Đừng để trẻ bị “cụt” văn hóa dân gian

GD&TĐ - “Trò chơi dân gian mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại khiến nó dần bị mai một. Cần phải có động thái tích cực gìn giữ nét đẹp này cho con trẻ”.

Ảnh minh họa: IT
Ảnh minh họa: IT

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Thị Thanh -  Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - chia sẻ với Báo GD&TĐ.

Nét văn hoá gắn liền tuổi thơ

- Trò chơi dân gian có vai trò như thế nào đối với trẻ em, thưa bà?

- Trò chơi dân gian từng là trang ký ức đậm nét về quê hương làng xóm trong mỗi tâm hồn con người Việt Nam. Những tiếng ru ầu ơ của bà, của mẹ. Tiếng cót két, cọt kẹt của chiếc võng đưa nôi trong những trưa hè râm ran tiếng ve… Đó có lẽ là những thứ trẻ con thời nay ít cơ hội được cảm nhận.

Những trò chơi dân gian là bầu trời kí ức, nét văn hoá gắn liền tuổi thơ đối với nhiều thế hệ. Những trò chơi này giúp trẻ vui chơi giải trí sau giờ làm việc căng thẳng. Nó còn rèn luyện cho trẻ sức khoẻ về thể chất, sự phán đoán, óc tư duy sáng tạo. Đặc biệt là rèn cho trẻ sớm có tính tự lập, chủ động, biết yêu thương con người và cuộc sống quanh mình, từ đó hình thành kỹ năng sống.

Trò chơi dân gian còn giúp trẻ hiểu văn hoá dân tộc Việt Nam độc đáo. Qua các trò chơi, trẻ phát triển sự khéo léo và hiểu tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước…

Trò chơi dân gian còn góp phần phát triển toàn diện cho trẻ. Những trò chơi diễn ra ngoài trời sẽ đưa trẻ gần với thiên nhiên hơn. Trẻ có nhiều cơ hội tìm hiểu, quan sát về môi trường tự nhiên và có nhiều trải nghiệm.

Ngoài ra, nhiều trò chơi còn phát triển ngôn ngữ đáp ứng nhu cầu giao tiếp giữa trẻ và mọi người xung quanh. Đây là cơ sở cho việc làm phong phú hơn vốn từ, tạo môi trường rèn luyện ngôn ngữ nói cho trẻ.

Ngày nay, xã hội càng phát triển càng cần thiết hướng trẻ đến các trò chơi dân gian nhiều hơn. Nó giúp trẻ giảm thời gian chơi các thiết bị điện tử, tránh thụ động dẫn đến trầm cảm…

- Theo bà, đâu là lý do khiến trò chơi dân gian thiếu “đất sống”?

- Trò chơi dân gian là một trong những kho tàng của di sản văn hóa, mang tính chất vận động tinh thần xuất phát từ lao động sản xuất, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và được lưu truyền tự nhiên, rộng rãi trong cộng đồng. Những trò chơi ấy hầu hết đều bắt nguồn, gắn kết với các bài đồng giao, những câu vè, hay những câu văn vần rất hay và độc đáo.

Ngày nay, đất chật, người đông, nhiều gia đình sống ở các khu chung cư, khu phố khiến trẻ không có không gian chơi đùa. Hơn nữa, nhiều cha mẹ ngại cho con ra ngoài vì lo sợ, muốn con ở trong nhà cho an toàn. Do vậy, trẻ sinh ra và lớn lên đều không có cơ hội tiếp cận với các trò chơi dân gian.

Khi đến trường, việc bê-tông hóa toàn bộ sân trường tuy có mang lại sự sạch sẽ, thông thoáng, tiện dụng nhưng kéo theo đó là vô vàn bất tiện khác. Đặc biệt ở thành phố, diện tích đất không nhiều, cây xanh ít khiến trẻ không có sân chơi.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, cha mẹ cho con tiếp xúc sớm với thiết bị điện tử khiến trẻ ít tha thiết đến các trò vận động. Thay vào đó là những hình ảnh siêu nhân, chơi game, trò chơi điện tử thông qua ti vi, iPad, điện thoại… từ công nghệ 4.0 đã lấp đầy thời gian của trẻ. Ở nông thôn, tuy có không gian nhưng nhiều gia đình còn bận rộn chuyện kinh tế nên cha mẹ chưa thực sự dành thời gian để chơi với con.

Trẻ ở trên lớp cũng ít có những giờ ngoại khoá lồng ghép các trò chơi dân gian nên dần dần, nét đẹp này bị mai một theo năm tháng.

Qua trò chơi dân gian, trẻ thường háo hức, thích thú, được sống thật với tuổi thơ, với khả năng và tâm hồn trong sáng của mình. Thông qua các trò chơi giúp nâng cao thể chất, ý chí phấn đấu, giáo dục ý thức cộng đồng, bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc cho các thế hệ. Chính vì vậy, từ không được biết, đến không được chơi thực sự là một thiệt thòi đối với trẻ ở khắp mọi miền Tổ quốc.

TS Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ SP Trung ương.
TS Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ SP Trung ương.

Gìn giữ, phát huy trò chơi dân gian cho trẻ

- Giáo viên và cha mẹ học sinh đóng vai trò như thế nào trong việc phát huy và bảo tồn trò chơi dân gian cho trẻ?

- Để bảo tồn cần có chủ trương, chính sách. Tuy nhiên, đối với trò chơi dân gian, không khó để gìn giữ nó. Điều này cần được thực hiện từ chính cha mẹ học sinh, của các nhà trường.

Là trường đào tạo ra các giáo viên mầm non trong tương lai, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương luôn quan tâm tới việc truyền cảm hứng tới sinh viên giữ gìn, tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ.

Độ tuổi mầm non, các em được chơi đùa với bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, rồng rắn lên mây… sẽ khiến trẻ vô cùng thích thú.

Chúng tôi có nội dung trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non ở các học phần: “Giáo dục học mầm non; Tổ chức hoạt động vui chơi; Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non; Phát triển ngôn ngữ cho trẻ; Giáo dục âm nhạc...”. Những học phần này đều góp phần gìn giữ, phát triển trò chơi dân gian cho trẻ.

Trong các đợt thực hành, trường cũng yêu cầu sinh viên thực hiện nội dung tổ chức hoạt động giáo dục lồng ghép trò chơi dân gian, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, triển khai các hoạt động ngày hội, ngày lễ về trò chơi dân gian…

Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng kênh youtube đăng tải các video clip về cách tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mầm non để chia sẻ rộng rãi cho phụ huynh, giáo viên, sinh viên ngành Giáo dục mầm non. Đây chính là cách để đào tạo sinh viên, giúp các thầy cô giáo tương lai hiểu về những trò chơi dân gian của dân tộc. Sau này, chính các cô là người truyền đạt lại, giúp các con được tiếp cận với hoạt động ý nghĩa này.

Đối với cha mẹ, nên dành thời gian chơi với con. Những trò chơi dân gian không hề tốn kém, cũng không khó thực hiện. Vì vậy, nếu cả nhà cùng chơi đùa sẽ khiến con hạnh phúc và phát triển trí tuệ, sức khoẻ toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.