Điều đó trực tiếp thúc đẩy thị trường cung cấp các sản phẩm robot thay thế cho sự tiếp xúc vật lý của con người ngày càng phát triển ở Nhật Bản.
“Robot điều dưỡng”, chẳng hạn như Lovot hình người vô cùng dễ thương phát triển bởi Groove X Inc, chú chó robot Aibo của tập đoàn Sony và Qoobo, một chiếc gối lông có đuôi cử động theo phản ứng vuốt ve của người dùng do Yukai Engineering Inc phát triển đang có doanh số tăng mạnh.
Đặc biệt, Lovot và Aibo có thể thu thập dữ liệu về tình trạng sức khỏe của chủ sở hữu và báo cáo từ xa, đó là lý do tại sao một số người đang tặng những robot tự động này cho cha mẹ già sống ở xa của họ, những người mà họ không thể đến thăm vì nguy cơ lây nhiễm.
“Khi mọi người cảm thấy bất an hoặc cô đơn, họ có xu hướng khao khát cảm giác được chạm vào cơ thể. Thông qua robot chữa bệnh, họ cảm nhận sự tồn tại của những người khác, điều khó có thể cảm nhận được trên điện thoại hoặc qua các ứng dụng khác” - Hiroshi Ishiguro, Giáo sư về robot thông minh tại Đại học Osaka, giải thích lý do đằng sau xu hướng tiêu dùng này.
Lovot, một robot dạng linh vật với đôi mắt tròn cao 43 cm, thậm chí đã xuất hiện tại một trường mẫu giáo ở Nagoya, miền Trung Nhật Bản, để giúp đỡ những trẻ nhỏ có thể bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng cảm xúc do đại dịch Covid-19 gây ra. Với hơn 50 cảm biến, Lovot có thể nhận dạng, tiếp cận và giao tiếp bằng mắt với chủ nhân của nó.
Trọng lượng khoảng 4,2kg, robot này đủ nhẹ để dễ dàng mang đi, với “chế độ ôm” cho phép chúng tạo ra nhiệt độ tương tự như cơ thể người vào khoảng 37 độ C. Robot tự động quay trở lại trạm sạc để “ngủ” vào một thời điểm nhất định và có thể trông ghen tị - lần đầu tiên đối với một robot - khi một Lovot khác được chủ nhân chú ý nhiều hơn.
Tại Trường Mẫu giáo Moriyama, nơi làm việc của hai chú Lovots, Hiệu trưởng Kyoshin Kodama cho biết, tương tác với Lovots giúp xoa dịu tâm trạng của bọn trẻ, xua tan lo lắng của nhà trường rằng đại dịch có thể ảnh hưởng lâu dài đến trẻ nhỏ.
Một cửa hàng bách hóa lớn ở Nagoya cho biết, mặc dù có mức giá khá đắt là 329.780 yen (khoảng 3.110 USD) cộng với phí bảo trì thường xuyên, doanh số bán hàng trong tháng 9 của Lovot đã tăng gấp 15 lần so với con số hồi tháng 3, trước khi Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp do virus.
Chú chó robot Aibo cũng có chức năng tương tự, khiến nó trở thành mặt hàng thu hút nhiều người ở độ tuổi 30 và 40 mua cho cha mẹ như một cách để xác nhận sự an toàn của họ từ xa.
Theo hãng Sony, sau hơn 20 năm kể từ khi mô hình đầu tiên được tung ra thị trường, Aibo thế hệ thứ sáu đã được cải tiến để nhận dạng tối đa 10 người từ hình ảnh khuôn mặt đã đăng ký. Nó cũng cho phép chủ sở hữu tùy chỉnh các tính năng như màu mắt, giống đực hay cái, và doanh số bán hàng đang tăng lên cùng với các quy định giãn cách.
Qoobo bán được 608 chiếc trong tháng 9, gấp khoảng 2,6 lần so với con số của một năm trước đó. Hiện tại, họ có kế hoạch phát hành một sản phẩm mới vào tháng 12. Ishiguro, Giáo sư tại Đại học Osaka, dự đoán rằng nhu cầu về robot chữa bệnh “sẽ càng phát triển hơn nữa khi đại dịch kéo dài”.