Tự truyện của Usain Bolt: Ý niệm đầu tiên về... tình dục

Giờ tôi sẽ kể cho các bạn nghe... hoàn cảnh gia đình tôi nhé. Tôi có một đứa em trai, Sadiki và một người chị gái, Christine. Nhưng cả ba đứa tôi lại do ba người mẹ khác nhau sinh ra. Nghe có vẻ hơi quái đản với nhiều người, nhưng đấy lại không phải chuyện hiếm ở Jamaica.

Tự truyện của Usain Bolt: Ý niệm đầu tiên về... tình dục
2-9986-1439615168.jpg

Bolt (số 6) đến với điền kinh một cách tự nhiên, và luôn tin rằng anh may mắn được Chúa ban cho sức mạnh hơn người.

Pops (bố của Bolt) có con với hai người phụ nữ khác. Khi tôi chào đời thì bố mẹ tôi thậm chí còn chưa phải là vợ chồng. Đấy chưa bao giờ là vấn đề với mẹ, thậm chí khi Sadiki và Christine đến ở ngay trong nhà tôi, họ vẫn được chào đón, yêu thương như con đẻ của bà vậy.

Khi tôi lớn lên và dần nhận biết như thế nào là yêu đương, là những mối quan hệ, là hôn nhân, câu chuyện gia đình cũng chưa bao giờ khiến tôi phải bận tâm. Khi tôi 12 tuổi, rốt cục thì bố mẹ cũng làm đám cưới. Điều duy nhất khiến tôi thất vọng về cuộc hôn nhân này là hai người không cho tôi làm phù rể. Tôi thích được làm phù rể cho bố mình, đấy sẽ là một trải nghiệm có một không hai, nhưng ông lại trao vai trò ấy cho một người khác, có lẽ do tôi còn quá nhỏ.

Tôi cũng không nề hà gì việc có em trai và chị gái cùng cha khác mẹ, thậm chí còn coi đó như một việc tự nhiên. Chúng tôi thân thiết vô cùng và không ai có bất kỳ bí mật nào cần phải giữ. Tôi có thể nói với bố mẹ về tất cả mọi thứ, ngay cả những chuyện riêng tư nhất. Và họ cũng kể cho tôi nghe mọi thứ, kể cả chuyện... giường chiếu.

Nghe điên đúng không? Nhưng đấy là gia đình tôi. Chúng tôi có thể tám chuyện từ thời tiết, xe cộ và đôi khi chủ đề lấn sang "chuyện ấy". Có một lần tôi gọi điện đường dài về nhà, bố bật loa để hai người có thể nói chuyện với tôi. Tôi hỏi:

- Dạo này có gì lạ không Pops?

Bố tôi đáp:

- Usain hả con? Bố khỏe, mẹ khỏe, bố mẹ vừa làm "chuyện ấy" vừa nói chuyện với con đây.

Tôi không thể tin được, đấy là một hình ảnh mà tôi không muốn lưu vào trong đầu. Tôi hét lên:

- Mẹ, bảo bố ngưng ngay đi.

o0o

Lần đầu tiên tôi biết đến cảm giác cuộc đời không hoàn hảo là khi tự mình chứng kiến cái chết. Ông ngoại tôi mất ngay trong nhà tôi. Hôm ấy ông đang khiêng củi vào trong nhà thì bất ngờ ngã xuống, đầu đập xuống sàn và bất tỉnh. Chuyện diễn ra ngay trước mắt tôi, nhưng tôi không biết làm bất cứ điều gì ngoài việc nhìn ông nằm đó, bất tỉnh không nhúc nhích gì được. 

Tôi cảm thấy bất lực. Khi ấy tôi mới có 9 tuổi, tôi đâu có biết cấp cứu là gì. Tôi hoảng loạn và phải mất một lúc mới cất chân chạy sang hàng xóm nhờ giúp đỡ. Nhưng khi mẹ và mọi người chạy đến thì đã không thể làm gì hơn được nữa. Ông ngoại bị một cơn trụy tim, và vì đường sá vừa xấu vừa xa, không ai có thể mang ông đến bệnh viện kịp thời. Ông tôi mất không lâu sau đó.

Là một đứa trẻ, tôi đâu có biết chết là gì. Tôi cũng không có cảm giác gì, tôi không hiểu sau khi chết người ta sẽ đi về đâu. Tôi chỉ biết là mọi người đều rất buồn trong tang lễ, ai cũng khóc. Mẹ và các dì của tôi khóc suốt mấy ngày trời, còn tôi thì không cảm thấy gì vì còn quá nhỏ. 

Tôi rất ghét thấy mẹ tôi buồn khổ, nhưng tôi lại quá nhỏ để hiểu ý nghĩa của cái chết và đám tang. Sau khi chôn cất ông ngoại, tôi chạy ra ngoài chơi với đám bạn bè một cách vô tư. Bạn thấy đó, khi còn nhỏ, bạn vượt qua nỗi buồn rất nhanh.

Tôn giáo cũng khiến tôi bối rối và đấy là chuyện hệ trọng trong gia đình tôi, đặc biệt là với mẹ. Bà là một con chiên cực kỳ ngoan đạo, chúng tôi đi lễ nhà thờ thứ Bảy hàng tuần. 

Bố tôi không thật sự thích điều đó. Ông sẽ đi cùng bà hai lần, một vào Giáng Sinh và một vào ngày đầu năm mới. Nhưng cho dù không thật sự có đức tin, ông vẫn luôn tôn trọng niềm tin của mẹ.

1-6309-1439615168.jpg

Gia đình của Bolt.

Mẹ cố thuyết phục tôi theo tôn giáo của bà, nhưng không bao giờ o ép. Bà sẽ đọc kinh thánh cho tôi nghe, chỉ cho tôi biết điều hay lẽ phải trong đó, nhưng chưa bao giờ bà áp đặt tôi phải theo tôn giáo.

"Nếu mẹ ép con làm một điều tốt đẹp gì đó, có khi con lại ghét luôn cái điều tốt đẹp ấy. Hãy để tự người ta nhận ra điều đó hơn là cố chỉ cho họ thấy", mẹ nói với tôi như thế.

Khi còn nhỏ, tôi quả không thích nhà thờ. Khi lớn lên, tôi rất thích hội thao diễn ra vào ngày thứ Bảy vì khi ấy tôi sẽ có lý do chính đáng để không phải đi nhà thờ. Những lần đó, bà luôn buộc tôi phải cầu nguyện ở nhà 20 phút. 

Phải đến khi ngày càng trưởng thành, tôi mới dần tin vào tôn giáo. Vì tôi nhận ra mình đã được Chúa tặng cho một món quà vô giá. Tôi tin là Chúa sẽ giúp cho những người nỗ lực hết mình. 

Khi đứng bên đường chạy, tôi biết là mình đã làm hết sức có thể, HLV của tôi đã chuẩn bị mọi thứ, tôi sẽ cầm chặt Thánh giá trên tay mình, ngước nhìn lên bầu trời và xin Chúa ban cho tôi sức mạnh vào cuộc thi.

Và khi tiếng súng lệnh vâng lên, tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào tôi.

Theo thethao.vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ