui và hạnh phúc từ rất sớm. Chúng được cảm nhận rằng mình là chủ thể của cuộc đời và xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp.

Sự yêu thương, bảo bọc, được dành cho những gì tốt đẹp nhất sẽ chẳng có giá trị nếu nó là sự ích kỉ chỉ nhận, mà không biết san sẻ, hoặc không biết nó đến từ đâu. Cho nên yêu thương phải đi cùng với quan tâm đến người khác. Tôi có biết những gia đình khá giả, họ ngại cho con tiếp xúc với người ngoài. Ngay cả những gia đình khó khăn, họ cũng ngại tiếp xúc, chia sẻ với thế giới ngoài kia. Xét về tâm lí của người lớn, điều đó có nguyên nhân để tồn tại. Nhưng với những đứa trẻ, chúng đã mất đi cơ hội để tìm hiểu xã hội.

Trong lí thuyết kiến tạo cơ bản (J. Piaget) và kiến tạo xã hội (Vưgotxki), người ta đều nhắc đến cơ chế phát triển của con người thông qua thích nghi (đồng hóa và điều ứng). Vì thế sự quan tâm đến thế giới bên ngoài vừa là một mục tiêu, vừa là phương tiện để con người hòa mình, làm chủ với thế giới.

Chúng ta mong muốn con mình không những phát triển tư duy logic, mà còn cả cảm xúc, sáng tạo, vượt khó, đam mê… nhưng những điều đó chỉ có thể được hình thành và phát triển thông qua trải nghiệm và hòa đồng vào thế giới, bắt đầu từ sự quan tâm đến người khác thế giới khác.

Chúng ta thật sự lo lắng vì bây giờ trong mỗi ngôi nhà ở thành phố đã không còn cây, còn con lợn, con gà, con cá… và ngay cả ở nông thôn, dù có, thì lũ nhỏ cũng ít khi được ôm một con gà vào lòng, mà thủ thỉ như nói với bạn mình. Chúng ta cũng không có thời gian, để đứa trẻ sờ tay lên trán ông bà, cha mẹ, khi nào thì “quạt nồng, ấp lạnh”. Những thứ đó thành xa xỉ, và mọi thứ trở nên rời rạc, nhưng chẳng có quan hệ gì với nhau để tồn tại cả.

Những đứa trẻ cần được chuẩn bị, để biết mình không sống một mình, mình không đơn độc lúc khó khăn, mình không ích kỉ khi chấp nhận thế giới này tồi tệ không có lỗi của mình.

Tôi chỉ nhớ đến một câu chuyện đau lòng, cháu bé vì không đỗ được trường chuyên đã quyết định tìm đường đến nơi vô ưu bằng những liều thuốc ngủ. Cháu có được yêu thương không? Cháu có quan tâm đến người khác không? Nếu được chuẩn bị tốt, cháu có thể biết, dù trượt, dù bị cha mẹ la mắng, nhưng cháu còn có thế giới ngoài kia, các bạn cháu còn nhiều người không được đi học (dù là một ngôi trường làng hạng bét), có nhiều người đã cải tạo thế giới từ những thất bại và khó khăn mà họ trải qua. Sự yêu thương, sự quan tâm đến người khác là một thứ cần thiết trong hành trang chúng ta có thể chuẩn bị cho con.

Tin tiêu điểm

Chính thức sử dụng SLBM Bulava

Chính thức sử dụng SLBM Bulava

Thế giới
GD&TĐ - Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava phóng từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SLBM) đã chính thức được Lực lượng vũ trang Nga đưa vào sử dụng.

Đừng bỏ lỡ