Thái Nguyên: “Tài sản quý” từ lan dược liệu

GD&TĐ - Trong khi dư luận đang nóng lên trước thông tin về lan “đột biến” với những giao dịch được cho là "ảo" trị giá đến bạc tỉ, có một nhà khoa học nữ lại lặng lẽ đầu tư tâm huyết để nghiên cứu phát triển lan theo hướng phục vụ làm dược liệu.

Những loài Lan quý được lưu giữ, lai tạo trên cây rừng
Những loài Lan quý được lưu giữ, lai tạo trên cây rừng

Lâu nay, nói đến hoa lan là người ta nghĩ đến một thú chơi, một đam mê. Chăm sóc, nuôi dưỡng, thưởng thức vẻ đẹp tao nhã sang trọng của hoa lan giúp con người bình tâm, hòa mình vào thiên nhiên. Thậm chí, qua cách chơi lan, người chơi cũng bộc lộ phần nào tính cách, tâm hồn.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, đang có rất nhiều thông tin về lan “đột biến”, cùng với đó là những cuộc giao dịch được cho là đắt đỏ, hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Những thông tin đó càng làm cho thị trường lan nóng hơn bao giờ hết, thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng.

Cũng đặc biệt quan tâm đến các loài hoa lan, nhưng PGS.TS Trần Thị Thu Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) lại thầm lặng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loài lan quý cho đời, cho xã hội - biến chúng  trở thành những “tài sản quý” theo hướng đi của riêng mình.

PGS.TS Trần Thị Thu Hà ,Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên)
PGS.TS Trần Thị Thu Hà ,Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên)

Với điều kiện về trình độ khoa học cũng như trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp của trường ĐH Nông lâm đã nhiều năm nay tập trung tìm kiếm phát hiện, lưu giữ, lai tạo, nhân giống rất nhiều loài lan, chủ yếu là những loài thuộc diện quý hiếm.

“Nếu chúng ta không nỗ lực bảo tồn, một ngày nào đó các giống loài quý hiếm sẽ biến mất. Chúng tôi làm công việc này, trước hết là mong muốn góp phần bảo đảm đa dạng sinh học, sau nữa là mong muốn sản phẩm khoa học của mình mang tính xã hội, vừa giữ rừng vừa giúp phát triển đời sống đồng bào khu vực miền núi” - PGS.TS Trần Thị Thu Hà chia sẻ.

Dẫn chúng tôi vào vườn giống lan, chị Dương Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học của Viện cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang đi sâu vào nghiên cứu cách bảo tồn, phát triển các loài lan quý, có giá trị cao để phục vụ sản xuất dược liệu, trong đó đáng chú ý như lan Kim tuyến, lan Thạch hộc tía, lan Hài”.

Chị Dương Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp giới thiệu cho phóng viên về quy trình lai tạo và nhân giống lan Kim tuyến.
Chị Dương Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp giới thiệu cho phóng viên về quy trình lai tạo và nhân giống lan Kim tuyến.

Lan Kim tuyến (có nơi gọi là lan Gấm) có dược học đặc biệt tốt cho việc chữa ung thư, tim mạch, cũng như phục vụ làm đẹp. Loài lan này thuộc vào nhóm 2A, đang bị săn lùng thu mua và đối diện nguy cơ kiệt quệ, được nhóm nghiên cứu tìm kiếm, tuyển chọn, nuôi cấy và nhân giống theo quy trình invitro.

Cây mẹ có hàm lượng dược học cao, sạch bệnh, sinh trưởng phát triển tốt sẽ được khử trùng đoạn thân tạo vật liệu khởi đầu, tái sinh chồi, tạo cụm chồi, tạo rễ, cảm ứng cây. Toàn bộ quy trình này mất khoảng 3 - 4 tháng. Đây là giống lan nhạy cảm với ánh sáng trực xạ và nhiệt độ cao, cho nên được đưa đến thực nghiệm trong môi trường phù hợp tại một số địa phương như Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn…

Lan Thạch hộc tía cũng là giống hoa rất quý khi nó là nguồn dược liệu tốt cho việc chữa ung thư, dạ dày. Hiện nay, giống hoa này đang được Viện nhân giống, sản xuất quy mô lớn trong điều kiện bán tự nhiên, sau đó gắn lên thân cây rừng khu vực miền núi vùng cao, nhằm nhân rộng và đảm bảo đa dạng sinh học. Mỗi năm, Trung tâm xuất được hàng triệu cây giống, tạo ra nhiều việc làm và nguồn lợi cho đồng bào phát triển kinh tế.

Tương tự, lan Hài cũng là một giống hoa quý mà Viện đang nhân giống, cung cấp số lượng lớn, phục vụ cho việc sản xuất dược liệu chống ung thư, bồi bổ tăng cường thể lực.

Vườn cây thông đất được chăm sóc và phát triển tại Trung tâm công nghệ sinh học
Vườn cây thông đất được chăm sóc và phát triển tại Trung tâm công nghệ sinh học

Bên cạnh các giống hoa lan, Trung tâm cũng nghiên cứu lai tạo, bảo tồn và nhân rộng thành công nhiều giống loài thảo dược giá trị khác như đinh lăng, gừng gió, thông đất… Đặc biệt, PGS.TS Trần Thị Thu Hà cùng đội ngũ cộng sự đã bằng công nghệ sử dụng chỉ thị phân tử nhận dạng loài thông đất, phân tích hoạt chất dược liệu, đăng kí 11 đoạn gen đặc trưng thông đất trên ngân hàng gen NCBI. Đây là một thành công vô cùng ý nghĩa, bởi thông đất là nguồn dược liệu quý phục vụ chữa trị các bệnh Alzheimer, Parkinson, teo não và sa sút trí tuệ…

Hướng đi của PGS.TS Trần Thị Thu Hà và đội ngũ các nhà khoa học, các cộng sự tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc lấy khoa học cơ bản làm nền tảng để chuyển hướng mạnh vào khoa học ứng dụng, chuyển giao tiến bộ công nghệ phục vụ thực tiễn đời sống.

Không chỉ “làm giàu” thêm cho tài sản khoa học của mình, họ còn đang đóng góp thiết thực vào việc nhân rộng mô hình sinh kế để phát triển đời sống kinh tế xã hội bền vững cho đồng bào vùng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.