Hiện đại hóa cho… di tích quốc gia đặc biệt
Đây là lần thứ ba trong 10 năm, Hà Nội tổ chức trưng bày và lấy ý kiến người dân về dự án cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, từ năm 2010, quận Hoàn Kiếm đã bắt đầu nghiên cứu phương án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng, không gian kiến trúc ven hồ.
Được biết, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với đơn vị tư vấn là Công ty Arep Ville (Pháp), Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC (Nhật Bản)… nghiên cứu dự án đầu tư “Xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm”. Mục tiêu là cải tạo, đồng hoàn chỉnh, bảo đảm tính tổng thể của kiến trúc và hạ tầng khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Do tính chất quan trọng như vậy nên đây là lần thứ ba quận Hoàn Kiếm tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng để chỉnh sửa cho phù hợp trước khi thi công. Theo phương án thiết kế, các hạng mục như đài phun nước tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hệ thống chiếu sáng trang trí tại đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, đền vua Lê, đèn led chung quanh hồ Hoàn Kiếm, tháp Rùa… sẽ được chỉnh trang, nâng cấp.
Đối với bờ kè quanh hồ Hoàn Kiếm, gần đây một số đoạn bị sạt lở, dự kiến dự án sẽ làm thí điểm một đoạn trước Tết Nguyên đán. Sau Tết Nguyên đán sẽ triển khai đồng bộ. Thời gian thi công triển khai trong 60 ngày. Điểm đặc biệt của đoạn bờ kè là khối bê-tông lớn, đúc rỗng. Chất liệu bằng bê tông cốt sợi, không có i-ôn, không ăn mòn, có thể trường tồn trong môi trường.
Kỹ sư Trần Trung Sinh, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm cho biết: “Giải pháp này đảm bảo độ bền vững lâu dài và hài hòa với cảnh quan cổ kính xung quanh hồ. Quá trình thi công có thể làm ban đêm và không phải làm tường vây bao, đào móng, ảnh hưởng đến mặt nước, cây xanh”.
Hồ Hoàn Kiếm dễ thành bể nước bê-tông!
Với 30 năm nghiên cứu về văn hóa, lịch sử hồ Hoàn Kiếm, PGS Hà Đình Đức không đồng tình với phương án kè hồ nói trên. Ông cho rằng, hồ Hoàn Kiếm cần được ứng xử đặc biệt.
Kè đẹp bền vững nhưng tư duy như thế thì hồ sẽ giống như cái bể nước bê tông. Nét đẹp tự nhiên của hồ là những khe hở để thẩm thấu nước. Bên dưới lòng hồ có rất nhiều mạch nước ngầm, kè bằng khối bê tông sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Ông Trần Quang Tinh, người dân sinh sống gần hồ Hoàn Kiếm cho biết, tình trạng sụt lún ở hồ là có và xảy ra tương đối nhiều. Du khách thấy cảnh sụt lún là hình ảnh xấu. Việc sụt lún cũng có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người dân khi tham gia vào không gian này.
“Việc cấp thiết là phải chỉnh trang. Tuy nhiên phải có phương án hợp lý đảm bảo được hồn cốt và sự cổ kính của hồ. Tôi thấy việc trưng bày dự án đề cập đến việc cải tạo theo kiểu bê tông hóa có phủ rêu nhưng chắc chắn sự cổ kính sẽ không được như xưa, dù sự bền vững, tránh sạt lở rất khả quan”, ông Tinh cho hay.
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn đã khảo sát, toàn bộ kè hồ Hoàn Kiếm dài khoảng 1.600m, trong đó có khoảng 600m đã hư hỏng. Tháng 11/2019, việc thí điểm thực tế đã được triển khai một đoạn 5m tại hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình.
Công ty thực hiện thí điểm tại hồ Trúc Bạch đã thành công. Nhưng chuyện trúng thầu để đi vào thực hiện dự án tại hồ Hoàn Kiếm là chuyện khác. Liệu đơn vị trúng thầu có công nghệ, phương thức để đảm bảo thành công hay không? Có chuyên gia cho rằng, nếu kè bằng các khối bê tông đúc sẵn sẽ tạo cảm giác như hồ chứa nước thủy lợi. Nó sẽ xâm hại nghiêm trọng đến cảnh quan tự nhiên và di tích của “trái tim Thủ đô”.
Hà Nội đã thi tuyển kiến trúc?
Theo KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc kè lại bờ hồ Hoàn Kiếm là cần thiết. Tuy nhiên, cần sử dụng công nghệ phù hợp và được các nhà khoa học đóng góp ý kiến cẩn thận. Cần đặc biệt chú ý vấn đề kè hồ phải an toàn, khoa học, tiết kiệm và chuẩn quy trình.
Việc sử dụng vật liệu gì, công nghệ ra sao cần có ý kiến đánh giá của các nhà khoa học chứ không được ngẫu hứng. Làm bờ kè phải bảo đảm sao cho không bị cứng, cây cỏ mọc nhanh trả lại màu rêu phong phù hợp cảnh quan. Giải pháp kỹ thuật nào cũng không được làm thay đổi vẻ đẹp tự nhiên của hồ.
Luật Xây dựng quy định, những công trình quan trọng, muốn sửa chữa, cải tạo thì phải được thi tuyển kiến trúc một cách rộng rãi để lấy phương án kiến trúc tốt nhất. Đồng thời, những phương án đó phải được xin ý kiến của nhân dân trước khi bắt tay vào sửa chữa, cải tạo.
Dự án cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm về việc thay thế bờ kè bị sạt lở bằng bê tông đúc sẵn thì đang lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, cuộc “thi tuyển kiến trúc một cách rộng rãi” để tuyển chọn những phương án sáng tạo – thông minh nhất thì sao?