Những nét cơ bản và khác biệt trong đào tạo giáo viên tại Đức được GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội - chia sẻ trong tham luận tại hội thảo giáo dục 2018.
Giáo viên được đào tạo trong các trường ĐH đa ngành
Mô hình đào tạo giáo viên ở Đức trước năm 1980 tiến hành trong các trường đại học sư phạm. Sau đó, các trường đại học được tích hợp vào các trường đại học đa ngành.
Từ đó đến nay, giáo viên được đào tạo trong các trường đại học đa ngành. Có một số ít bang như Baden – Wüttemberg đến nay vẫn tồn tại các trường sư phạm độc lập nhưng chỉ đào tạo các loại hình giáo viên cho các trường tiểu học và THCS.
Giáo viên được đào tạo theo cấp học và theo loại hình trường. Cũng có những giáo viên được đào tạo cho 2 cấp hoặc cho nhiều loại hình trường ở bậc THCS.
Giáo viên bậc THCS và THPT được đào tạo cho hai môn học chuyên ngành, trong đó có phân biệt môn thứ nhất và môn thứ hai với tỷ trọng thời gian đào tạo khác nhau. Mô hình đào tạo giáo viên tích hợp giữa khoa học giáo dục và khoa học chuyên ngành.
Ngay từ những năm đầu của các khóa đào tạo giáo viên, bên cạnh các môn học chuyên ngành, sinh viên được học về các môn khoa học giáo dục và thực tiễn trường học.
2 giai đoạn đào tạo giáo viên
Tham luận của GS Nguyễn Văn Minh cho biết: Đào tạo giáo viên được diễn ra trong 2 giai đoạn: Quá trình đào tạo giáo viên trong trường đại học được gọi là giai đoạn 1, sau kì thi tốt nghiệp với kỳ thi quốc gia thứ nhất, các giáo viên mới ra trường này được tham gia vào giai đoạn đào tạo giáo viên tập sự của các bang.
Thời gian đào tạo trong trường đại học là 5 năm trong đó được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn đào tạo cử nhân (Bachelor of Education): Giai đoạn này kéo dài trong 3 năm, SV học trong 6 học kì với 180 tín chỉ (trung bình 30 tín chỉ/ học kì, 1 tín chỉ bằng 15 giờ, bao gồm cả thời gian tự học);
Giai đoạn đào tạo thạc sĩ (Master of Education): giai đoạn này kéo dài trong 2 năm, SV học trong 4 kì với 120 tín chỉ.
Ở CHLB Đức, sinh viên cần có trình độ thạc sỹ (Master) thì mới được đăng ký vào giai đoạn đào tạo giáo viên tập sự. Vì vậy tốt nghiệp bậc cử nhân (Bachelor) trong chương trình đào tạo giáo viên chưa được phép trở thành giáo viên.
Đặc điểm của chương trình đào tạo cử nhân là tính đa giá trị của bằng cử nhân, có nghĩa là người tốt nghiệp không bị ràng buộc duy nhất vào hướng học lên bậc thạc sỹ theo chương trình đào tạo giáo viên mà có thể tìm việc làm ở thị trường lao động theo các hướng khoa học chuyên ngành mà họ đã học.
Tuy nhiên, nét đặc thù của mô hình đào tạo giáo viên của Đức theo mô hình phân 2 bậc nối tiếp này là ngay trong bậc cử nhân đã có nội dung về khoa học giáo dục và thực tiễn phổ thông.
Đào tạo giáo viên tập sự được gọi là giai đoạn 2 của đào tạo giáo viên sau giai đoạn đào tạo đại học. Sau khi kết thúc giai đoạn đào tạo đại học, những người tốt nghiệp các ngành đào tạo giáo viên được tuyển vào cơ sở đào tạo giáo viên tập sự theo nhu cầu tuyển dụng giáo viên của bang. Việc đào tạo giáo viên tập sự được thực hiện tại các cơ sở đào tạo giáo viên tập sự của các bang.
Sau khi nhận được bằng thạc sỹ, để trở thành giáo viên thì sinh viên cần đăng kí đào tạo tập sự tại bộ giáo dục của bang, thời gian đào tạo tập sự là 1 năm (một số bang là 1.5 – 2 năm). Thời gian này sinh viên chủ yếu làm công tác thực tập giảng dạy tại trường phổ thông và sau đó sẽ tham gia kì thi quốc gia để trở thành giáo viên tại các trường phổ thông.
Việc đào tạo giáo viên tập sự có mục tiêu hình thành năng lực cho các giáo viên tập sự thực thi nghề giáo viên. Điều đó có nghĩa là giáo viên tập sự tiếp thu khả năng hành động nghề nghiệp của người giáo viên: dạy học, giáo dục, tư vấn, đánh giá, đổi mới, tổ chức và quản lý.
Chương trình đào tạo tập sự bao gồm xêmina chính, các xêmina chuyên ngành tại cơ sơ đào tạo tập sự và đào tạo thực tiễn nhà trường tại các trường tham gia đào tạo.