Nhóm đã nghiên cứu tạo kem xoa bóp từ chiết xuất cây Đòn võ, quy mô phòng thí nghiệm 20 lọ kem/mẻ. Kem xoa bóp xương khớp được chứng minh an toàn, không gây kích ứng da trên thỏ thực nghiệm.
Tiềm năng từ loài dược liệu mới
ThS Ngọ Thị Phương và nhóm nghiên cứu Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa hoàn thiện xuất sắc đề tài “Nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa xương khớp từ nguồn dược liệu cây Đòn võ phát triển tại tỉnh Thái Nguyên”.
ThS Ngọ Thị Phương cho biết, thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn không đủ bù đắp cho lớp sụn ở khớp bị hao mòn.
Theo thời gian, lớp sụn khớp phủ trên bề mặt xương sẽ dần bị mỏng và hư tổn, gây đau nhức và hạn chế vận động, thậm chí có thể bị tàn phế. Mặc dù thoái hóa khớp không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng của người bệnh nhưng khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm đi rõ rệt.
Ngày nay, việc điều trị thoái hóa khớp bằng các bài thuốc y học cổ truyền hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược đang là xu hướng được nhiều người ưa chuộng do tính an toàn, dễ dung nạp và hầu như không gây ra các tác dụng phụ, có thể dùng duy trì thời gian dài để giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Cây Đòn võ được người dân bản địa và Hội Đông y huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên sử dụng để chữa bệnh thoái hóa cơ xương khớp, thoát vị đĩa đệm rất hiệu quả.
Người dân thường dùng lá tươi sao khô giã nát và đắp cùng với lá ngải cứu, cúc tần để chữa bệnh thoái hóa đốt sống lưng, đốt sống cổ. Còn thân rễ và lá được sắc nước uống nếu kết hợp cùng với việc đắp thuốc chỉ sau 3 - 5 ngày đã thấy hiệu quả rõ rệt. Cây Đòn võ đang mọc hoang trên vùng núi tại một số nơi của tỉnh Thái Nguyên.
“Theo thông tin từ người dân bản địa, cây Đòn võ đang được săn lùng và bán sang Trung Quốc nên nguồn dược liệu này ngày càng cạn kiệt. Theo tra cứu các tài liệu về thực vật, cây dược liệu, cũng như các công bố trong nước và thế giới, nhóm nghiên cứu nhận thấy cây Đòn võ là loài dược liệu chưa được nghiên cứu. Cây Đòn võ là đặt theo tên địa phương và các thông tin khoa học về cây Đòn võ hoàn toàn chưa có”, ThS Phương chia sẻ.
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm đã xác định tên khoa học cây Đòn võ là Premna lucidula Miq., có tên đồng vật (synonym) là Premna flavescens Buch.-Ham. ex C.B.Clarke, thuộc họ Lamiaceae và đã thực hiện đăng ký lên ngân hàng gen.
Đề tài đã xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây Đòn võ quy mô khoảng 700 cây tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Kết quả cho thấy các cành giâm được xử lý với thuốc kích ra rễ rồi giâm lên nền giá thể cho tỷ lệ sống, tỷ lệ ra rễ và chất lượng bộ rễ, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. Vườn thử nghiệm trồng cây Đòn võ phát triển tốt, tương tự phân bố trong tự nhiên.
Cây Đòn võ trồng thử nghiệm ở Thái Nguyên. |
Bào chế dược liệu thành viên xương khớp
Từ nguồn dược liệu quý này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra công thức bào chế tạo viên xương khớp hỗ trợ điều trị thoái hóa xương khớp với thành phần chính là cao khô, phối với một số cao dược liệu gồm: Cốt toái bổ, đỗ trọng, đương quy, thổ phục linh.
Nhóm đã nghiên cứu tạo kem xoa bóp từ chiết xuất cây Đòn võ quy mô phòng thí nghiệm 20 lọ kem/mẻ. Kem xoa bóp xương khớp được chứng minh an toàn, không gây kích ứng da trên thỏ thực nghiệm.
“Các kết quả nghiên cứu của đề tài đều là những kết quả mới ở trong nước cũng như trên thế giới, cung cấp các dữ liệu khoa học cho cây Đòn võ (Premna flavescens). Các sản phẩm ứng dụng là viên xương khớp và cao xoa bóp có tác dụng điều trị bệnh thoái hóa xương khớp, viêm đau xương khớp là những sản phẩm mới, tiềm năng để thương mại hóa”, ThS Ngọ Thị Phương nói.
Từ những kết quả đã đạt được, nhóm nghiên cứu mong muốn nhân rộng mô hình trồng, phát triển cây dược liệu Đòn võ cho các hộ dân tỉnh Thái Nguyên để bảo tồn cây dược liệu quý của tỉnh và tạo vùng dược liệu làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm hỗ trợ thoái hóa xương khớp.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chiết xuất chế phẩm Đòn võ ở quy mô lớn hơn và sản xuất thử nghiệm sản phẩm, xây dựng kế hoạch thương mại hóa sản phẩm để đưa sản phẩm ra thị trường.