Đừng kiểm soát con thái quá

GD&TĐ - Bao bọc con thái quá, không cho con giao du với bạn xấu, nhiều phụ huynh đã thiết lập “hàng rào” kiểm soát con chặt chẽ. Tuy nhiên, việc áp dụng những chiêu thức này không phải lúc nào cũng tốt, nhiều khi lại tạo ra sự tiêu cực ở trẻ.

Đừng kiểm soát con thái quá

Những nỗi lo quá mức

Chia sẻ trên diễn đàn làm cha mẹ, khá nhiều phụ huynh bày tỏ những lo lắng: Hiện nay, nhiều gia đình bận việc bỏ bê trong dạy dỗ, quản lý con cái, nên nhiều trẻ sinh hư. Nếu cho con mình chơi với những đứa trẻ như vậy rất dễ lây nhiễm tính xấu.

Vì vậy tốt hơn hết là cấm con không chơi với đám bạn đó… Hoặc: Muốn con ngoan, tốt hơn hết phải cho con cái chơi với bạn có cùng hoàn cảnh như mình, có như vậy chúng mới không sa ngã vào những tật xấu trong xã hội.

Trường hợp của chị Trần Thu Hà ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) là một ví dụ: Dạo này thấy con có những biểu hiện lạ, hay nói trống không, xin thêm tiền ăn sáng nhiều hơn, chị đã lén tìm hiểu việc học tập và sinh hoạt ở trường của con. Sau ba ngày đến sớm chờ con ở cổng trường, chị đã phát hiện con trai mình vừa có một nhóm bạn mới ngoài lớp.

Biết vậy chị đã chọn cách nhờ chồng hàng ngày đưa đón con tới lớp. Không những thế chị còn nhờ một bạn gần nhà “mật báo” tất cả những vấn đề của con ở trường. Thậm chí có hôm con quên giấy kiểm tra nên xin một bạn trong lớp mà bố mẹ cũng biết. Hay khi con xin phép cùng bạn ở lớp đi sinh nhật bạn, anh chị cũng không yên tâm đích thân chở con đến dự sinh nhật rồi ngồi phía ngoài chờ con cả tối… Chính vì vậy, mà cậu con trai đã học lớp 8 luôn cảm thấy bức bối vì luôn bị bố mẹ “quản thúc”.

Nhiều phụ huynh lúc nào cũng ở trong tâm trạng lo lắng quá mức nên cấm đoán khiến con mất tự do, thậm chí chúng lại có những phản ứng ngược lại.

Trường hợp con trai chị Hà, sau một thời gian bị bố mẹ kiểm soát cậu đã tỏ thái độ bất hợp tác với bố mẹ. Hễ về tới nhà trừ bữa ăn còn lại con chị chốt cửa phòng lại không mấy khi trò chuyện với bố mẹ. Không khí gia đình trở nên căng thẳng, chỉ tới lúc vô tình đọc được nhật ký của con trai tâm sự về nỗi buồn của bản thân chị Hà mới ngộ ra nhiều điều.

Con chị đang tập làm người lớn nên đôi khi cũng có những thay đổi trong sinh hoạt và cách giao tiếp hàng ngày. Nhóm bạn mới mặc dù không cùng lớp nhưng các con có chung sở thích đam mê những điệu nhảy hiphop hiện đại. Vì vậy tranh thủ những giờ ra chơi hay cuối buổi, các con tập chung với nhau.

Từ dạo chị đưa đón con sớm, con trai chị không có cơ hội tham gia với các bạn. Cháu rất buồn tuy nhiên không hề tâm sự điều này cho ai biết…

Nên để con tự do trong khuôn khổ

Trên thực tế, các phụ huynh có tư tưởng độc đoán thường có xu hướng gò ép con mình phải làm theo những gì mà họ sắp đặt. Những cha mẹ này hay sắp xếp sẵn cho con phải thích môn học gì, phải ăn cái gì, phải tập cái gì, phải thi vào đâu, phải theo đuổi nghề gì… Vì vậy, họ tin rằng con cái chỉ có thể trưởng thành và có một tương lai tốt đẹp nếu theo đúng đường đi mà họ đã đặt ra. Cho nên những đứa trẻ trong các gia đình này thường không được tự do với những sở thích riêng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tư vấn Phạm Hiền, Trung tâm Wedo wegood, không phải cứ để con sống trong môi trường vô trùng là con đã an toàn. Bởi con phải được sống trong một xã hội thực tế có tốt, có xấu, có bất công… để con tự học biết cách chắt lọc hay thích nghi trong sự bản lĩnh và đúng nhất… của chính mình.

Chuyên gia cũng đưa ra những lời khuyên như: Không thể cấm con ra ngoài cùng bạn mà nên dạy con cách ở bên ngoài an toàn đồng thời dõi theo để thấy con yếu gì, thiếu gì mà dạy...; Không thể cấm con không được cầm tiền, tiêu tiền... mà cho vừa đủ theo từng độ tuổi và xem bản năng của con quản lý chi tiêu thế nào mà dạy con giá trị cho đúng; Không thể cứ phải ra quyết định cho con mọi thứ mà cho con ra quyết định từ những việc nhỏ để con ra quyết định lớn dần theo độ tuổi trong sự trải nghiệm sai, đúng, thành công, thất bại...; Không thể cấm con làm hoặc không cho con làm nếu con làm sai hoặc không biết làm. Vì sai thì mới biết đúng, có đúng thì phải đã từng trải qua sai, không biết mới phải làm để biết…

“Khi con chơi với bạn hư cha mẹ có thể biết được lập trường chính kiến của con ở mức độ nào, dễ nhiễm hay bãi nhiễm mà dạy bảo con biết đúng, biết sai; nên, không nên...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ