Năm nay, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều trẻ mầm non chưa được đến trường, nhu cầu này càng tăng mạnh. Để bớt lo lắng, mong con cứng cáp hơn trước cấp học mới, nhiều phụ huynh nóng lòng tìm lớp bằng được mà không quan tâm đến việc này lợi - hại thế nào với con mình.
Tại Việt Nam, khái niệm “tiền tiểu học” không được quy định trong các văn bản pháp quy. Theo Luật Giáo dục 2019, các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân có: Giáo dục mầm non (gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo); Giáo dục phổ thông (gồm giáo dục tiểu học, THCS và THPT); Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác; Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Luật cũng quy định rõ tuổi của học sinh vào học lớp một là 6.
Việc quy định độ tuổi này (phổ biến ở nhiều nước trên thế giới) là dựa trên cơ sở khoa học về việc phát triển của trẻ. Khi đó, xương bàn tay của trẻ đủ cứng để cầm bút, luyện viết. Bởi vậy, một lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã chia sẻ trên truyền thông rằng, nếu phụ huynh cho trẻ đi học quá sớm không khác nào “ép trái cây chín non”. Chưa kể, việc tập viết từ trước nhưng không đúng phương pháp, dẫn tới trẻ viết không đúng quy chuẩn, kích cỡ và sau này rất khó uốn nắn. Trường hợp được rèn đúng thì có tình trạng vì đã biết nên trẻ giảm hứng thú và tập trung khi học chính thức, từ đó ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dạy và học…
Cùng với đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Bộ chuẩn là căn cứ để xây dựng chương trình, khung giáo dục mầm non quốc gia, cũng như phát triển chương trình giáo dục nhà trường.
Mục tiêu của giáo dục mầm non được xác định rõ là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời. Như vậy, trải qua bậc học mầm non, trẻ đã được chuẩn bị đầy đủ để tự tin bước vào bậc học cao hơn mà không cần cứ chương trình học nào khác.
Cũng có phụ huynh đưa lý do cho con học đọc, học viết trước vì lo môn Tiếng Việt “nặng” hơn ở chương trình mới lớp 1. Đây là cách “tư duy ngược”. Quả là Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tiếng Việt lớp 1 được thiết kế với 420 tiết trong năm học (tăng 70 tiết so với Chương trình 2006); nhưng về mặt kiến thức không cao hơn so với chương trình trước đây. Vẫn lượng kiến thức như vậy nhưng được học nhiều thời gian hơn, như vậy là “giảm nhẹ”, và phụ huynh càng yên tâm hơn con sẽ đạt được yêu cầu theo chuẩn đầu ra của chương trình, mà không cần phải đến bất cứ lớp học thêm nào trước đó.
Tất nhiên, sự khác biệt khá lớn giữa môi trường mầm non và tiểu học khiến trẻ có những bỡ ngỡ ban đầu là khó tránh khỏi. Nhưng trách nhiệm điều chỉnh việc này là ở người lớn chứ không thể đổ dồn cho con trẻ. Theo đó, cần kéo gần khoảng cách, sự khác biệt về môi trường học tập giữa lớp 5 tuổi và lớp 1; giáo viên dạy lớp một cần kiến thức, kỹ năng dạy phù hợp với giai đoạn chuyển tiếp; trang bị cho trẻ kỹ năng để nhanh chóng thích nghi với môi trường mới - điều này cần sự phối hợp chặt chẽ của cả gia đình và nhà trường.