Sở GD&ĐT Hà Tĩnh vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2024 và đề xuất thực hiện giai đoạn 2026-2030.
Theo đó, trong giai đoạn 2021-2024, hệ thống cơ sở GD&ĐT tại địa phương cơ bản được sắp xếp hợp lý, có quy mô phù hợp, được bố trí khá đồng đều giữa các vùng miền, địa phương. Hệ thống giáo dục ngoài công lập được khuyến khích đầu tư mở rộng. Hệ thống các cơ sở 3 GDTX được sắp xếp lại hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của Nhân dân; thực hiện các chương trình nâng cao, giáo dục kĩ năng sống đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội ngành Giáo dục Hà Tĩnh tiếp tục được đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Các trường học, đơn vị trực thuộc thường xuyên đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ GDĐT. Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng kiên cố, ổn định, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 549/639 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 85,92%), trong đó: Mầm non 194/234 trường (tỷ lệ 82,90%), Tiểu học 192/220 trường (tỷ lệ 87,27%), THCS 134/147 trường (tỷ lệ 91,15%) và THPT 29/38 trường (tỷ lệ 76,31%).
Chất lượng phổ cập giáo dục xóa mù chữ được duy trì bền vững. Năm 2024, Hà Tĩnh được Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, xoá mù chữ mức độ 2. (Hiện nay mới có 8 tỉnh thành trên toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, xoá mù chữ mức độ 2).
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến tích cực, chất lượng mũi nhọn được giữ vững và phát huy. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được quan tâm và kết quả cao.