Cũng bởi, qua các trình thức đặc sắc của nghệ thuật tuồng, khán giả được thấy người xưa làm “tình báo” cũng không kém phần hồi hộp, gay cấn và xúc động.
Sáng rõ điểm mờ
Chọn đúng dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 -19/8/2023), Nhà hát Tuồng Việt Nam công diễn vở tuồng “Lửa cháy Phiên Ngung”. Không chỉ khán giả Thủ đô mà ở nhiều tỉnh thành khác như Hải Dương, Hưng Yên… cũng vượt đường xa đến rạp Hồng Hà để thưởng thức vở diễn.
Câu chuyện được kể trong vở tuồng “Lửa cháy Phiên Ngung” xuất phát từ chi tiết chính sử: Khúc Thừa Mỹ được cha là Khúc Hạo – người nối nghiệp Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ - cử sang Phiên Ngung, Quảng Châu (Trung Quốc) làm “Hoan hảo sứ”.
Từ đó, các lớp diễn dần mở ra không mang nhiều hành động kịch mà gần như là những góc nhìn, cách lý giải của người đời nay về tâm can người ra trận (Khúc Thừa Mỹ) và người ở lại (vợ chồng Khúc Hạo).
“Khúc Thừa Mỹ đã trở thành một vị vương, vị chúa khai sinh ra kế sách “giữ nước từ lúc nước chưa nguy” và “Bảo vệ từ sớm, từ xa”. Đó là nền tảng để nghiên cứu, là cơ sở để định ra phương hướng, chiến lược xây dựng và phòng thủ đất nước cho các triều đại sau này” - TS Khúc Minh Tuấn, truyện lịch sử “Lửa cháy Phiên Ngung”, Nxb Văn học, 2021.
Trong đó, nổi bật và xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn là một tướng quân Khúc Thừa Mỹ trí tuệ, dũng lược ẩn mình trong lòng kẻ thù, khéo léo bang giao để góp sức giữ cho đất nước thái bình, dân lành an vui. Người con trung hiếu này thấm nhuần quốc sách “khoan - giản - an - lạc” được ông nội Khúc Thừa Dụ đặt ra, vận dụng và được cha ông – Khúc Hạo tiếp nối.
Bằng quốc sách đó mà trong suốt mấy mươi năm Tam Khúc chúa: Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ đã luôn giữ vững sự tự chủ cho phương Nam. Chủ động lĩnh mệnh trở thành: “Hoan hảo sứ Nam Hán - Đại Lương”, Khúc Thừa Mỹ kiêu hãnh, tự hào lý giải: “Là tướng quân, là truyền nhân họ Khúc, con không làm việc này thời ai sẽ làm đây?”.
Khoảng thời gian làm Hoan hảo sứ không phải để Khúc Thừa Mỹ uốn gối khom lưng, vui lạc thú rồi quên đi vận mệnh đất nước. Ông đã luôn tương kế, tựu kế, ứng biến linh hoạt, tài tình.
Cùng với việc giữ thái độ ôn nhu, “khéo léo nhún nhường trong giao thiệp, tinh tường biến ảo để cân bằng mối bang giao”, ông còn tận dụng thời cơ trực tiếp tích cực đấu tranh để Đại Lương tiếp tục phong Khúc chủ là Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân.
Giữa lúc các thế lực tranh dành quyền lực, ông dò xét, quan sát, tìm cách gây chia rẽ nội bộ, tạo ra sự lục đục giữa Đại Lương và Nam Hán để tránh cho phương Nam mối nguy của chiến chinh.
Nhất là, khi sang Phiên Ngung, cùng với việc thể hiện thịnh tình “hoan hảo”, Khúc Thừa Mỹ quyết không chịu quỳ gối trước Lưu Nham – kẻ xưng đế và lập nước Nam Hán.
Dù bị giam lỏng và Lưu Nham chủ ý cho cháu gái Lưu Nguyệt đến quyến rũ hòng mải vui thú bướm ong mà nhụt chí trai song ông vẫn mưu trí, sinh gián, dụng gián - tìm cách nắm bắt và gửi tin tình báo hữu ích về quê nhà.
Ngay cả khi lâm vào nguy biến, ông vẫn kịp đốt cháy Phiên Ngung để kìm đà tiến quân của quân Nam Hán…
Bằng cách kết nối, kể chuyện mạch lạc, logic và góc nhìn đi vào chiều sâu tâm lý, ê kíp sáng tạo: Tác giả tiểu thuyết: TS Khúc Minh Tuấn, tác giả kịch bản tuồng: Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai, hình tượng Khúc Thừa Mỹ hiện lên như một nhà tình báo hoạt động trực tiếp trong lòng địch rất bản lĩnh, cơ mưu, tài trí.
Dù phải trực tiếp sống giữa hang hùm miệng sói nhưng ông và các tướng hầu cận vận dụng linh hoạt, nhẫn nại chờ thời cơ. Ông đã phải sống hai mặt – chịu mang điều tiếng song vẫn chấp nhận dấn thân, miễn sao có thể góp sức đem lại những tháng ngày bình yên cho phương Nam.
Để có thể khắc họa rõ nét cuộc chiến đấu âm thầm trong lòng kẻ thù này của người xưa, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã tài tình đưa mặt nạ với muôn sắc màu làm biểu tượng sân khấu.
Khi đó, những mặt nạ lớn nhỏ có khi là bối cảnh sân khấu nhưng cũng có khi là đạo cụ sinh động nên chúng không còn là vật vô tri, vô giác mà mang tính ẩn dụ cao. Đặc biệt, lớp diễn Khúc Thừa Mỹ bộc bạch nỗi lòng giữa “rừng” mặt nạ rất hiện đại, hấp dẫn và gợi mở.
Từ đó, khán giả vừa thấy được nỗi bức bối, xót xa vì phải chịu không ít hiềm nghi của ông khi phải sống với hai khuôn mặt khác. Nhưng ẩn sâu trong đó là một “con tim biết khóc” trong nỗi khắc khoải nhớ thương mẹ cha; âu lo về mối nguy giặc xâm lăng lại giày xéo quê hương…
Và rực cháy trong ông luôn là tinh thần “vì nước quên nhà, vì công quên tư”... được tiếp nối, bồi đắp từ đời này qua đời khác, ngày mỗi ngày thêm bừng sáng giữa đêm đen…
Để có được phân cảnh xuất sắc này, cùng với việc tìm kiếm và đọc tư liệu về dòng họ Khúc, nhất là những tác phẩm của TS Khúc Minh Tuấn, trong đó có truyện lịch sử “Lửa cháy Phiên Ngung”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ, chị đã dành nhiều thời gian suy tư, trăn trở.
Cũng vì, chị muốn được góp phần làm sáng rõ điểm mờ lịch sử này về Hậu chúa với ý niệm: “Từ nhiệm vụ của một tình báo phải hóa thân vào các gương mặt khác nhau để sống, có lúc Hoan hảo sứ Khúc Thừa Mỹ quá mệt mỏi, cô độc nơi xứ người nên ông muốn dứt ra, trở về với chính mình.
Nhưng vì trọng trách với quốc gia, dân tộc, vì niềm tin của Tiên chúa, Trung chúa, ông lại tiếp tục ẩn mình. Có khi tôi chợt nghĩ, không riêng gì Khúc Thừa Mỹ mà ở đâu đó với không ít chiến sĩ an ninh tình báo thời xưa - thời nay, chiến công cứ thầm lặng nên dễ bị hiểu lầm như ông”.
Ở vở tuồng 'Lửa cháy Phiên Ngung' còn có những lớp diễn xúc động về nỗi lòng của người cha, người mẹ có con ra trận rất gần gũi, cảm động. Ảnh: Bình Thanh. |
Lòng mẹ, chí cha
Ở vở tuồng “Lửa cháy Phiên Ngung” còn có những lớp diễn xúc động về nỗi lòng của người cha, người mẹ có con ra trận được thể hiện qua nhân vật Quế Thị và Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Khúc Hạo. Đó là sự quá đau buồn, xót xa của bà Quế Thị khi Thừa Mỹ - người con trai duy nhất của bà nay trở thành con tin, ra đi mà không biết có ngày trở lại hay không.
Thực ra, nỗi lòng ấy rất đỗi đời thường như muôn người mẹ khác khi có con bước lên tuyến đầu. Cũng từ đây có thể thấy tiếng nói phản đối chiến tranh, phản đối những âm mưu thù địch, xâm lược của ngoại bang lúc nào cũng lăm le để rồi gây ra bao cảnh thống khổ, chia ly…
Còn với một người đang nắm quyền trị quốc như Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Khúc Hạo thì những nỗi đau ấy không thể bộc lộ mà chỉ lặng thầm chảy ngược vào trong để sẵn sàng hy sinh tình riêng lo việc quốc gia đại sự.
Với người cha này, phía trước không chỉ có một Khúc Thừa Mỹ là con của riêng mình mà còn có một Khúc Thừa Mỹ với tinh thần, khí phách, trách nhiệm của một “con dân” cũng như bao người khác sẵn sàng tiên phong thực hiện sứ mệnh trước mối an nguy đang rình rập giang sơn.
Và, dòng họ Khúc còn chủ động đặt lên vai mình trách nhiệm: “Giữ trọn vẹn cương thổ để dân an nước thịnh, đó là mối lo truyền đời của dòng họ Khúc phương Nam…”.
Những dẫn giải về lòng mẹ, chí cha ấy được khéo léo đan cài giữa các lớp diễn, đưa câu chuyện trở nên gần gũi hơn với cuộc sống. Cùng với đó còn là một thiết kế sân khấu hài hòa luôn có sự chuyển động, biến ảo; những vũ điệu đặc sắc của nghệ thuật tuồng được khai thác, vận dụng một cách tinh tế.
Các nghệ sĩ: Mạnh Linh (Khúc Thừa Mỹ); Quỳnh Liên (Lưu Nguyệt); Đình Thuận (Lưu Nham), Ngọc Cường (Đại Lương), NSƯT Kiều Oanh (Quế Thị), NSƯT Trần Long (Khúc Hạo),… trong đó phần lớn là nghệ sĩ trẻ cũng khá tròn vai đã đem đến cho “Lửa cháy Phiên Ngung” sức hấp dẫn của sự tươi mới.
Lớp diễn Khúc Thừa Mỹ bộc bạch nỗi lòng giữa “rừng” mặt nạ rất hiện đại, hấp dẫn và gợi mở. Ảnh: Bình Thanh. |
Từ Hưng Yên lên Hà Nội để thưởng thức vở tuồng, cụ Khúc Văn Sâm năm nay 89 tuổi, vốn hoạt động trong đoàn văn công, dành nhiều lời ngợi khen: “Tôi rất lấy làm vui vì đây là vở diễn xuất sắc về mọi mặt, từ dàn dựng, thiết kế, ca diễn, trang phục...
Cùng với việc gìn giữ các trình thức của nghệ thuật truyền thống thì vở diễn rất cần hiện đại, sống động như thế thì mới thu hút được khán giả trẻ. Và khi đó câu chuyện lịch sử mà vở diễn muốn kể mới được đón nhận và đi vào lòng công chúng hôm nay”, cụ Sâm nói.
Cụ Khúc Thế Hành năm nay ở tuổi 82 cũng bày tỏ niềm tự hào về dòng họ Khúc có một Hậu chúa tài năng như vậy (Khúc Thừa Mỹ - PV). Qua đây, cụ Hành cảm nhận rằng, chính Khúc Thừa Mỹ là người tình báo đầu tiên của Việt Nam. “Vở tuồng được dàn dựng từ câu chuyện TS Khúc Minh Tuấn kể trong “Lửa cháy Phiên Ngung”.
Cuốn truyện này có giá trị rất lớn về nội dung, nêu bật tài năng của Khúc Thừa Mỹ, người trước kia bị hàm oan vì lý do nghi ông phản bội. Nhưng vở tuồng này đã góp phần khẳng định và ngợi ca công lao của Hậu chúa với quê hương, đất nước”, cụ Hành nhấn mạnh.
“Chúng tôi rất vui mừng khi vở diễn được khán giả hào hứng đón nhận. Từ vở diễn này, chúng tôi muốn gửi đến công chúng những bài học lịch sử còn nguyên giá trị. Đó là bài học ngoại giao với bạn bè quốc tế cần hết sức khôn khéo, mềm dẻo. Về công tác tình báo cũng rất cần học tập từ các bậc tiền nhân với những suy nghĩ, chiến lược tư duy sắc sảo để giữ vững sự ổn định an ninh quốc gia.
Vấn đề trị nước bằng “khoan - giản - an - lạc”: Người dân phải được an vui, phải biết khoan thư sức dân… luôn được các bậc đứng đầu quốc gia hun đúc để trở thành bài học lịch sử và con cháu tiếp tục cho sự nghiệp...”, ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết.
“Khi dàn dựng vở tuồng “Lửa cháy Phiên Ngung”, tôi cứ khao khát làm sao có một con đường mang tên Khúc Thừa Mỹ để nói về cái đẹp, ngợi ca cái đẹp của các bậc tiền nhân. Cũng vì, là truyền nhân của dòng họ Khúc luôn mang khát vọng độc lập tự chủ cho xứ sở quê hương, Hậu chúa xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh” - Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai.