Xẩm-tuồng-chèo sẽ phải cạnh tranh với Pop-Rap-Kpop

GD&TĐ - Âm nhạc truyền thống sẽ phải cạnh tranh với âm nhạc hiện đại, đó là thực tế không thể lảng tránh.

Nhà hát Chèo Việt Nam thực hiện quảng bá vở diễn trên fanpage.
Nhà hát Chèo Việt Nam thực hiện quảng bá vở diễn trên fanpage.

Vì vậy, thay vì chờ đợi, chúng ta cần nhanh chóng cạnh tranh.

Đó ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số” diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Chưa tận dụng được vốn văn hóa

“Từ trước đến giờ việc gìn giữ các tư liệu văn hóa nghệ thuật chưa được chú trọng, việc thất thoát, mai một vốn văn hóa cổ truyền vẫn xảy ra. Khi áp dụng công nghệ số, chúng ta sẽ có một nơi lưu giữ an toàn, không bị thất thoát. Với công nghệ số, khán giả có thể nghe đi nghe lại những bài hát, làn điệu để tìm hiểu chuyên sâu về âm nhạc.

Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống cũng gồm cả việc truyền thông ở trong nước và quốc tế, làm cho người trẻ yêu hơn văn hóa nghệ thuật. Như đưa các đề án về các trường học sẽ làm các em yêu và trân trọng hơn di sản văn hóa của cha ông để lại”, NSND Thanh Ngoan - nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.

Theo ban tổ chức, hội thảo nhằm phát huy Đề án “Ứng dụng nền tảng công nghệ số phục vụ công tác bảo tồn và triển khai đại nhạc hội dân ca và bolero Việt Nam (giai đoạn 2021 - 2025)”. Đồng thời nghiên cứu tác động của việc ứng dụng công nghệ, phương tiện truyền thông mới đối với xây dựng, phát huy, khai thác, lan toả nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng là cơ hội để giới chuyên gia đề xuất các giải pháp trình diễn, phổ biến, lan toả về nghệ thuật truyền thống trên nền tảng ứng dụng công nghệ mới nhằm phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tiêu cực của ứng dụng công nghệ.

Ông Phạm Sanh Châu - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, tại Ấn Độ quy định khi máy bay hạ cánh tuyệt đối không được mở nhạc quốc tế mà phải là nhạc của đất nước này. Từ đó, ông Châu đưa ra câu hỏi rằng tại sao Việt Nam không làm như vậy? Lần nào máy bay ở Việt Nam hạ cánh cũng phát bài “Bonjour Vietnam” (Xin chào Việt Nam). Chả lẽ kho tàng âm nhạc nước ta chỉ có mỗi bài “Bonjour Vietnam”?

Băn khoăn của ông Phạm Sanh Châu thực ra là một câu hỏi lớn liên quan đến việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống. Nếu như Ấn Độ và các nước khác không ngừng lan toả âm nhạc truyền thống của họ thì tại sao Việt Nam không làm như vậy - trong khi âm nhạc truyền thống nước ta là một kho tàng giàu có và đa dạng?

Những yếu kém của Việt Nam là không chủ động và sáng tạo trong việc quảng bá giá trị văn hóa, cũng bắt nguồn từ một hạn chế cố hữu - công nghệ. Từ năm 2019, khái niệm “chuyển đổi số” đã được nói tới nhiều, Bộ Thông tin - Truyền thông cũng xây dựng Đề án “Chuyển đổi số quốc gia” và trình Thủ tướng ngay trong năm 2019. Tuy nhiên cho đến nay, không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp còn lơ mơ chưa hiểu bản chất “chuyển đổi số” là gì.

Có thể hiểu đơn giản rằng, “chuyển đổi số” là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào mọi hoạt động với mục đích tận dụng công nghệ thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh, hướng tới mục tiêu cung cấp các giá trị mới cho khách hàng và tăng tốc hoạt động kinh doanh.

Nếu như trước đây, các nhà hát, sân khấu khi có vở mới thường quảng bá bằng cách treo các pano, poster quảng cáo. Ngày nay, nhờ công nghệ chuyển đổi số, vở diễn mới sẽ được quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội với các trích đoạn trực tuyến…

So với cách quảng bá truyền thống thì sự lan toả nhờ công nghệ có thể tiếp cận tới khán giả hiệu quả hơn nhiều lần. Với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật - nền tảng mạng xã hội là yếu tố sống còn, thậm chí quyết định thành bại. Bởi vậy, chuyển đổi số không còn là khái niệm mà đã trở thành thực tế quyết định vận mệnh của doanh nghiệp.

Chuyển đổi xong đừng… xếp kho

Hội thảo khoa học 'Bảo tồn và phát huy văn hoá nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số'.
Hội thảo khoa học 'Bảo tồn và phát huy văn hoá nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh chuyển đổi số'.

Từ yêu cầu chuyển đổi số, trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống càng yêu cầu cao hơn về tốc độ lẫn chất lượng chuyển đổi phục vụ yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên hiện nay lại xuất hiện tình trạng “chuyển đổi xong thì xếp kho” gây lãng phí về tiền bạc và sự thiệt thòi đối với văn hóa.

Chính vì thế, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch Viện Ứng dụng công nghệ VIPTAM nói rằng: Chúng ta phải xây dựng một đề án có tính văn hóa, đời sống. Trong đó sẽ giải đáp được những thắc mắc như: Bảo tồn như thế nào, phát triển ra sao, bên cạnh đó cần đưa các cuộc thi về nghệ thuật truyền thống như dân ca, bolero vào để thu hút giới trẻ. Đề án phải làm rõ được tầm quan trọng của việc đưa công nghệ số vào văn hóa nghệ thuật truyền thống, có nghiên cứu biện chứng, nhìn nhận vấn đề có sự tổng thể, toàn diện.

Để khắc phục tình trạng “chuyển đổi xong thì xếp kho”, giới chuyên gia cho rằng kho tàng nghệ thuật truyền thống cần phải lan tỏa mạnh trên các nền tảng mạng xã hội. Như Trung Quốc, nhiều bài hát, nhiều phong tục, nhiều vở diễn… được khắp thế giới biết đến. Họ đầu tư mạnh một lần cho một vở diễn để quảng bá nét đặc trưng và đặc sắc nhất, nhưng có thể lan toả “sự đầu tư” ấy mãi mãi, đến mọi ngõ ngách của thế giới.

Từ thực tế đó, ông Phạm Sanh Châu - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ nói rằng, chúng ta phải nhận diện và định hình nghệ thuật truyền thống, không chỉ dân ca và bolero mà còn nhiều môn khác nữa.

Thế giới càng hiện đại thì nghệ thuật truyền thống càng phải cạnh tranh với âm nhạc hiện đại. Sao nhạc Việt lại không mang sang Trung Đông và các nước khác, để thế giới biết đến nhiều hơn về âm nhạc Việt Nam.

Trong thế giới hội nhập, không chỉ xẩm - tuồng - chèo phải cạnh tranh với Pop - Rap - Kpop, ngay cả nghệ thuật hiện đại cũng sẽ phải tự cạnh tranh với nhau. Như các nhà hát, các gallery, các không gian trưng bày… phải tự cạnh tranh với nhau. Và vũ khí được xác định trong cuộc chiến cạnh tranh chính là ứng dụng chuyển đổi số thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.