Robot cao 18m di chuyển và cử động như người

GD&TĐ - Nhật Bản đã thử nghiệm thành công Gundam - robot có chiều cao hơn 18 mét và nặng 25 tấn. Sau nhiều năm, dự án robot Gundam đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng, cỗ máy này thực sự có thể di chuyển.

Các kỹ sư mất 6 năm để hoàn thành robot nặng 25 tấn và cao 18 mét.
Các kỹ sư mất 6 năm để hoàn thành robot nặng 25 tấn và cao 18 mét.

Từ truyện tranh ra đời thực

Được mô phỏng theo một trong những robot từ loạt phim hoạt hình nổi tiếng những năm 1970 – “Mobile Suit Gundam”, cỗ máy khổng lồ này đã chính thức hoạt động hồi cuối tháng 9, tại ngôi nhà mới ở thành phố cảng Yokohama.

Gundam là dòng sản phẩm truyền thông khoa học viễn tưởng được sản xuất bởi Công ty Sunrise. Dòng sản phẩm này xoay quanh những người máy khổng lồ (mecha) với tên gọi “Gundam”.

Gundam là một trong những biểu tượng có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới và sở hữu lượng người hâm mộ vô cùng đông đảo. Được lên sóng lần đầu vào năm 1979 và trở thành hiện tượng ở Nhật Bản, “Mobile Suit Gundam” (tên gốc: Kidou Senshi Gundam) là một trong những thương hiệu anime dài hơi nổi tiếng, quy mô nhất cho tới nay.

Theo thông tin trên trang web của nhà sản xuất, robot Gundam dự kiến được triển lãm ở nhà máy Gundam Yokohama, thuộc phía Nam Tokyo vào ngày 1/10.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hoãn lại do sự bùng phát của Covid-19. Khả năng cao là thời gian triển lãm Gundam sẽ phải lùi tới cuối năm nay.

“Chúng tôi đưa ra quyết định như vậy để đảm bảo sức khỏe cho người hâm mộ cùng toàn thể nhân viên, trước sự lây lan của Covid-19 trên khắp thế giới. Chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để tất cả khách tham quan có thể chiêm ngưỡng robot một cách an toàn”, đại diện nhà máy cho biết.

Cũng trong thông báo, phía nhà sản xuất gửi lời xin lỗi tới tất cả những người hâm mộ. Họ là những người đã mong chờ buổi khai mạc hoành tráng của Gundam. Do đó, đại diện nhà máy bày tỏ hy vọng nhận được sự thông cảm từ mọi người. “Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ chuẩn bị để tất cả du khách có thể an toàn khi ghé thăm”, thông báo nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, giá vé triển lãm chưa được tiết lộ. Ngoài ra, các chi tiết khác vẫn còn là một bí ẩn, chẳng hạn như các chuyển động chính xác mà robot sẽ có thể thực hiện bằng cách sử dụng 24 khớp.

Nhà máy Gundam Yokohama sẽ bao gồm hai khu vực: Gundam-Dock cao 25 mét được dùng làm địa điểm bảo trì; Một tòa nhà hai tầng với các cửa hàng và không gian tổ chức sự kiện.

Robot di chuyển như người

Loạt phim Gundam trị giá hàng tỷ USD và được mở rộng ra nhiều mảng, bao gồm phim, truyện tranh, mô hình đồ chơi và trò chơi điện tử. Mới đây, người hâm mộ của Gundam đã có cơ hội được chiêm ngưỡng cỗ máy khổng lồ này di chuyển, thông qua một đoạn video do nhà sản xuất đăng tải.

Chỉ với gần 2 phút ngắn ngủi, Gundam cho thấy, nó có thể thực hiện các động tác như đi bộ, quỳ gối hay giơ tay. 

Sau khi được đăng tải, đoạn video này đã nhanh chóng “gây bão” trên mạng xã hội. Không ít tài khoản mạng nhận xét, giấc mơ của hàng nghìn fan hâm mộ đã được “hiện thực hóa”, khi các mẫu robot của loạt phim Gundam bước ra ngoài đời thực. 

Tuy nhiên, cách ăn mừng khi robot từ một bộ sưu tập trở thành hình người, được cho là hoàn toàn khác với truyền thống. Thông thường, các thần đạo sẽ thực hiện thanh tẩy chiếc đầu sắp được lắp của Gundam theo “jotoshiki”. Đây là một nghi lễ cất nóc thường được thực hiện để đánh dấu sự hoàn thành của một tòa nhà mới.

Những nhà sáng tạo, kỹ sư và nghiên cứu đã phối hợp trong dự án. Có thể kể tới Yoshiyuki Tomino - đạo diễn của loạt phim truyền hình “Mobile Suit Gundam”, Pitoyo Hartono - Giáo sư tại Trường Kỹ thuật của Đại học Chukyo, Seiichi Saito - Giám đốc sáng tạo và kỹ thuật tại Rhizomatiks Co. Đây là một công ty có trụ sở tại Tokyo, chuyên phát minh ra các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số tương tác.

Các công ty kỹ thuật và robot như Asratech Corp. và Yaskawa Electric Corp. cũng tham gia hỗ trợ. Tuy nhiên, ngân sách của dự án không được tiết lộ.

Nhà máy Gundam Yokohama từng được lên kế hoạch khai trương trùng với thời điểm diễn ra Thế vận hội và Paralympic. Nhờ đó, nhóm nghiên cứu sẽ có thể quảng bá cơ sở này tới các phương tiện truyền thông nước ngoài. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến mọi kế hoạch phải thay đổi.

Để lắp ráp Gundam, các kỹ sư phải đảm bảo rằng, mỗi bộ phận đều đáp ứng các hạn chế về trọng lượng. Nhờ đó, giúp các chi của robot không bị xô lệch, cũng như khiến tất cả 24 bộ phận có thể di chuyển và hoạt động liền mạch.

Jun Narita - kỹ sư trưởng bộ phận thiết kế của dự án này cho biết, nhóm sản xuất đã phải lựa chọn loại vật liệu kỹ càng và phù hợp. Mục đích là để robot có trọng lượng nhẹ nhất có thể.

Cụ thể, nếu được làm hoàn toàn từ thép, chỉ riêng phần bàn tay của robot đã có trọng lượng lên tới 0,5 tấn. Như vậy, sẽ quá nặng để Gundam di chuyển, do phần khớp gối không thể chịu được trọng lượng của robot.

Phòng thí nghiệm JSK của Đại học Tokyo - một trong những đối tác của dự án, đã phát triển mô hình mô phỏng Gundam mà các nhà nghiên cứu có thể sử dụng để khám phá hành vi khác nhau của robot. Rõ ràng, robot được kết hợp với một hệ thống hỗ trợ di động (Gundam Carrier).

Hệ thống này có thể di chuyển robot vào và ra khỏi cơ sở hạ tầng lắp ghép, cũng như cung cấp năng lượng, hỗ trợ trong khi robot tiến - lùi một hoặc hai bước. Nhiều ý kiến dự đoán, khi robot di chuyển, nó sẽ được điều khiển từ xa. 

Mẫu robot hình người được thiết kế dựa trên nguyên mẫu của Gundam RX-78-2, vốn xuất hiện trong phiên bản “Mobile Suit Gundam” năm 1979. Với chiều cao 18 mét và nặng 25 tấn, “cỗ máy khổng lồ” này được lắp ghép từ 200 bộ phận làm từ thép hỗn hợp và nhựa gia cố sợi carbon.  
Gundam Global Challenge - dự án nhằm xây dựng một Gundam di động, được khởi động vào năm 2014 như một phần của lễ kỷ niệm đánh dấu 40 năm loạt phim hoạt hình Gundam ra đời.
Theo CNN, Japan Times, The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.