Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.

Bom lượn FAB-3000 của Nga.
Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Theo Kyiv Post, bom lượn Nga dù được thiết kế thô sơ nhưng chúng đang trở thành thách thức nghiêm trọng đối với Ukraine khi các hệ thống phòng không tiên tiến do phương Tây cung cấp không hiệu quả trước loại vũ khí này.

Vụ tấn công mới nhất của loại vũ khí này do Nga thực hiện vào một cơ sở công nghiệp ở Zaporizhzhia mới đây đã gây thiệt hại lớn.

Phái bộ giám sát nhân quyền của Liên hợp quốc tại Ukraine (HRMMU) cho biết, bom lượn của Nga đã gây thương vong lớn cho Ukraine trong năm 2024.

Người đứng đầu HRMMU, Danielle Bell nhận định đây là "một trong những thách thức lớn nhất đối với các thành phố ở tiền tuyến.

Về cơ bản, bom lượn là vũ khí thả từ trên không tiêu chuẩn được cải tiến thêm module điều khiển, cánh và hệ thống định vị vệ tinh, cho phép kích hoạt từ xa thay vì đến sát mục tiêu để thả.

Không quân Nga sử dụng chủ yếu bom FAB thời Liên Xô được nâng cấp. Moskva có nhiều loại bom với trọng lượng từ 250 đến 3.000 kg, trong đó FAB-3000 là loại mạnh nhất và mới được đưa vào sản xuất hàng loạt đầu năm 2024.

Jacob Parakilas, trưởng nhóm nghiên cứu của RAND châu Âu cho biết, điều khiến bom lượn trở nên nguy hiểm là chúng không có hệ thống đẩy, không tạo ra nhiệt nên phần lớn không bị đánh chặn bởi tên lửa dẫn đường hồng ngoại như AIM-9 Sidewinder hoặc FIM-92 Stinger.

Lãnh đạo của RAND cho biết thêm, dù pháo phòng không Gepard của Đức có hiệu quả hơn trong tình huống này, nhưng do hạn chế về tầm bắn khiến chúng không thể bảo vệ toàn bộ tiền tuyến.

"Nga có thể khai thác lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Ukraine, vốn đang bị kéo mỏng và cần phải bao phủ một vùng lãnh thổ rất rộng", chuyên gia Federico Borsari từ Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA) nhận định.

Điều này càng trở nên nghiêm trọng khi Nga liên tục cải tiến bom lượn, tăng tầm bắn từ 50-60 km lên tới 90 km, khiến nhiều mục tiêu của Ukraine rơi vào tầm ngắm và gần như không có cách đối phó hiệu quả.

Cùng với hiệu quả, chi phí chuyển đổi một quả ngu (bom thả tự nhiên) thành bom lượn rất rẻ so với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo có giá hàng triệu USD.

Điều này cho phép Nga sản xuất và sử dụng chúng với số lượng lớn gây quá tải cho hệ thống phòng không Ukraine. Giới chuyên gia cho rằng giải pháp hiệu quả nhất là nhắm vào máy bay thả bom và các căn cứ lưu trữ bom.

Chuyên gia Mattias Eken tại RAND châu Âu đề xuất về lâu dài có thể sử dụng vũ khí năng lượng định hướng như tia laser, nhưng việc triển khai rộng công nghệ này vẫn còn xa vời. Trong khi đó, Parakilas nhấn mạnh việc cung cấp thêm tiêm kích F-16 cho Kiev.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ