Đừng "hợp pháp hóa" hành động xâm phạm quyền riêng tư của con trẻ

GD&TĐ - Lo ngại không ít thông tin có thể ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt… nhiều bậc cha mẹ có xu hướng kiểm soát các con qua việc xem tin nhắn, điện thoại… mà quên mất quyền riêng tư của trẻ.

Trẻ có thể mất niềm tin khi biết cha mẹ xâm phạm quyền riêng tư. Ảnh minh họa.
Trẻ có thể mất niềm tin khi biết cha mẹ xâm phạm quyền riêng tư. Ảnh minh họa.

Ở tuổi thiếu niên, trẻ bắt đầu cần có không gian riêng nhiều hơn. Vì vậy, theo các chuyên gia, đây là thời điểm cha mẹ nên chú ý đến quyền riêng tư của con, thay vì nghĩ trẻ vẫn còn là con nít và cần giám sát 24/24. Nếu thường xuyên chịu sự giám sát, trẻ sẽ có xu hướng “bị ngộp” và thậm chí không thể tự lập.

Riêng tư đi liền với giá trị của trẻ

Mong muốn có sự riêng tư được coi là điều hoàn toàn tự nhiên khi trẻ bước vào tuổi thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, trẻ chưa đủ chín chắn, trải nghiệm, cũng như khả năng ứng phó với các tình huống xấu. Do vậy, việc cho trẻ có không gian riêng là cần thiết.

Song, theo các chuyên gia, phụ huynh cũng cần quan sát con hợp lý. Một số phụ huynh tự cho mình quyền tùy ý đọc nhật ký của con, vào phòng trẻ không gõ cửa, kiểm tra điện thoại bất cứ lúc nào…

Nhiều cha mẹ cho rằng, đó là những hành động bình thường mà bản thân nên làm để theo sát con. Tuy nhiên, họ không ngờ rằng, những hành động đó có thể khiến con cảm thấy không được tôn trọng, bị xúc phạm, thậm chí là xâm phạm quyền riêng tư.

Về mặt pháp lý, quyền riêng tư cá nhân thể hiện sự tự do và giá trị của một người. Nếu quyền riêng tư bị người khác xâm phạm, họ sẽ không còn sự tự do và là một cá thể độc lập nữa. Hầu hết phụ huynh đều hiểu tầm quan trọng của quyền riêng tư đối với cá nhân. Tuy nhiên, họ cho rằng, vì con mình còn nhỏ, nếu không giám sát và quản lý, trẻ có nguy cơ dễ sa ngã. Vì thế, một số phụ huynh thậm chí còn lắp camera trong phòng của con để tiện đường quản lý.

Tại Mỹ, trẻ em có 3 quyền riêng tư. Trước hết, đó là quyền riêng tư về thành tích học tập. Dù thành tích học tập tốt hay xấu, đó cũng thuộc về quyền riêng tư của trẻ. Các trường học của Mỹ và gia đình đều có nghĩa vụ bảo vệ quyền này. Ví dụ, giáo viên tiểu học hay trung học tại Mỹ sẽ không công khai thành tích của học sinh trước lớp. Họ càng không bao giờ sắp xếp thứ tự dựa vào thành tích. Dù ở bậc đại học, nếu muốn công khai thành tích, giáo viên cũng không được nêu tên của sinh viên.

Bên cạnh đó, tại quốc gia này, trẻ còn có quyền riêng tư về hình ảnh cá nhân. Nếu chưa được sự cho phép mà chụp ảnh trẻ, trong trường hợp gặp một phụ huynh nghiêm khắc, rất có thể, chúng ta sẽ phải hầu tòa. Song, trong những hoạt động tập thể, sẽ rất khó để tránh chụp ảnh. Nếu không muốn con lộ diện trong các bức ảnh tập thể, cha mẹ cần viết lý do cá nhân vào một bảng biểu của trường.

Đặc biệt, trẻ em Mỹ có quyền riêng tư về thân thể. Từ khi còn ở mầm non, trẻ em Mỹ đã được dạy về quyền riêng tư thân thể. Trẻ được giáo dục rằng, nếu ai sờ vào bộ phận cơ thể, bé phải nói ngay với phụ huynh và giáo viên.

Ở Mỹ, quấy rối tình dục là tội hình sự theo quy định của Bộ luật Quyền công dân công bố năm 1964. Đây là tội nghiêm trọng vì là hành vi gây ra cú sốc tâm lý nặng nề, thậm chí là không bao giờ xóa nhòa đối với nạn nhân. Nếu nạn nhân là trẻ vị thành niên, kẻ phạm tội càng bị trừng trị nặng nề.

Theo luật pháp Mỹ, cha mẹ chỉ được tắm chung với con có giới tính khác mình đến khi bé 6 tuổi. Người lớn xem phim ảnh khiêu dâm dù vô tình hay cố ý để trẻ nhìn thấy cũng là hành vi phạm tội.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ, trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Đồng thời, được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

“Vậy bố mẹ xâm phạm quyền riêng tư của con có thể bị phạt không? Như đã biết, trên thực tế, mọi người đều có quyền bảo vệ quyền riêng tư của bản thân. Do đó, trẻ con cũng vậy. Các em hoàn toàn có quyền được bảo vệ sự riêng tư. Bởi vậy, dù là còn nhỏ hay đã lớn thì bố mẹ đều không thể tự ý xâm phạm các quyền riêng tư của con”, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch cho biết.

Cũng theo anh, dù là trẻ con, chưa thành niên hay đã thành niên cũng đều có quyền được bảo vệ bí mật riêng tư. Trong đó, bao gồm hình ảnh cá nhân, tên tuổi, đến điện thoại hay tin nhắn.

“Tất cả những vấn đề này, pháp luật đều quy định rõ ràng để bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người”, nam nhà văn nhấn mạnh.

Cha mẹ nên khiến con mở lòng và chia sẻ về những điều đã xảy ra. Ảnh minh họa.

Cha mẹ nên khiến con mở lòng và chia sẻ về những điều đã xảy ra. Ảnh minh họa.

Chuyển hóa nỗi sợ thành hành động đúng đắn

Trong khi đó, beauty blogger Trinh Phạm – một “hot mom” thường chia sẻ quan điểm dạy con trên mạng xã hội, cho rằng, không riêng chị, mà nhiều bà mẹ khác cũng luôn có một nỗi sợ về việc con mình sẽ “hư hỏng”. Họ có nỗi lo rằng, con sẽ tiếp xúc với những mảng tối ở xã hội, hoặc vì những tò mò bản năng mà có suy nghĩ lệch lạc.

“Thế nhưng, nỗi sợ và tình thương ấy nên được chuyển hóa thành hành động như thế nào mới đúng là một điều mà nhiều mẹ còn chưa quen. Hoặc nói đúng hơn, là chưa nhận thức được những thứ mình làm có vấn đề gì nghiêm trọng”, chị Trinh Phạm nhận định.

Bà mẹ 9X chia sẻ, từ trước đến nay, nhiều người vẫn cho rằng, cần “thương cho roi cho vọt” khi dạy con. Họ nghĩ rằng, “cho roi vọt” là hành động thực tế. Vì vậy, nhiều phụ huynh coi việc dùng bạo lực thể chất hoặc tinh thần là cách đúng đắn để dạy con.

Song, theo chị Trinh Phạm, thực tế, hành động như vậy chỉ giúp cha mẹ giải tỏa cảm xúc lo sợ và tức giận nhất thời. Trong khi đó, hành động ấy không hề có tác động tâm lý gì tích cực lên con. Kết quả là, con sẽ sợ hãi và ngấm ngầm xa cách với cha mẹ hơn. Từ đó, dẫn đến sự mất niềm tin. Về lâu dài, trẻ sẽ không muốn mở lòng để chia sẻ với cha mẹ.

Việc theo dõi điện thoại của con là điều không nên. Ảnh minh họa.

Việc theo dõi điện thoại của con là điều không nên. Ảnh minh họa.

Phòng tránh rủi ro

“Dường như đối với nhiều cha mẹ Việt Nam, việc dạy con vẫn còn bó buộc ở công thức “sai đâu nắn đó”, tức là khi vấn đề xảy ra rồi mới bắt đầu sửa đổi. Chính vì thế, nên bất kể lúc nào, họ cũng trong tình trạng lo lắng không biết con có làm gì sai không, rình rập để “bắt quả tang”, xâm phạm quyền riêng tư… mà không hề nghĩ đến cảm xúc của con. Trong khi có nhiều vấn đề hoàn toàn có thể được phòng tránh bằng việc chuẩn bị và giáo dục kỹ càng trước khi cho con tiếp xúc với xã hội rộng lớn”, bà mẹ trẻ chia sẻ.

Do đó, chị Trinh Phạm cho rằng, phụ huynh có thể liệt kê trước tất cả những nguy cơ mà trẻ có thể gặp phải khi bắt đầu tiếp xúc xã hội qua bất kỳ phương thức nào, như: Điện thoại, máy tính, tài liệu, trường lớp, câu lạc bộ… Sau đó, cha mẹ nghĩ trước phương án giải quyết mà con có thể áp dụng được.

Ngoài ra, cha mẹ có thể lên kế hoạch hướng dẫn một cách cụ thể và tạo cho con niềm tin cũng như thói quen. Đó là: Nếu có vấn đề gì bất thường ngoài những gì đã được hướng dẫn, trẻ phải báo lại ngay với cha mẹ. Phụ huynh cũng được gợi ý nên hỏi han, tâm sự với con mỗi ngày một cách tự nhiên. Cha mẹ có thể chia sẻ về những gì xảy ra. Nhờ đó, trẻ sẽ tự kể chuyện với cha mẹ. Như vậy, phụ huynh sẽ không phải xâm phạm quyền riêng tư của con.

“Khi phát hiện có những nguy cơ ập đến, hãy bình tĩnh (dù rất khó) để tiếp tục hướng dẫn và tìm cách giải quyết”, chị Trinh Phạm chia sẻ. Theo blogger này, các cha mẹ có con ở tuổi dậy thì cần chú ý vì đó là giai đoạn tâm lý trẻ thay đổi. Khi đó, một hành động thiếu cẩn thận cũng có thể vô tình đẩy con vào sự lúng túng, khó xử. Điều đó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý của trẻ sau này.

Tuy nhiên, khi trẻ thường xuyên tiếp xúc với công nghệ, việc chú ý tới con cũng được coi là hành động cần thiết. Giảng viên Phan Hồ Điệp – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng, cha mẹ cần đặt kiểm soát quyền riêng tư trên thiết bị điện tử của con như một sự bắt buộc. Thay vì YouTube, phụ huynh có thể dùng thử YouTube Kids. Thay vì Google, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng Kiddle.co. Ngoài ra, trẻ cũng có thể sử dụng trang CommonSenseMedia.org. Đây là trang web chuyên gợi ý về độ tuổi phù hợp cho các cuốn sách, chương trình truyền hình, phim.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...