Với mục tiêu phát triển năng lực phẩm chất của người học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 luôn đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học.
Đối với bộ môn Ngữ văn, mục tiêu của cấp học THPT là tiếp tục phát triển các năng lực đã hình thành ở trung học cơ sở với các yêu cầu cần đạt cao hơn: đọc hiểu được cả nội dung tường minh và hàm ẩn của các loại văn bản với mức độ khó hơn thể hiện qua dung lượng, nội dung và yêu cầu đọc.
Trong đó, đọc hiểu cấu tứ thơ trữ tình còn là kĩ năng mới mẻ đối với giáo viên và học sinh.
Thơ trữ tình là thể loại phổ biến, các bài học về thơ trữ tình chiếm dung lượng và thời lượng đáng kể trong chương trình THPT. Thế nên, nếu giáo viên và học sinh được cung cấp một phương pháp đọc hiểu cấu tứ thơ trữ tình thì sẽ có thêm chìa khóa khám phá giá trị và vẻ đẹp của thơ ca, tăng hứng thú cho các tiết học, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục của bộ môn Ngữ văn.
Cấu tứ là một yếu tố nghệ thuật quan trọng trong văn học, đặc biệt là trong thơ ca. Về khái niệm cấu tứ, xưa nay vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu, nhiều cách lí giải và cũng chưa có quan điểm nào thuyết phục hoàn toàn những người đọc thơ, yêu thơ.
Người viết bài này dựa vào những tài liệu, cách hiểu đã có, cung cấp một định nghĩa về cấu tứ làm cơ sở cho việc đưa ra các bước đọc hiểu cấu tứ như sau: Cấu tứ được hiểu là cách mà nhà thơ sắp xếp và tổ chức các ý tưởng, hình ảnh và cảm xúc trong tác phẩm thơ theo một mạch vận động mạch lạc, sâu sắc và có quy luật, nhằm chuyển tải cảm xúc, thông điệp tư tưởng và tạo ra vẻ đẹp thẩm mĩ riêng biệt.
Như vậy, theo đó, cấu tứ là một quá trình, một thao tác tư duy và tứ thơ chính là sản phẩm của cấu tứ. Cấu thơ hay tứ thơ đều mang tính chất động, nó là sự thể hiện Ý và Tình của nhà thơ một cách sáng tạo và có sức hút, tạo nên sức hấp dẫn độc đáo của bài thơ.
Từ cách hiểu về cấu tứ và trải nghiệm thơ ca, người viết cung cấp thêm một đọc hiểu cấu tứ theo các bước sau đây:
Bước 1. Xác định nội dung chính và cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Để thực hiện bước này, cần trả lời hai câu hỏi: Bài thơ viết về chủ đề gì? Cảm xúc chính và nổi bật của bài thơ là trạng thái cảm xúc nào?
Bước 2. Tìm hiểu kết cấu của bài thơ. Để thực hiện bước này cần trả lời hai câu hỏi: Bài thơ có thể tự nó hình thành mấy phần, các phần được liên kết với nhau như thế nào? Giữa các phần có sự khác nhau hoặc biến đổi ra sao?
Bước 3. Phân tích tứ thơ theo trình tự sau: Thứ nhất là xác định hình ảnh thơ, chi tiết thơ khơi nguồn cho dòng chảy cảm xúc và ý tưởng của nhà thơ.
Vì cấu tứ là một quá trình nên sẽ có điểm khởi đầu, quá trình vận động phát triển và kết thúc. Xác định được hình ảnh và chi tiết khơi nguồn đóng vai trò quan trọng.
Thông thường hình ảnh/ chi tiết này sẽ xuất hiện ở nhan đề/ ở những dòng thơ mở đầu bài thơ, hoặc lặp đi lặp lại trong suốt bài thơ như một tín hiệu nghệ thuật.
Tiếp theo, tìm hiểu mạch vận động phát triển của tứ thơ qua sự biến đổi của hệ thống hình ảnh, chi tiết. Sự biến đổi này thường tuân theo một quy luật, một logic nào đó. Ví dụ như ở phương diện không gian và thời gian, sự biến đổi có thể là: ánh sáng - bóng tối, ngày - đêm, quá khứ - hiện tại, hữu hạn – vô hạn…
Ở phương diện đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật, sự biến đổi có thể là: mất - còn, hiện hữu - hư vô; vĩnh cửu - nhất thời, tàn phai - tươi tốt, lạnh lẽo - ấm áp, hiện thực - ảo mộng, chật hẹp - phóng khoáng, vị tha - ích kỉ, ngộ nhận - vỡ lẽ, rực rỡ - ảm đạm...
Còn ở phương diện cảm xúc, tâm trạng, sự biến đổi có thể là: buồn - vui, đắm say - hờ hững, thất vọng - hi vọng, khao khát - ngậm ngùi...
Cuối cùng, xác định điểm kết thúc của tứ thơ ở hình ảnh, chi tiết khép lại bài thơ. Sự vận động phát triển của tứ thơ đến lúc sẽ phải khép lại, dựa vào đặc điểm của hình ảnh, chi tiết cuối bài để xác định kiểu tứ thơ.
Thông thường sẽ có hai kiểu tứ thơ: tứ thơ vận động thuận chiều và tứ thơ vận động theo chiều nghịch đối.
Tứ thuận chiều là tứ vận động theo chiều tăng tiến, theo đó, sự vật chỉ thay đổi mức độ của các trạng thái, đặc điểm mà không thay đổi bản chất. Ví dụ từ cô đơn đến tận cùng cô đơn, từ tàn phai đến rơi rụng…
Tứ nghịch đối là tứ vận động theo chiều đối lập, theo đó sự vật thay đổi về bản chất, ví dụ từ xa lạ đến gần gũi, từ hữu hạn đến vô hạn, từ chia lìa đến hòa hợp, từ nhất thời đến vĩnh cửu…
Bước 4. Tìm hiểu ý nghĩa của cấu tứ của thơ trên ba khía cạnh sau: ý nghĩa của cấu tứ đối với việc thể hiện cảm hứng chủ đạo của bài thơ; ý nghĩa của cấu tứ đối với việc thể hiện tư tưởng, thông điệp của nhà thơ; ý nghĩa của cấu tứ đối với việc tạo ra vẻ đẹp nghệ thuật, sức hấp dẫn của bài thơ, phong cách nghệ thuật của nhà thơ.
3. Thực hành đọc hiểu cấu tứ bài thơ “Thời gian” của Văn Cao. Bài thơ Thời gian của Văn Cao được sáng tác vào mùa xuân 1987. Nguyên văn bài thơ như sau:
Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỉ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước.
Bước 1. Xác định hình ảnh khơi nguồn thi cảm. Đó là hình ảnh kẽ tay, gợi vết thời gian làm khô da thịt, tạo nên những khoảng trống giữa các ngón tay, hình ảnh những chiếc lá khô là hình ảnh gợi sự tàn phai, héo úa của thiên nhiên bởi thời gian.
Đây là những tín hiệu cho thấy tứ thơ bắt đầu được hình thành và vận động, xoay quanh những xúc cảm và suy ngẫm về thời gian, về sự tác động của thời gian đối với thiên nhiên và con người.
Bước 2. Từ hình ảnh khơi nguồn này, tứ thơ bắt đầu vận động theo cấu trúc nghịch đối. Hệ thống hình ảnh và chi tiết với hai đặc điểm đối lập với nhau mang nghĩa kép vừa là hình ảnh hiện thực vừa là hình ảnh ẩn dụ. Chuỗi hình ảnh thứ nhất nằm ở phần đầu bài thơ: Thời gian qua kẽ tay, chiếc lá khô, kỉ niệm, tiếng sỏi, giếng cạn…
Đây là những hình ảnh gợi cảm giác thời gian chảy trôi, khó nắm bắt, cũng là biểu tượng cho sự mờ phai, mất mát, hữu hạn của vạn vật trước dòng chảy vô tận của thời gian.
Chuỗi hình ảnh thứ hai nằm ở phần sau bài thơ có ý nghĩa khác hẳn: câu thơ còn xanh, bài hát còn xanh, đôi mắt em như hai giếng nước. Từ xanh ở đây không chỉ là màu sắc mà còn là biểu tượng của sự tươi mới trẻ trung và sự sống bất diệt.
Những câu thơ, bài hát là kết tinh của cảm xúc, tâm hồn và sáng tạo nghệ thuật, mang giá trị vượt thời gian. Chúng không bị thời gian làm cho phai nhòa mà luôn sống động, giữ mãi vẻ đẹp ban sơ.
Và sự chuyển biến của cấu tứ là đi từ chuỗi hình ảnh thứ nhất sang chuỗi hình ảnh thứ hai, làm cho thời gian được hình dung như một dòng chảy miên viễn không dừng lại, trên dòng thời gian ấy có những thứ vì thời gian mà sẽ dần bị phôi pha, mất mát, biến mất, có những thứ khác lại nhờ thời gian mà bền vững, mà khẳng định được giá trị của mình. Nhờ đó ý và tình của nhà thơ được thể hiện một cách sáng tạo và độc đáo.
Bước 3. Xác định điểm kết thúc mạch vận động của tứ thơ. Với hai hệ thống hình ảnh đối lập nhau như thế, cấu tứ vận hành theo chiều tương phản, nghịch đối, kết thúc bất ngờ ở hình ảnh cuối cùng là đôi mắt em như hai giếng nước. Mở đầu là hình ảnh kẽ ngón tay khô héo, kết thúc là đôi mắt tươi tắn, trong ngần. Tứ thơ vận động dựa trên sự đối lập tinh tế giữa cái tạm thời của đời sống và cái vĩnh cửu của nghệ thuật, tình yêu. Giữa sự trôi chảy và lụi tàn của thời gian, chỉ có vẻ đẹp tinh thần và nghệ thuật vẫn tươi xanh, hiện hữu.
Bước 4. Tìm ý nghĩa của cấu tứ. Cấu tứ bài thơ đã làm nổi bật cảm xúc suy tư của nhà thơ về thời gian, về cuộc đời: Đó là nỗi xót xa ngậm ngùi trước sự hữu hạn ngắn ngủi của kiếp người nhưng sâu xa hơn là sự ngợi ca, tin tưởng về sự vĩnh cửu những giá trị tinh thần, nghệ thuật, tình yêu đích thực của con người.
Cấu tứ bài thơ cũng giúp nhà thơ chuyển tải một thông điệp thẩm mĩ, một triết lí sâu sắc: Thời gian không bao giờ ngừng lại, thời gian luôn vận động và sẽ làm phôi phai, mất mát nhiều thứ bao gồm cả những kỉ niệm, hay sự sống của con người. Tuy nhiên con người không cần sợ hãi thời gian, bởi nhờ thời gian mà những giá trị tinh thần, nghệ thuật, cái đẹp đích thực của con người sẽ có được thước đo để khẳng định sự vĩnh cửu trường tồn của nó.
Thông điệp của bài thơ thức tỉnh, khơi dậy trong người đọc thái độ sống biết chấp nhận và hòa hợp với thời gian, đồng thời gợi lên những khao khát hóa giải bi kịch ngắn ngủi của kiếp sống nhân sinh bằng cách sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật, sáng tạo cái đẹp.
4. Cấu tứ hay tứ thơ là khái niệm quen thuộc trong sáng tạo nghệ thuật nhưng lại khá mới mẻ đối với giáo viên và học sinh trong quá trình dạy - học. Bài viết cung cấp thêm một cách đọc hiểu cấu tứ trong thơ trữ tình, để người đọc thơ có thêm phương pháp tiếp cận vẻ đẹp và giá trị của thơ ca.