Một trong những điểm mới của Thông tư khi áp dụng vào thực tế đã nhận sự đồng tình ủng hộ cao của giáo viên là quy định về hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên THCS, THPT theo hướng giảm tải.
Theo đó, hồ sơ sổ sách theo quy định gồm kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (sổ điểm cá nhân); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp). Hai loại sổ là sổ dự giờ và sổ họp không còn nữa. Đặc biệt, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT cũng nói rõ các loại hồ sơ kể trên được thực hiện dạng hồ sơ điện tử thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.
Để giáo viên có thời gian tập trung cho công tác chuyên môn, trước Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT từng ban hành chỉ thị riêng về vấn đề giảm hồ sơ, sổ sách. Theo đó, giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định; Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên… Mặc dù Bộ quan tâm chỉ đạo, thế nhưng trên thực tế, việc giải qusuyyết các hồ sơ sổ sách hành chính luôn là nỗi ám ảnh của không ít thầy cô. Không ít loại sổ sách nhà trường vẫn yêu cầu giáo viên viết tay, có loại gần như chỉ có tác dụng “đối phó” với thanh kiểm tra.
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT được xem là một cải cách hành chính thiết thực trong việc tinh giản hồ sơ sổ sách của giáo viên đi đôi với việc tinh giản nội dung chương trình theo Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đây là quy định có ý nghĩa giảm tải đặc biệt cho giáo viên, để thầy cô dành thời gian cho công tác giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang nỗ lực thực hiện Chương trình GDPT mới.
Sau một tháng triển khai, đa số cán bộ, giáo viên cho biết nhà trường có những bước chuyển động đáng kể. Tuy vậy do điều kiện, trình độ công nghệ thông tin giữa các đơn vị chưa đồng đều nên vẫn có băn khoăn trong việc có nên in từ sổ điện tử ra hay không. Học sinh chuyển trường nhưng nơi đến có chấp nhận sử dụng học bạ điện tử hay không… Đáng lo ngại là bên cạnh đa số cơ sở giáo dục nhanh chóng triển khai quy định mới, vẫn còn một số trường chưa chịu chuyển biến, tạo áp lực cho giáo viên qua những hồ sơ ngoài quy định. Một số giáo viên chủ nhiệm phản ánh có trường vẫn yêu cầu phải có giáo án tiết sinh hoạt lớp, mặc dù trong sổ chủ nhiệm đã ghi nội dung nhận xét từng tuần trong mỗi tháng. Có nơi vẫn yêu cầu giáo viên nằm trong danh sách kiểm tra chuyên đề phải thực hiện đầy đủ sổ ghi chép thiết bị, sổ đăng ký tiết dạy công nghệ thông tin…
“Trên bảo dưới chưa nghe” hay “phép vua thua lệ làng” là thực tế còn tồn tại, cần được các cấp quản lý quan tâm, giám sát chấn chỉnh. Đặc biệt, cần đồng bộ hóa trình độ công nghệ thông tin, nhất là ở vùng khó khăn, để chấm dứt tình trạng vẫn giữ nếp cũ do chưa kịp chuyển đổi số. Có như thế, giáo viên trung học mới được thụ hưởng trọn vẹn tinh thần tích cực của Điều lệ mới, không phải bảo “chúng tôi được giảm tải trên… thông tư”.