Nhiều nơi, chi phí cho hoạt động này khá lớn, trở thành áp lực với các em có hoàn cảnh khó khăn.
Mỗi nơi một khác
Có con học năm cuối tiểu học, anh Nguyễn Văn Minh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, ban phụ huynh lớp dự định tổ chức lễ tri ân và trưởng thành. Theo đó, số tiền dự kiến là 300 nghìn đồng/học sinh. Với sĩ số lớp 50 em, tổng số tiền thu là 15 triệu đồng. Ban phụ huynh lớp cũng bàn bạc và thống nhất, việc đóng góp sẽ tự nguyện; nếu đủ kinh phí, buổi liên hoan tổ chức trọn gói tại nhà hàng.
Anh Minh chia sẻ: “Đối với phụ huynh có điều kiện, việc đóng 300 nghìn đồng để liên hoan không lớn. Tuy nhiên, ở các trường học vùng nông thôn, gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn thì khoản chi phí này cũng trở thành vấn đề đáng suy nghĩ, cân nhắc và cần điều chỉnh”.
Để chuẩn bị cho lễ trưởng thành và liên hoan chia tay thời học sinh, Trần Thị Ngọc - học sinh lớp 12, Trường THPT Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) và các bạn đã bàn và thống nhất: Mỗi thành viên đóng 400 nghìn đồng. Bạn nào có hoàn cảnh khó khăn được giảm còn 300 nghìn đồng.
Ngọc cho biết: “Trước khi đưa ra số tiền cần thu, chúng em đã họp và lên kế hoạch cho các hoạt đông, khoản chi sau đó báo cáo cô giáo chủ nhiệm. Khoản thu được thống nhất ở lớp rồi mới triển khai, vì vậy cả lớp đều nắm được vấn đề, từ đó quyết định tham gia”.
Thời điểm này, học sinh cuối cấp ngoài ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi còn hào hứng với hoạt động lễ trưởng thành, tốt nghiệp ra trường và chia tay cuối cấp. Tại Trường THPT Đồng Đăng (Cao Lộc, Lạng Sơn), học sinh khối 12 cũng trong tâm thế này.
Tuy nhiên, để tránh lãng phí, gây áp lực cho những gia đình không có điều kiện, nhà trường yêu cầu các lớp tổ chức liên hoan gọn nhẹ, an toàn, tiết kiệm. Thầy Vũ Sơn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng cho biết: “Nhà trường sẽ tổ chức lễ tri ân cho học sinh 12, đồng thời chỉ đạo khối tổ chức liên hoan chung một buổi, nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm thông báo đến học sinh, phụ huynh quá trình tổ chức liên hoan phải đảm bảo an ninh, an toàn giao thông, lựa chọn thực phẩm đảm bảo để không xảy ra tình trạng ngộ độc thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng.
Với khối 10 và 11, chúng tôi cũng chỉ đạo tuyệt đối không tổ chức liên hoan cuối năm tốn kém, lãng phí. Riêng lớp 12, các hoạt động do học sinh và phụ huynh đứng ra triển khai phải trên tinh thần tự nguyện, các khoản thu tính toán hợp lý, không lãng phí để tránh trở thành áp lực cho nhiều học sinh, gia đình”.
Tương tự, cô Trần Thị Bích Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) nói: “Phụ huynh thường muốn tổ chức liên hoan hay hoạt động chia tay làm kỷ niệm. Tuy nhiên, thời điểm này là thời gian “vàng” của học sinh lớp 12; quan trọng nhất cần tập trung ôn luyện, giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng đang tới gần. Dù hiểu tâm lý và mong muốn của học sinh, gia đình nhưng để cân nhắc các yếu tố thì tôi không cổ vũ việc tổ chức các hoạt động liên hoan, vui chơi.
Trường hợp tổ chức, cần tiết kiệm, tránh lãng phí, làm sao thiết thực, ý nghĩa bởi không phải gia đình học sinh nào cũng khá giả. Nếu cuối năm phát sinh thêm khoản tiền lớn, vô tình gây áp lực cho một số em”.
Thầy Vũ Sơn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng trao đổi cùng học trò. Ảnh: NT |
Hạn chế… gánh nặng
Theo TS Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh - Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội), các hoạt động như liên hoan chia tay, chụp ảnh kỷ yếu không nên tổ chức quy mô quá lớn dẫn đến tốn kém, đặc biệt với gia đình ở nông thôn, thu nhập thấp.
Thời điểm này phụ huynh nên động viên trẻ ưu tiên tâm trí, sức khỏe cho việc học, ôn thi. Nếu tổ chức liên hoan, để tránh lãng phí, phù hợp gia cảnh học sinh, ban phụ huynh nên hướng dẫn, hoạch định mức ngân sách cụ thể, cố gắng không vượt quá dự trù theo thống nhất chung của phụ huynh lớp. Đồng thời, gợi ý cho học sinh lựa chọn địa điểm tổ chức phù hợp với chi phí hoặc miễn phí như trường học hoặc công viên công cộng; sử dụng công nghệ để giảm chi phí, như thiết kế điện tử, gửi lời mời qua email, Zalo, Facebook… thay vì in thiệp.
Tổ chức các hoạt động làm đồ trang trí, quà tặng (tự làm) với sự tham gia của học sinh và phụ huynh để giảm chi phí mua sắm; khuyến khích học sinh, giáo viên tự nguyện biểu diễn văn nghệ thay vì thuê nghệ sĩ ngoài… “Cần làm sao để học sinh biết tiết kiệm nhưng vẫn ý nghĩa, gắn kết được tình cảm thầy - trò, trò với trò sau khi tốt nghiệp”, TS Vũ Việt Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng: “Các hoạt động để chia tay thời học sinh rất ý nghĩa và giúp các em biết trân trọng tình bạn, tình nghĩa thầy trò sau này. Tuy nhiên, hoạt động nên có sự đồng hành của giáo viên chủ nhiệm; không chạy theo xu hướng dẫn đến lãng phí; đặc biệt cần tùy theo điều kiện kinh tế mỗi khu vực, địa phương để tổ chức với yêu cầu cụ thể.
Giáo viên chủ nhiệm cần nắm bắt hoàn cảnh học sinh để tư vấn hoạt động phù hợp, không phô trương, lãng phí. Bởi, nếu khoản chi phí cao chắc chắn một số học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn sẽ không thể tham gia vì điều kiện không cho phép”.
“Tôi luôn nhấn mạnh với phụ huynh, tổ chức liên hoan riêng sẽ gây tốn kém, lãng phí. Bởi lễ trưởng thành cho học sinh lớp 12 và bế giảng nhà trường đã tổ chức cũng vô cùng ý nghĩa. Trường hợp 100% phụ huynh, học sinh của lớp mong muốn tổ chức liên hoan thì phải tiết kiệm, tránh lãng phí… Mặt khác, cần đảm bảo an toàn, sức khỏe của học trò trước khi bước vào kỳ thi quan trọng”, cô Trần Thị Bích Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.