Cuốn tự truyện “Bay đơn” được xuất bản năm 1986, kể về những ngày tháng nhà văn Roald Dahl làm việc tại Đông Phi và tham gia chiến đấu cho Không quân Hoàng gia Anh trong Chiến tranh Thế giới thứ II (1939 - 1945).
Với giọng kể chân thực, trong trẻo mà kịch tính, cuốn sách đã cuốn hút và hấp dẫn độc giả, đúng như The Sunday Times khen ngợi: “Những câu chuyện tuyệt vời, những chiến công oanh liệt và những chuyến phiêu lưu kì thú!”.
Chuyến đi “có một không hai”
Cuốn sách 'Bay đơn' ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa. Ảnh: Tấn Quyết. |
“Bay đơn” dày gần 300 trang, chia thành 15 chương. Mở đầu cuốn tự truyện, nhà văn đã dành gần 30 trang viết về hành trình trên con tàu S. S. Mantola từ Anh tới Đông Phi. Chuyến đi này với tác giả thực sự thú vị, mặc dù trong đó có đôi phần gàn dở.
Ông được đồng hành cùng những con người sống lâu năm tại các thuộc địa xa xôi với nhiều điều khác lạ: “Điều khiến tôi nhớ rất rõ về chuyến đi đó là cách cư xử thật khác thường của những hành khách trên tàu”; “…Họ mang tính cách Anh hơn bất cứ người Anh nào, đặc tính cách Scotland hơn bất cứ người Scotland nào, nói tóm lại họ thuộc nhóm người điên khùng nhất mà tôi từng gặp”.
Không may hơn cho Roald Dahl, người bạn ngủ chung khoang tàu với ông - U. N. Savory mới là người có hành vi điên rồ nhất. Do phải sống ở nơi con người rất coi trọng mái tóc, ông Savory đã phải đội tóc giả vì trên đầu chẳng còn sợi tóc nào.
Thậm chí, để mọi người tin mái tóc trên đầu mình là thật, ông đã phải rắc muối lên áo vest tượng trưng cho gàu. Những con người như ông U. N. Savory hay các hành khách khác trên tàu chắc chắn đều do hoàn cảnh sống nên đã tự tạo ra những thói quen và hành động kì quặc như vậy.
Tạm biệt các hành khách với những hành vi kì lạ trên chuyến tàu S. S. Mantola, Roald Dahl lại được đặt chân lên con tàu Dumra để hoàn tất hành trình tới Dar es Salaam.
Không còn bắt gặp những hành động kì lạ trên tàu, nhưng chàng trai Roald Dahl lại bị vùng đất Zanzibar - thành phố được mệnh danh là “hòn đảo gia vị” hút hồn.
“Tôi đứng bên thành tàu ngắm nhìn thành phố Ả Rập cổ đó và thầm cảm thấy một gã trẻ tuổi như tôi thật may mắn khi chẳng tốn một xu nào mà vừa được đi qua những vùng đất tuyệt vời đến nhường này lại vừa có được một công việc tốt đẹp nữa chứ”, nhà văn nhớ lại.
Kết thúc hành trình đầy thú vị từ Anh tới Đông Phi, Roald Dahl “mê mẩn” khi được chào đón bởi những điều mới lạ, không phải gò bó vào trong khuôn khổ như ở quê hương.
“Không có ô gập, không phải đội mũ quả dưa, không phải mặc những bộ comple màu xám buồn tẻ; tôi cũng không phải đi tàu hỏa hay xe buýt nữa. Tôi yêu tất cả những điều đó”, ông hồi tưởng.
Cộng thêm vào đó là khung cảnh đẹp mê hồn, nơi động vật hoang dã sống cạnh con người không chút sợ sệt: “Chúng tôi nhìn thấy những con hươu cao cổ đứng thảnh thơi gặm lá ngay bên đường chẳng chút sợ sệt; chúng tôi nhìn thấy bao nhiêu là voi, hà mã, ngựa vằn, linh dương, thỉnh thoảng còn gặp cả những chú sư tử kiêu hãnh nữa”.
Nơi đây cũng có những người giúp việc bản xứ khéo tay, hiền lành, sau này “trở thành những người bạn rất thân thiết” của Roald Dahl.
Tất cả những gì hiện diện ở Đông Phi đều tuyệt vời, chỉ trừ những con rắn độc. Tác giả đã than thở: “Ôi, những con rắn, sao tôi ghét chúng thế không biết!”. Chúng hầu hết là có độc, thậm chí một số loài còn chủ động tấn công và khiến cho nạn nhân tạm biệt thế giới ngay lập tức.
Thật nguy hiểm khi những con rắn độc chết người ấy lại “hóa trang” nằm đơ giữa lòng đường như khúc cây khô hay nằm tại những điểm khiến mắt con người khó có thể nhìn thấy.
Thậm chí, nhà văn cũng từng được tận mắt chứng kiến một con rắn đen mamba tấn công người: “… Khi tôi đang xoa kem cạo râu lên mặt, tôi vô tình nhìn ra vườn qua cửa sổ… Thế rồi, tôi nhìn thấy con rắn. Nó dài khoảng sáu feet (xấp xỉ 1,8m), to bằng cánh tay tôi và đen tuyền. Chắc chắn đó chính là một con mamba và không còn nghi ngờ gì nữa nó đã nhìn thấy Salimu và đang trườn rất nhanh qua lớp sỏi về phía anh ấy”. May mắn làm sao, khi ấy, ông đã kịp cảnh báo và cứu một mạng sống trong gang tấc cho anh thổ dân làm vườn Salimu.
Chiếc Hurricane của Roald Dahl ở Haifa. Ảnh chụp từ cuốn sách 'Bay đơn' |
Dũng cảm chiến đấu
Những tưởng cuộc đời sẽ trôi đi êm đẹp và sau 3 năm Roald Dahl lại được về với gia đình thì Chiến tranh Thế giới thứ II đã phá hỏng tất cả kế hoạch. Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra đồng nghĩa với việc ông trở thành sĩ quan quân đội bất đắc dĩ tại Dar es Salaam. Chuyến đi đó đã thực sự làm thay đổi cuộc đời của tác giả: Tham gia Không quân Hoàng gia Anh.
Sáu tháng đầu tiên là những ngày tháng bình yên nhất khi ông tập lái máy bay cùng những chiếc Tiger Moth hay Hawker Harts cũ kĩ nhưng đáng tin cậy. Tuy gặp đôi chút vấn đề về chiều cao, nhưng mọi việc cũng dần được sắp xếp ổn thỏa.
Tại trường tập bay, ông được gặp những bạn bè mới dù không xuất thân là quân nhân nhưng họ rất hòa đồng, thân thiện: “Chúng tôi có tất cả 16 người trong trường huấn luyện bay sơ cấp ở Nairobi, và tôi thấy thích tính tình của tất cả những học viên ở đây. Tất cả bọn họ đều trẻ như tôi, họ đều rời nước Anh đi làm cho những hãng lớn như ngân hàng Barclays, hay Imperial Tobacco và giờ đây tất cả chúng tôi đều tình nguyện gia nhập Không quân”.
Những tháng ngày tập luyện tại trường huấn luyện bay sơ cấp ở Nairobi và tại Habbniya kết thúc cũng là lúc Roald Dahl phải chia tay bạn bè trong khóa huấn luyện để về với phi đội 80.
Nhưng trong đường bay tới đó, sự vô tâm khi chỉ sai đường của người sĩ quan đã suýt chút nữa giết chết chính nhà văn và đưa cuộc đời ông rẽ sang hướng khác. Những chấn thương nặng ở vùng đầu do va đập tại tai nạn đó khiến Roald Dahl phải nằm tại bệnh viện Alexandria để chữa trị và hồi phục trong vòng 6 tháng.
Bất chấp mọi lời khuyên giải ngũ, Roald Dahl đã trở về cùng phi đội 80 tham gia chiến đấu tại Hi Lạp. Tác giả nhớ lại: “Trên thực tế, tôi đã trở thành thành viên chính thức của phi đội 80 cách đây hơn 6 tháng rồi nhưng thực ra tôi đã ở gần nó một ngày nào đâu. Lần cuối cùng tôi có cơ hội chính là lần tôi bị rơi máy bay ở sa mạc miền Tây”.
Sự thật đáng thất vọng đó càng trở nên tồi tệ hơn khi ông mới chỉ làm quen với loại máy bay hiện đại hơn để chiến đấu, và chẳng có ai có thể bay cùng để hướng dẫn trong những lần chiến đấu đầu tiên cả.
Trong lần đầu tiên đáng nhớ, nhà văn đã lượn quanh trên bầu trời thành phố Chalcis đúng một tiếng với vài sai lầm nghiêm trọng. Roald Dahl đã liều lĩnh một mình đuổi theo sau đuôi 6 chiếc Ju - 88 (máy bay ném bom của Đức) mà chẳng hề sợ bị khoan thủng một vài lỗ trên máy bay. Nhưng may mắn đã mỉm cười với ông khi không chỉ máy bay hoàn toàn nguyên vẹn và hạ được một máy bay của Đức.
Lần thứ hai cầm cần điều khiển máy bay của Roald Dahl tuy thú vị nhưng vẫn có những sai số nhất định. Sự nôn nóng đã khiến ông không thể nhắm bắn một cách chính xác vào máy bay Đức.
Nhưng, điều kì lạ đã xảy ra: Một máy bay ném bom của Đức đột nhiên chúc thẳng đầu xuống làn nước biển trong xanh của thành phố Chalcis, khiến ông chỉ có thể phỏng đoán lí do: “Tôi tự hỏi làm thế quái nào mà tôi lại hạ được nó nhỉ. Cách giải thích duy nhất mà tôi cho là hợp lý nhất là một viên đạn may mắn đã bắn trúng viên phi công và khi hắn gục xuống đã làm gập cần điều khiển máy bay chúc xuống và thế là nó cứ tiếp tục rơi nốt”.
Thậm chí, sau khi bắn hạ được máy bay của kẻ địch, Roald Dahl đã nán lại để xem thành quả. Hành động này đã tự đẩy chính ông vào tình thế có thể bị bắn hạ bất cứ lúc nào, nhưng một lần nữa thần may mắn lại mỉm cười khi Roald Dahl sử dụng tài trí của mình để có thể bay về căn cứ an toàn.
Đáng buồn thay, những trận chiến của Roald Dahl luôn trong tình thế “một đấu mười” - một máy bay của Không quân Hoàng gia đấu với rất nhiều máy bay của Đức. Những trận đánh như vậy luôn có thể là lần cuối cùng được nhìn thấy đồng đội tại căn cứ.
Bức điện tín của Roald Dahl gửi cho cả nhà - ba tháng sau mới tới. Ảnh chụp từ cuốn sách 'Bay đơn'. |
Người bạn David Coke của Roald Dahl cũng phải thừa nhận sự thật: “Tình thế hoàn toàn vô vọng, nhưng chúng ta vẫn đang cố hết sức. Lúc đầu, máy bay chiến đấu của Đức tương đương với chúng ta nhưng rồi chúng đông hơn đến 50 lần. Nếu chúng không hạ chúng ta trên trời thì cũng quét sạch chúng ta dưới đất thôi”.
Những tháng ngày chiến đấu sau đó của Roald Dahl cũng chứng minh phần nào lời nói của David Coke là sự thật. Đồng đội và máy bay từng người, từng người ra đi.
Thậm chí khi cả phi đội cùng cất cánh một lúc để tạo thanh thế cũng chẳng có kết quả tốt đẹp. Thời gian bay của các phi công, trong đó có cả Roald Dahl, là gần tám tiếng - một hiệu suất tưởng như không thể.
Và vô số lần bị Không quân Đức tìm ra và tập kích tại những sân bay dã chiến, khiến các phi công của phi đội 80 phải chạy vòng quanh Hy Lạp. Rồi những chấn thương từ vụ va đập trên sa mạc tái phát khiến Roald Dahl buộc phải giải ngũ.
Trên đường trở về Anh, Roald Dahl vẫn không thể thoát khỏi còng chiến sự khi những quả ngư lôi và bom liên tục truy kích con tàu. Không chỉ thế, con tàu còn phải liên tục dừng lại để cứu vớt những hành khách bị rơi xuống biển từ con tàu bị đánh đắm. Thật may mắn, con tàu vẫn bình yên cập cảng Liverpool (Anh), từ đó Roald Dahl có thể tìm được đường về nhà và ngã trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Cuốn sách “Bay đơn” là sự kết hợp hài hòa giữa những câu văn miêu tả khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp cùng lối kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn đã khiến bao thế hệ độc giả say mê đón đọc.
Trong những câu văn sinh động, lôi cuốn ấy, “Bay đơn” còn ẩn chứa các thông điệp mà bao người đang cố gắng hướng tới: Kêu gọi bảo vệ môi trường, sự tận tâm trong công việc, sức mạnh của tinh thần quả cảm... Và quan trọng hơn cả, đó là hãy cùng bảo vệ nền hòa bình, đừng để chiến tranh xảy ra trên hành tinh xanh…