Sân khấu tuồng ‘sức sống mới’ trong cảm thụ tác phẩm văn học

GD&TĐ - Qua sân khấu tuồng dân gian đã đem những tác phẩm văn học trong chương trình THCS đến gần học sinh hơn.

 Vở tuồng dân gian “Chiếc bóng oan khiên” tại rạp Hồng Hà.
Vở tuồng dân gian “Chiếc bóng oan khiên” tại rạp Hồng Hà.

Ngày 18/5, học sinh trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) đã được xem vở tuồng dân gian “Chiếc bóng oan khiên” tại rạp Hồng Hà.

Đây là hoạt động thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ văn hóa thể thao và du lịch và UBND TP Hà Nội về việc giới thiệu nghệ thuật truyền thống với khán giả trẻ, đặc biệt là các vở diễn gắn với các tác phẩm trong chương trình học của học sinh các cấp.

Đại diện Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức cho học sinh xem biểu diễn tại rạp Hồng Hà.

Để giới thiệu loại hình sân khấu truyền thống này, đồng thời đem tác phẩm văn học trong chương trình THCS đến gần học sinh hơn.

Phòng GD&ĐT quận Ba Đình và trường THCS Thành Công đã tổ chức buổi ngoại khóa cho học sinh THCS xem vở tuồng “Chiếc bóng oan khiên” và giao lưu, trò chuyện với các nghệ sĩ biểu diễn.

Vở diễn được xây dựng từ tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” trích trong “Truyền kì mạn lục” của danh sĩ Nguyễn Dữ. Một tác phẩm văn học được giảng dạy trong chương trình THCS.

Đến với rạp Hồng Hà, có nhiều học sinh lần đầu được tiếp cận với loại hình sân khấu dân gian này đã rất háo hức. Trong suốt buổi diễn, học sinh chăm chú theo dõi những giọng hát khác nhau: nói lối, hát nam, hát khách, ngâm, những hoạt cảnh, nhân vật mang tính cách đặc trưng…

“Vở diễn Chiếc bóng oan khiên đã nói lên thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, mang theo âm hưởng hùng tráng về người phụ nữ tận trung báo quốc.

Đồng thời đem lại bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc…Vở diễn đã đem lại cho giáo viên, học sinh một cảm nhận sâu sắc về tác phẩm, một trải nghiệm thú vị với nghệ thuật tuồng…”, đại diện Ban Giám hiệu trường THCS Thành Công bày tỏ.

Học sinh giao lưu với nghệ sĩ thực hiện vở tuồng dân gian “Chiếc bóng oan khiên” tại rạp Hồng Hà.

Học sinh giao lưu với nghệ sĩ thực hiện vở tuồng dân gian “Chiếc bóng oan khiên” tại rạp Hồng Hà.

Lãnh đạo trường THCS Thành Công cũng cho biết, học sinh được giao lưu, đưa ra những câu hỏi nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về tình yêu nghề của nghệ sĩ, về một loại hình sân khấu truyền thống giàu ý nghĩa cần bảo tồn.

Em Trịnh Tuấn Khang - lớp 8A7 băn khoăn, một vở diễn 2 tiếng trên sân khấu thì phải luyện tập và phối hợp tập luyện trong bao lâu?

Giải đáp về nội dung này, nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng cho biết, với một vở diễn để lên được sân khấu trong 2 tiếng đồng hồ là công sức của tập thể diễn viên, dàn nhạc, biên kịch… phải luyện tập, phối hợp, gia công trong khoảng 60 ngày.

“Qua câu trả lời của các nghệ sĩ tuồng khiến em và các bạn thêm trân trọng và nhận thấy rõ hơn ý thức cần gìn giữ, lan tỏa, làm sống dậy những giá trị văn hóa trong nghệ thuật sân khấu dân gian…”, Tuấn Khang nói.

Còn Trần Đức Hoàng - lớp 8A7 bày tỏ ấn tượng về ý nghĩa của vở diễn.

“Các nghệ sĩ đã diễn rất cảm xúc và chân thực, vở tuồng thật sự có ý nghĩa với học sinh chúng em vì rất gần gũi tác phẩm trong chương trình SGK mà chúng cháu học…”, Đức Hoàng bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.