Được - mất khi lương thực "lạc lối"

GD&TĐ - Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, 19 quốc gia hiện đang áp lệnh cấm xuất khẩu đối với 31 sản phẩm, ảnh hưởng tới 7% lượng calo được giao dịch trên toàn cầu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong đó, ngày càng nhiều nước châu Á ban hành các lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm thiết yếu từ dầu cọ đến lúa mì, đường và thịt gà.

Từ ngày 1/6, các doanh nghiệp sản xuất đường tại Ấn Độ chỉ được phép xuất khẩu sản phẩm khi chính phủ cấp phép đặc biệt. Điều này được cho là nhằm “duy trì nguồn cung sẵn có trong nước và ổn định giá đường”. Trước đó, từ giữa tháng 5, nước này cũng ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì.

Trong khi đó, Malaysia đã hạn chế xuất khẩu thịt gà khi quốc gia đối mặt với tình trạng thiếu gà do giá thức ăn cho gà tăng. Lệnh cấm được áp dụng đối với mọi mặt hàng từ gia cầm sống, thịt ướp và đông lạnh cho đến các sản phẩm làm từ gà.

Còn Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, đã ngừng xuất khẩu mặt hàng này trong ba tuần từ ngày 28/4. Hiện nay, lệnh cấm đã được dỡ bỏ nhưng chính phủ vẫn kiểm soát số lượng dầu cọ được xuất khẩu.

Theo quan sát của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá thực phẩm gồm thịt, sữa, ngũ cốc, dầu thực vật và đường, đã đạt 158,5 vào tháng 4. Con số này tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiến tranh Ukraine – Nga được cho là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng lạm phát giá lương thực tại châu Á và trên thế giới. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây cũng cảnh báo rằng “bóng ma thiếu lương thực toàn cầu” có thể kéo dài trong nhiều năm.

Trong bối cảnh lạm phát lương thực toàn cầu tăng mạnh, các quốc gia châu Á quyết định chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ lương thực. Ban đầu, chỉ một số quốc gia hạn chế xuất khẩu lương thực nhưng dần dần, ngày càng nhiều quốc gia làm theo. Điều này nhằm nỗ lực bảo vệ ngành sản xuất lương thực và người lao động trong nước, đồng thời giúp xoa dịu người dân.

Tuy nhiên, bà Selena Ling, Trưởng phòng Nghiên cứu và Chiến lược, Ngân hàng OCBC Singapore, nhận định, khi chủ nghĩa bảo hộ vốn không có lợi cho quốc gia ban hành lệnh cấm lẫn những quốc gia chịu ảnh hưởng từ quy định này.

Lệnh cấm đẩy giá lương thực trong nước lên cao khiến người dân chật vật để có thể mua được. Khả năng tiếp cận với nguồn thực phẩm ở những hộ gia đình thu nhập thấp và người nghèo càng trở nên xa vời.

Đơn cử, tại Malaysia hiện nay. Dù chính phủ đặt giới hạn giá thịt gà ở mức 2,03 USD một kg, người dân nước này phản ánh giá cao gấp đôi mức trần. Người bán gần như không có lãi vì tiền vốn quá cao.

Ngoài ra, lệnh cấm gây suy giảm lòng tin về các chính sách trung hạn và mối quan hệ giao thương giữa các quốc gia. Các nước đối tác sẽ tranh giành nhau để tìm kiếm sản phẩm thay thế trong thời gian ngắn. Từ đó, những người lao động sẽ mất mối xuất khẩu.

Chưa kể các lệnh cấm cũng có xu hướng làm tăng động cơ buôn lậu hàng hóa ra nước ngoài với giá cao hơn. Trong tương lai, khi chuyển đổi từ xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa, nhiều quốc gia sẽ đối mặt với tình trạng khủng hoảng lương thực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ