Có phụ huynh băn khoăn về tính hiệu quả, sự cần thiết, nhưng không ít người bị cuốn vào guồng quay các lớp học này.
Nở rộ khóa học tiền tiểu học
Chị Nguyễn Thu Hằng (Cầu Giấy – Hà Nội) chọn Trường Liên cấp Newton (Khu ĐTM Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm - Hà Nội) cho con theo học. Qua thông tin trên website, chị biết trường tổ chức câu lạc bộ “Bé vững vàng vào lớp 1”. Tham dự vào CLB này, trẻ sẽ được rèn luyện thể lực thông qua các giờ thể thao phù hợp với lứa tuổi; tham gia các trò chơi sáng tạo hiện đại. Rèn kỹ năng sống, sinh hoạt nhóm, xây dựng sự tự tin… cho các bé thông qua sinh hoạt tập thể và hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, trẻ được làm quen với ngoại ngữ thông qua hướng dẫn trực tiếp của giáo viên nước ngoài. Được hướng dẫn kỹ năng tự phục vụ, thực hiện thời gian biểu...
Xem xong phần giới thiệu, chị Hằng thấy phân vân bởi không biết hữu ích tới đâu? Có thực sự cần thiết không? Tham dự lớp tiền tiểu học có được “điểm cộng” khi đăng ký vào trường? Trong khi mức chi phí cho khóa học cũng là khoản đáng kể. “Khóa học trong vòng 4 tuần với 11 ngày hoặc học trong vòng 9 ngày có mức học phí 4,2 triệu đồng/khóa”, chị Hằng nói.
Có thể thấy, ở hầu hết các trường ngoài công lập tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn, các lớp tiền tiểu học trước kì tuyển sinh đầu năm được tổ chức khá sớm để thu hút HS đăng ký theo học tại trường. Mức chi phí cho những lớp học này dao động từ 4 - 7 triệu đồng tùy theo số lượng buổi học và các dịch vụ đưa đón, tài liệu đi kèm.
Tuy nhiên, qua trao đổi, ban tuyển sinh của các nhà trường đều cho biết: HS tham gia lớp học này không có thêm ưu đãi khi xét tuyển nguyện vọng vào trường so với những bạn không tham gia.
“Không có bất kỳ sự “o ép” nào nếu HS không tham gia nhưng vẫn có nguyện vọng trở thành HS của trường. Minh chứng là, hàng năm với hơn 300 HS vào lớp 1 chỉ có 50 - 70 em đăng ký học lớp tiền tiểu học. Quan điểm của nhà trường: Nội dung học tập của lớp tiền tiểu học không dạy trước kiến thức, không yêu cầu HS phải đọc thông viết thạo sau khóa học. Quan trọng là giúp các em làm quen với môi trường học tập mới, có kỹ năng cơ bản của HS lớp 1… từ đó nhanh chóng hòa đồng với việc học tập ở môi trường mới” – ông Nghiêm Nhật Anh – Giám đốc Điều hành Trường TH&THCS Everest (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) chia sẻ.
Cần thiết?
Nhìn nhận về việc học tiền lớp 1, TS chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh – Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Việc cho trẻ làm quen với môi trường lớp 1 thông qua hoạt động, chương trình giáo dục phù hợp là cần thiết và hữu ích.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh HS không nên kỳ vọng quá nhiều ở trẻ khi tham gia vào lớp học này. Không nhồi nhét kiến thức hay bắt buộc trẻ phải đọc thông viết thạo… Điều đó sẽ gây áp lực không nhỏ cho con trước ngưỡng cửa đầu đời. Học trước nội dung chương trình cũng khiến trẻ lạc lõng giữa các bạn khi bước vào môi trường học tập mới. Đặc biệt, điều đó có thể khiến trẻ chủ quan, chán học.
“Đối với các bậc phụ huynh, quan trọng là tìm được trung tâm, lớp học tiền lớp 1 có uy tín, trực tiếp tìm hiểu nội dung giáo trình phù hợp với lứa tuổi, tâm tính của con mới đăng ký ghi danh. Sẽ vô cùng nguy hiểm khi “ném” con vào lớp học mà không biết con cần học gì? có phù hợp không? Nếu gia đình có thể làm tốt việc dạy cho trẻ những kỹ năng cơ bản cần thiết trước khi vào môi trường học tập mới, không cần thiết phải tham dự các lớp học tiền lớp 1…” – TS Vũ Việt Anh khẳng định.
Cô Lê Thị Kim Ngọc – GV Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy - Hà Nội) nhìn nhận thực tế: Trong những năm gần đây tỉ lệ HS học trước các lớp tiền tiểu học khá cao (70 - 80% HS trong lớp). Đến với những lớp học này, HS chủ yếu được làm quen với việc học ở lớp 1, sách vở, đồ dùng học tập, học cách tư duy logic, học kỹ năng tự phục vụ bản thân… Chính vì vậy, khi bước vào học tập chính thức tại trường, các em bắt nhịp nhanh, tự tin hòa nhập cùng bạn bè thầy cô. GV khi giảng dạy cho HS cũng bớt vất vả, áp lực trong môi trường lớp học khá đông.
Tuy nhiên , cô Lê Thị Kim Ngọc cũng cho rằng: Không phải tất cả HS trải qua lớp tiền tiểu học đều phát huy được tiềm năng, thể hiện tốt nhất năng lực bản thân. Việc tiến bộ, thích nghi… của mỗi HS trong học tập phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, sự chăm chỉ luyện tập. Nhiều HS sau các lớp tiền tiểu học không có sự tiến bộ nhanh như những HS không tham gia các lớp tiền tiểu học nhưng có sự nỗ lực thường xuyên. Các em có dấu hiệu chủ quan với những gì mình đã học.
Dù HS có học trước lớp tiền tiểu học hay không, nhiệm vụ của GV là dạy đủ kiến thức, nội dung chương trình cơ bản, giúp các em tự tin hòa nhập với bạn bè, thầy cô. Với HS có sức học chậm hơn, GV sẽ có những giải pháp để giúp đỡ các em tiến bộ chứ không “bỏ quên” hay tập trung nhiều hơn cho HS học tốt trong một lớp học. Mọi HS đều được giáo dục một cách bình đẳng cả về kiến thức và tình cảm, trách nhiệm từ mỗi GV. - Cô Lê Thị Kim Ngọc