(GD&TĐ)-Từ trước đến nay, nói đến công tác đoàn, nhiều người vẫn quan niệm đó chỉ là những hoạt động bề nổi, trống rong, cờ mở. Tuy nhiên, với ThS.Lê Xuân Quang – Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội, công tác Đoàn có vai trò đáng kể trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt, trong các trường sư phạm, để đào tạo ra những người giáo viên có chuyên môn vững vàng, kĩ năng nghiệp vụ thành thạo, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng thì không thể không kể đến vai trò của công tác đoàn.
ThS.Lê Xuân Quang thay mặt Đoàn Thanh niên Trường ĐHSP HN tặng học bổng chúc mừng thủ khoa tuyển sinh năm 2010. |
Tại các trường sư phạm, công tác đoàn có vai trò như thế nào trong quá trình đào tạo giáo viên?
ThS.Lê Xuân Quang: Nghề giáo là một nghề đặc biệt, là nghề không cho phép tạo ra những “sản phẩm” bị “lỗi”. Là nghề mà công cụ chủ yếu là nhân cách của chính bản thân người thầy. Người thầy giáo tác động đến học sinh không những bằng hành động trực tiếp của mình mà còn bằng sự mẫu mực, bằng thái độ và hành vi của chính mình đối với thế giới xung quanh. Do vậy ngoài chuyên môn thì hơn bất kì ngành nghề nào đạo đức nghề nghiệp và những phẩm chất cần thiết là rất quan trọng đối với những người làm nghề giáo.
Công tác đoàn trong các trường nói chung và trường Sư phạm nói riêng có nhiệm vụ quan trọng là giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa cho sinh viên. Thông qua các hoạt động giáo dục đó góp phần trang bị, bồi dưỡng cho sinh viên về đạo đức và những phẩm chất đáng quý của người thầy giáo.
Cũng thông qua hoạt động đoàn, giúp cho sinh viên nhận thức sâu sắc về tinh thần nhân đạo, tương thân tương ái, thái độ công bằng, giản dị, khiêm tốn và mình vì mọi người.
Cụ thể, công tác đoàn có thể có những đóng góp như thế nào?
ThS.Lê Xuân Quang: Trước hết, đoàn thanh niên với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội của học sinh - sinh viên, do vậy nhiệm vụ trước tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên thanh niên về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc; về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của Đoàn Thanh niên; về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường xây dựng CNXH ở nước ta; phổ biến, quán triệt các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết mới của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; các quy định, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Điều lệ Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên,... đến từng đoàn viên, thanh niên trong toàn trường từ đó góp phần rèn luyện bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên.
Bên cạnh đó, công tác đoàn trong các trường sư phạm luôn trang bị cho sinh viên những hiểu biết sâu sắc về quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và đặc biệt là giáo dục đào tạo,... giúp sinh viên nhanh chóng nắm bắt được những thay đổi về chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục.
Đoàn Thanh niên trong các trường sư phạm có vai trò to lớn trong việc tham mưu, phối hợp tổ chức các hoạt động NCKH, các hoạt động rèn luyện NVSP cho sinh viên, từ đó giúp sinh viên có những kĩ năng cơ bản trong NCKH và nghiệp vụ sư phạm. Đoàn thanh niên trong các trường sư phạm luôn luôn xác định mọi hoạt động của Đoàn trường phải tạo điều kiện và hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện NVSP và NCKH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Một trong những điểm yếu của sinh viên nói chung, sinh viên các trường sư phạm nói riêng hiện nay là kỹ năng mềm. Tuy nhiên việc rèn luyện và phát triển kĩ năng mềm cho sinh viên sư phạm chưa được chú trọng đúng mức, công tác Đoàn có thể bù đắp vào hạn chế này?
ThS.Lê Xuân Quang: Đó chính là một vai trò quan trọng của công tác đoàn. Công tác đoàn là một bộ phận quan trọng trong quá trình rèn luyện kĩ năng mềm cho sinh viên mang tính thường xuyên liên tục. Ngày nay thế giới đang phát triển như vũ bão về thông tin, khoa học kĩ thuật,... trong bối cảnh đất nước mở cửa để hội nhập thì sinh viên đại học nói chung và sinh viên các trường sư phạm nói riêng cần có những kĩ năng phù hợp để thành công trong môi trường làm việc của thế kỉ XXI.
Giờ đây trong môi trường làm việc ở thế kỉ XXI thì người làm việc luôn phải phân tích chuyển đổi và tạo ra thông tin. Cộng tác với đồng nghiệp để giải quyết vấn đề và ra quyết định. Thực hiện nhiệm vụ đa dạng và sử dụng công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên nhìn vào chương trình đào tạo cử nhân sư phạm ta dễ dàng nhận ra rằng việc rèn luyện và phát triển kĩ năng mềm cho sinh viên Sư phạm chưa được chú trọng đúng mức.
Hằng năm các tổ chức đoàn trong trường sư phạm tổ chức rất nhiều các hoạt đông, các sự kiện chính trị, văn hóa, giáo dục, thể thao, các diễn đàn,... tham gia vào các hoạt động này sẽ cho sinh viên những cơ hội được trải nghiệm, được rèn luyện kĩ năng mềm (kĩ năng giao tiếp, kĩ năng lắng nghe, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng làm việc nhóm,...) một cách khoa học. Hoạt động đoàn như cầu nối giữ lí thuyết về kĩ năng mềm với thực tiễn.
Bên cạnh đó, đoàn trường các trường sư phạm luôn tích cực tham gia vào công tác tổ chức thực tập cho sinh viên thông qua việc phối hợp cùng phòng đào tạo thành lập các chi đoàn thực tập sư phạm, chỉ định các Liên Chi đoàn phụ trách công tác Đoàn của đoàn thực tập sư phạm.
Hàng năm, đoàn trường đã chỉ đạo về mặt nội dung và phương pháp công tác đoàn ở trường phổ thông cho giáo sinh thực tập thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn kĩ năng, nghiệp vụ công tác đoàn. Nhờ đó mà giúp cho sinh viên có những kĩ năng nhất định khi xuống tiếp xúc với môi trường thực tế ở phổ thông.
Có thể nói, những thành công trong công tác đoàn vượt ra ngoài phạm vi trường sẽ làm cho xã hội quan tâm, theo dõi, chú ý đến các hoạt động của nhà trường. Từ đó góp phần quảng bá hình ảnh trường sư phạm trong hệ thống các trường chuyên nghiệp, thu hút đông đảo học sinh đăng kí dự thi làm tăng chất lượng đầu vào.
Các hoạt động đoàn trong trường sư phạm luôn hàm chứa nội dung rèn luyện NVSP, kĩ năng. Tuy nhiên việc nhận ra điều này phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần, ý thức tự giác, chủ động tìm kiếm của sinh viên khi tham gia các hoạt động đoàn.
Hiếu Nguyễn