Robot phục vụ khu điều trị Covid-19

GD&TĐ - Giảng viên Trần Hoài Tâm (34 tuổi), công tác tại Khoa Kỹ thuật cơ khí, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, đã sáng chế robot vận hành đầu tiên ở miền Tây và đưa vào sử dụng trong khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19.

Robot được thực nghiệm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ.
Robot được thực nghiệm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ.

Robot đầu tiên ở miền Tây 

Giảng viên Trần Hoài Tâm là cựu học sinh chuyên Vật lý của Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ). Do từ nhỏ đã đam mê và yêu thích về cơ khí, điện tử nên sau khi tốt nghiệp THPT, thầy lựa chọn ngành Cơ điện tử của Trường ĐH Cần Thơ theo học.

Sau tốt nghiệp chương trình đại học, thầy Tâm tiếp tục học thạc sĩ tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM, sau đó về công tác tại Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ.

Giảng viên Trần Hoài Tâm.
Giảng viên Trần Hoài Tâm.

Chia sẻ về ý tưởng sáng chế robot tham gia công tác điều trị các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại TP Cần Thơ, thầy Tâm cho biết, vào khoảng giữa tháng 3, qua người bạn học cùng lớp giới thiệu thầy biết Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đang có nhu cầu ứng dụng robot dùng để mang nhu yếu phẩm, vật tư y tế, dụng cụ, thuốc... đến tận phòng người bệnh mà không cần cán bộ y tế theo cùng.

Sau đó cần robot vận chuyển rác thải y tế, rác thải sinh hoạt từ buồng bệnh ra bên ngoài.

Thấy được lợi ích từ việc ứng dụng robot trong công tác điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, không những hạn chế được việc lây nhiễm chéo mà còn tiết kiệm được chi phí điều trị, nên thầy Tâm cũng muốn chia sẻ gánh nặng, chung tay vào việc phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, khi  được liên hệ đặt hàng, thầy đã nhận lời ngay.

“Chế tạo robot này đúng với chuyên môn của tôi, trong quá trình giảng dạy tôi cũng thường xuyên hướng dẫn sinh viên thực hiện các mô hình tương tự về điều khiển và tự động hoá. Những kinh nghiệm tích luỹ được trong lúc giảng dạy, nghiên cứu giúp tôi thuận lợi hơn trong sáng chế.

Tuy nhiên, do một số nguyên vật liệu về cơ khí phải đặt hàng ở Sài Gòn và Hà Nội phải chờ lâu. Có thiết bị khi lắp đặt vào lại không tương thích, vận hành không đạt yêu cầu, phải tìm thiết bị khác, mất rất nhiều thời gian, nên kéo dài thời gian chế tạo, hoàn thành robot…”, thầy Tâm chia sẻ.

Phần mềm ứng dụng điều khiển robot.
Phần mềm ứng dụng điều khiển robot.

Với chi phí khoảng 14 triệu đồng, mất khoảng 3 tuần làm việc từ lên ý tưởng, thiết kế và lắp ráp, robot  của thầy Tâm đã hoàn thành. Đây là robot đầu tiên ở miền Tây tham gia công tác điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và đã được vận hành tại khu cách ly điều trị Covid-19 của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Robot đã tham gia phục vụ điều trị cho bệnh nhân 980 nhiễm SARS-CoV-2 (bệnh nhân từ Philippines về Cần Thơ).

Bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ cho biết, ngoài vận hành trong khu cách ly điều trị Covid-19, bệnh viện còn sử dụng robot này trong Khoa Lao kháng thuốc. Ðây là khoa chuyên điều trị lao kháng thuốc, tiền siêu kháng thuốc và siêu kháng thuốc. Những bệnh này có khả năng lây nhiễm rất cao. Robot do thầy Tâm sáng chế thật sự đã góp phần rất lớn trong việc giữ an toàn, tiết kiệm chi phí cho bệnh viện.

Không ngừng sáng tạo 

Thầy Trần Hoài Tâm cho biết, robot vận hành tại khu cách ly điều trị hiện nay, ngoài việc chuyên chở vật tư y tế, đồ dùng sinh hoạt của bệnh nhân… còn hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ giao tiếp trực tiếp với bệnh nhân qua camera được gắn trên robot.

Robot được thầy Tâm thiết kế gồm hai bộ phận: Mạch điều khiển và cơ khí, trong đó còn có đèn tín hiệu, camera, thiết bị 4G phát wifi.

Robot có khả năng chuyên chở tối đa 150kg, di chuyển với tốc độ 5km/h. Sử dụng năng lượng pin và sạc tái sử dụng sau 5 giờ hoạt động liên tục. Nó có thể di chuyển đường dài, lên dốc, xoay vòng và được điều khiển theo 2 cách qua remote hoặc qua điện thoại di động (thông qua thiết bị 4G phát sóng wifi gắn trên robot).

Cũng theo thầy Tâm, robot vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Phương án điều khiển bằng remote cũng có những điểm hạn chế do khoảng cách điều khiển không được xa (khoảng 500m), thường xuyên bị ngắt quãng do ảnh hưởng bởi vật cản…

Vì thế, thầy Tâm đưa ra phương án song song là điều khiển thông qua ứng dụng trên điện thoại, với phương thức này, chỉ cần có kết nối Internet là hoàn toàn có thể điều khiển được robot. Tuy nhiên việc vừa điều khiển vừa xem camera trên điện thoại gặp nhiều bất tiện.

Ngoài ra, một số nguyên vật liệu và linh kiện lắp ráp khá nặng ảnh hưởng đến việc sử dụng. Thời gian tới, thầy Tâm nghiên cứu sử dụng một số vật liệu nhẹ, đồng thời cải tiến phần mềm ứng dụng để đáp ứng tốt hơn trong công tác phục vụ điều trị.

Bên cạnh robot, thầy Tâm cũng cho ra mắt thiết bị sát khuẩn và đo thân nhiệt tự động. Đây là sự kết hợp giữa máy sát khuẩn tay tự động và máy đo thân nhiệt tự động.

Thiết bị này sử dụng nhiệt kế hồng ngoại không chạm giúp đo nhiệt độ và được trang bị thêm 2 cảm biến: Tự động nhận diện người và đo chiều cao cơ thể. Do đó, người sử dụng đến sát khuẩn tay không cần cúi đầu, máy tự động dò tìm chính xác khu vực trán, sau đó test và hiển thị kết quả sau 1 giây.

Hiện, thiết bị đã được lắp ráp và sử dụng tại Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Ngoài việc sử dụng thiết bị tại trường, một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng đặt hàng thầy Tâm sản xuất khoảng 20 thiết bị sát khuẩn và đo thân nhiệt tự động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.