Đừng trách khán giả Tuồng thiếu quan tâm!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhà hát Tuồng Việt Nam là 'khách mời' của sự kiện 'Tuồng kể' do nhóm sinh viên Viện Báo chí&Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

NSƯT Trần Long hướng dẫn khán giả trải nghiệm với vũ đạo của nghệ thuật tuồng.
NSƯT Trần Long hướng dẫn khán giả trải nghiệm với vũ đạo của nghệ thuật tuồng.

Khi giao lưu cùng khán giả trẻ, ông Tạ Văn Sốp - Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam đã thẳng thắn chia sẻ: “Quả thực, rất ít người trẻ đến với nghệ thuật tuồng. Nhưng nghiêm túc nhìn lại thì có lẽ lỗi phần lớn ở phía mình, đừng trách khán giả thiếu quan tâm!”.

Không ai quay lưng…

Tiếp tục nỗ lực sáng đèn và kéo khán giả, nhất là người trẻ đến rạp, trước thềm năm mới 2024, Nhà hát Tuồng Việt Nam là “khách mời” của sự kiện “Tuồng kể” do nhóm sinh viên Viện Báo chí & Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội&Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tại rạp Hồng Hà (Hà Nội).

Chia sẻ trên của ông Tạ Văn Sốp là ở cuộc trò chuyện ngắn có chủ đề “Tuồng và thế hệ trẻ” của sự kiện đã đề cập và gợi mở nhiều điều về câu chuyện: Người trẻ tham gia và nhập cuộc với nghệ thuật tuồng như thế nào?

Theo ông Sốp, “Tuồng kể” là một trong nhiều sự kiện diễn ra trong thời gian vừa qua mà nhà hát đồng hành với các bạn trẻ quan tâm và có niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống. Đây cũng là cơ hội để nhà hát tiếp cận, giới thiệu với các bạn trẻ về di sản độc đáo của cha ông.

Cùng với đó, thẳng thắn thừa nhận thực tế “không thể chối cãi”: Thiếu khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, ông Sốp cho biết, trong nhiều năm qua nhà hát đã vừa thực hiện chức năng nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đồng thời bằng mọi cách để làm sao khán giả đến với những đêm sáng đèn các vở tuồng được dàn dựng công phu.

Ban đầu, nhà hát cũng thường nghĩ khán giả thờ ơ vì quả thực rất ít người trẻ đến với tuồng.

“Nhưng nghiêm túc nhìn lại thì có lẽ lỗi một phần lớn ở phía nhà hát, tức là chúng tôi chưa có cách tiếp cận hiệu quả, chưa giới thiệu được đủ cái tốt, cái hay, cái hấp dẫn của tuồng để kéo các bạn đến với mình.

Nhất là gần đây cá nhân tôi nhận thấy một loạt nhóm bạn trẻ, sinh viên, trong đó có nhiều bạn đi tu nghiệp ở nước ngoài về đã tìm đến với nghệ thuật tuồng nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung một cách nghiêm túc, trân trọng.

Vậy nên, tôi cho rằng không có ai quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống, có chăng trong một quá trình do nhiều điều kiện khác nhau mà chưa gặp, chưa tiếp cận được”, ông Sốp nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng cho rằng, lỗi vắng khán giả là của nhà quản lý, nghệ sĩ do chưa làm tốt được những việc để các bên đến với nhau rồi hiểu, yêu quý nhau và hiểu những giá trị văn hóa dân tộc nhất là tuồng - một loại hình nghệ thuật khó xem, khó đào tạo và rất kén khán giả, không phải ai cũng có thể thưởng thức.

Nhưng cũng theo ông Tuấn, sau bao trăn trở, suy tư làm thế nào để kéo được mọi người đến với tuồng của đơn vị, bức tranh khán giả đến nay đã có nhiều biến chuyển. Lượng khán giả trẻ đến với sân khấu tuồng so với hôm qua đã có nhiều thay đổi, từ ít ỏi đến ngày càng đông.

Chia sẻ thêm về câu chuyện này, NSƯT Lộc Huyền - Trưởng đoàn Nghệ thuật thể nghiệm, Nhà hát Tuồng Việt Nam, bày tỏ: “Chúng tôi - các nghệ sĩ trẻ kế tiếp bậc tiền bối với một tâm huyết, tâm niệm khi đã vào đây là mang trách nhiệm trên vai phải bảo tồn, gìn giữ, phát triển nghệ thuật tuồng.

Chính vì nhận thức được điều đó mà lớp trẻ của nhà hát còn có cả chương trình giới thiệu nghệ thuật tuồng tới khán giả trẻ. Các lãnh đạo và nghệ sĩ, ê-kíp sáng tạo cũng đã khai thác nhiều tích truyện dân gian, lịch sử trong các bài giảng, bài học của học sinh, sinh viên để biến chúng thành trích đoạn tuồng sinh động, thú vị để đến các trường tiểu học, THCS, THPT giới thiệu.

Mỗi buổi biểu diễn luôn có phần giao lưu xúc động, nhiều bạn nhỏ nói rằng lần đầu xem tuồng nhưng rất thích. Buổi biểu diễn gần đây có 3 bạn học sinh còn xin số điện thoại của tôi, nói rằng nếu sang năm nhà hát tuyển là sẽ đăng ký…”.

Trò chuyện 'Tuồng và thế hệ trẻ'. Ảnh: Bình Thanh.

Trò chuyện 'Tuồng và thế hệ trẻ'. Ảnh: Bình Thanh.

Đối thoại cởi mở

Dịp này, các nghệ sĩ của nhà hát như NSND Ánh Dương, NSƯT Trần Long, NSƯT Lộc Huyền, Đỗ Quyên, Đinh Nam… biểu diễn trích đoạn vở “An Tư công chúa” và “Tình mẹ” để “chiêu đãi” hàng trăm sinh viên đến từ nhiều trường đại học ở Hà Nội.

Trích đoạn công chúa An Tư chia tay Phi Hùng trong “An Tư công chúa” có cách hát, lối diễn đậm chất tuồng cổ và kể câu chuyện xảy ra cách đây gần 800 năm (thời nhà Trần), ít người biết tới nên ít nhiều đem đến những chia sẻ cảm xúc trái ngược: Hiểu và không hiểu. Còn màn tái hiện giặc Pháp thẩm vấn anh Lê và mẹ anh Lê trong “Tình mẹ” thì được đón nhận hào hứng hơn vì câu chuyện gần gũi hơn và lối hát, cách diễn cũng được nhẹ nhàng, giản lược hơn.

“Đây là lần đầu tiên em được xem tuồng nên mọi thứ đều lạ lẫm, mới mẻ. Nói thật là em đã không thể nghe rõ lời cũng như không hiểu được nhiều từ cổ mà các nghệ sĩ hát, nói trong trích đoạn “An Tư công chúa”.

Vì thế, em chưa hiểu câu chuyện mà đoạn trích đề cập tới. Sang đến trích đoạn sau, với lời hát nhẹ nhàng, rõ ràng hơn, em đã cảm nhận được ngọn lửa cách mạng cũng như nỗi đau phải biệt ly trong trái tim người mẹ.

Bà không sợ họng súng đe dọa của kẻ thù, thậm chí còn dám hy sinh cả khúc ruột – đứa con trai của mình hòng bảo đảm an toàn cho cơ sở cách mạng. Để việc truyền tải nội dung các trích đoạn đến với khán giả hiệu quả hơn, nên chăng nhà hát có lời tóm tắt trước khi mở màn để mọi người ít nhiều có thể hình dung”, sinh viên Thùy Linh, Trường Đại học Ngoại thương cho biết.

TS Lê Anh (Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội) cũng bộc bạch: “Xem chị Quyên diễn trích đoạn vở “An Tư công chúa”, tôi chỉ thấy chị hát rất vất vả, phải thở, ngắt hơi song tôi không nghe được hết lời nên không hiểu chị hát gì.

Điều này làm tôi nhớ đến sân khấu châu Âu có màn hình chạy phụ đề và mong nhà hát cũng bổ sung màn hình chạy phụ đề như thế để mọi người thêm tư duy để hiểu hơn về đoạn trích chăng?”.

Biểu diễn trích đoạn trong vở tuồng 'Tình mẹ'. Ảnh: Bình Thanh.

Biểu diễn trích đoạn trong vở tuồng 'Tình mẹ'. Ảnh: Bình Thanh.

Trong khi đó anh Nguyễn Hoàng Hiệp - chuyên viên nội dung tại Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam lại cho biết anh không khó nghe và hiểu đoạn trích này.

“Việc thưởng thức nghệ thuật phụ thuộc vào gu của mỗi người. Tôi không bị ngợp khi xem tuồng, trông có vẻ rất máu lửa như thế nhưng thực ra nghệ sĩ phải tiết chế theo bài bản, niêm luật một cách tinh tế, không phải thích bước thế nào thì bước, vung tay thế nào thì vung…”, anh Hiệp nói.

Bạn Thanh Nga, sinh viên Đại học Ngoại thương cũng bày tỏ: “Từ nhỏ em đã xem tuồng diễn trong dịp lễ hội tổ chức ở chùa gần nhà và đã từng đọc truyện về công chúa An Tư. Vì thế, dù lần đầu chính thức đến rạp Hồng Hà xem tuồng, em không bỡ ngỡ và hiểu được trọn vẹn nội dung các trích đoạn…”.

Thực ra, sau phần biểu diễn trích đoạn, các nghệ sĩ như NSƯT Trần Long, nghệ sĩ tài năng trẻ Đỗ Quyên còn chia sẻ những kỷ niệm lúc hóa thân vào vai diễn, cảm xúc khi gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này và hướng dẫn khán giả trải nghiệm một số vũ đạo, diễn xuất đặc trưng của tuồng…

“Tôi đã dành nhiều thời gian và tâm sức để tập vai công chúa An Tư. Đoạn trích thể hiện tâm trạng trăm mối tơ vò của nàng khi phải gạt tình riêng để ghé vai cùng quan quân nhà Trần gánh vác việc non sông, góp sức đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi. Mỗi cử chỉ, động tác, câu hát đều phải tập trung diễn tả nỗi lòng ngổn ngang ấy”, nghệ sĩ tài năng trẻ Đỗ Quyên nói.

Với NSƯT Trần Long, rất lâu rồi anh mới diễn lại vai anh Lê trong trích đoạn vở tuồng “Tình mẹ”. Trước đó, anh đã từng hóa thân khi thi học kỳ và được các thầy đánh giá cao vì “diễn bằng cả trái tim và sống được với nhân vật”. Đó là nguồn cổ vũ tinh thần rất lớn để anh để ý và bắt đầu dành tâm sức dấn thân vào loại hình nghệ thuật truyền thống rất khó này.

“Dù đam mê nghệ thuật và có đến cả năm trời theo học chuyên ngành về tuồng ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội nhưng ban đầu, tôi không yêu loại hình nghệ thuật này. Thế rồi, nhận được sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của NSND Gia Khoản cũng như từ lời khen về vai diễn anh Lê của các thầy cô, nghệ sĩ, tôi mới nhận ra diễn tuồng cũng hay, từ đó chú tâm học hỏi và gắn bó cho đến hôm nay”, NSƯT Trần Long chia sẻ.

“Cùng với nỗ lực rất lớn của các thế hệ nghệ sĩ, cán bộ nhà hát thì chúng tôi còn cần phải cảm ơn các bạn trẻ - như đang tổ chức sự kiện “Tuồng kể” này, những người rất tâm huyết để cùng vực dậy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ các bạn, những con người đáng quý, đáng trân trọng, chúng tôi có thể làm tất cả những điều tâm huyết của mình để cùng kéo khán giả đến với sân khấu tuồng” - Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.