(GD&TĐ) - Già làng Cơlâu Blao (64 tuổi), ở thôn Voòng, xã Tr’hy (Tây Giang - Quảng Nam), được người cha truyền nghề làm những bộ y phục của người Cơtu rất đặc sắc. Khi xưa, cái áo bằng vỏ cây do cha ông làm ra có thể đổi ngang một con heo 3 gang tay. Ông cho biết : Các loại cây sau đây như cây tr’rang, t’coóng, t’ dúir, amướt, hơjoong hoặc cây mít rừng (một loại cây thân mộc thẳng đứng, vỏ dày, có mủ màu trắng đục), đều có vỏ làm áo quần rất tốt.
Uống rượu lễ trước khi nhập sàn múa Tung tung – za zá |
Để làm được một chiếc áo bằng vỏ cây rất công phu. Đầu tiên, phải vào rừng bóc vỏ cây. Người Cơ tu không đốn hạ cả cây, mà chỉ dùng rựa khứa quanh thân cây hai vòng tròn trên và dưới để lấy vỏ cây. Sau đó, lấy cây hoặc đá đập dập cho vỏ mềm ra. Người ta chọn những thân cây có đường kính khoảng 50cm, cắt thành từng khúc theo kích thước của tấm váy, tấm khố, chiếc áo phù hợp với thân hình người sử dụng, lột thành từng mảng để tiến hành sản xuất y phục.
Bộ y phục nam, nữ bằng vỏ cây |
Đối với loại cây có mủ, khi mang về, người nhà nấu sẵn một thùng nước có thêm các loại lá thơm như lá quế, cây sả, củ riềng núi… để sau này mặc áo sẽ thơm và chống lại các côn trùng cắn phá. Vỏ cây được bỏ vào thùng nước sôi ấy rồi đem ngâm trong thời gian 10 ngày cho ra hết mủ. Ngâm xong, vỏ cây được đưa ra phơi sương, phơi nắng nhiều ngày đêm. Phơi xong, đem cất miếng vỏ cây “thành phẩm” vào chỗ khô ráo, sạch sẽ để bắt đầu khâu áo. Áo bằng vỏ cây thường có màu ngà hoặc màu vàng rơm.
Thông thường, áo được may theo kiểu cổ tròn, không có tay. Chỉ dùng để khâu áo làm bằng sợi mây rừng được vót rất mảnh mai hoặc người ta dùng vỏ cây bhơ nương rất dẻo và chắc để làm chỉ khâu. Toàn bộ chiếc áo chỉ có hai đường khâu kín đáo ở hai bên nách. Mặt trong chiếc áo rất láng vì được mài nhẵn, mặt ngoài sần sùi. Có loại áo bằng vỏ cây dùng cho mùa đông mặc ấm hoặc loại cho mùa hè mặc mát. Ngoài ra, còn có loại áo dày để chống lại nanh vuốt thú dữ, tên độc của đối phương. Loại trang phục có nhiều sợi kết lại này có đặc điểm mềm mại, rất dai, lâu rách, phù hợp mặc vào mùa đông giá rét. Ngoài ra, những tấm khố bằng vỏ cây, cũng được già làng Cơlâu Blao “dệt” bằng vỏ cây rừng rất điệu nghệ, trông mềm mại y như là tấm vải sô dày.
Già làng Alăng Avel và bạn nữ mặc áo vỏ cây chơi đàn abe |
Già làng Alăng Avel (85 tuổi), ở thôn Tà Làng xã Bhalêê (Tây Giang - Quảng Nam) cho biết: “Hồi xưa đồng bào Cơtu ở đây rất nghèo, không có đường sá thuận tiện để đi lại mua bán với khu vực đồng bằng nên nguyên liệu may quần áo rất hiếm. Bên cạnh đó, đôi lúc nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào cũng gặp khó khăn nên vỏ cây được dùng làm nguyên liệu để người dân may y phục. Tuy nhiên, không phải ai cũng được mặc quần áo từ vỏ cây, lúc bấy giờ, những người mặc y phục bằng vỏ cây đều là những người thuộc tầng lớp “quý tộc” trong làng và được mọi người nể trọng. Ngày nay, khi cuộc sống ngày một phát triển, ít ai còn sản xuất và mặc những bộ đồ bằng vỏ cây trong sinh hoạt hằng ngày mà chỉ mặc khi trong làng có lễ hội. Ngoài làm y phục ra, vỏ cây cũng được đồng bào làm chăn, chiếu bằng cách dùng dây kết thành tấm lớn hơn. Đôi khi người ta còn trang trí thêm một ít hoa văn họa tiết làm đẹp cho người mặc. Bên cạnh làm trang phục, vỏ cây còn dùng vào một số công việc khác nữa như lợp mái nhà, thưng vách nhà, quai đeo gùi và ngày xưa, đồng bào còn dùng vỏ cây để bó tử thi đem chôn (thay quan tài)…”.
Hiện nay chỉ còn một số ít người người Cơ tu biết được nghệ thuật làm áo bằng vỏ cây, bởi vì công việc này rất tỉ mẩn, từ việc vào rừng lột vỏ cây đến công đoạn bóc vỏ, khâu áo là cả một quá trình gửi gắm tâm hồn của người khâu đến với chiếc áo, điều mà được người Cơtu xem như niềm tự hào của dân tộc mình. Vào các dịp lễ hội như Tết, lễ đâm trâu, mừng lúa mới, lễ kết nghĩa giữa hai làng anh em… Những tấm áo này được già làng, nam nữ thanh niên mặc vào múa điệu tung tung – za zá truyền thống của người Cơtu ở vùng cao Tây Giang. Hiện nay, áo có giá từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, được các du khách mua về để tặng cho người thân hoặc để kỷ niệm một chuyến đi lên Trường Sơn đại ngàn hoang dã.
Tiên Sa